“Phao cứu sinh” của các doanh nghiệp địa ốc
Các doanh nghiệp bất động sản đang nỗ lực trong bài toán thanh khoản bằng cách điều hướng dòng tiền vào các sản phẩm mang tính “hợp lý” trên mọi phân khúc.
Giới chuyên gia đánh giá trong thời gian qua, số lượng sản phẩm nhà ở hạn chế và không đại diện cho thu nhập của đa số người dân, chênh lệch giá giữa những sản phẩm quá lớn.
Từ quý 4/2023 đến nay, một số dự án đưa ra với sản phẩm căn hộ có giá rất cao nhưng giao dịch hạn chế do giá đã vượt qua tích lũy của nhiều người mua. Bức tranh thực tế này cho thấy tình hình lệch pha cung – cầu trên thị trường bất động sản.
Theo một khảo sát của Batdongsan.com.vn, hơn 60% nhu cầu mua nhà đang rơi vào các dự án có giá trên dưới 3 tỷ đồng, còn nguồn cung hiện hữu thì giá đang quá cao. Cung – cầu lệch pha cũng là nguyên nhân khiến thanh khoản BĐS phục hồi chậm và nhiều dự án rơi vào cảnh khó bán hàng.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, thị trường ghi nhận hàng loạt dự án cả mới và cũ được triển khai kinh doanh, tái khởi động, khởi công, diễn ra tại TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương… cho thấy, các doanh nghiệp đang trên đà quay lại thị trường với chiến lược lâu dài và sự chuẩn bị kỹ càng hơn về nội lực.
Chuyên gia đánh giá, hầu hết dự án triển khai ra thị trường trong quý đầu năm đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về pháp lý, tiến độ xây dựng, các chương trình, chính sách bán hàng, thể hiện sự minh bạch và năng lực của chủ đầu tư. Đây cũng là yếu tố quyết định tới thành công của các chủ đầu tư trong chu kỳ mới.
Tuy còn khó khăn, nhưng thị trường bất động sản vẫn có nhiều kỳ vọng về một chu kỳ phục hồi khi mặt bằng lãi suất hạ, các bộ luật có liên quan được thông qua, tạo môi trường pháp lý hoàn thiện hơn.
Tới đây, khi các bộ luật bất động sản mới sẽ sớm có hiệu lực, chưa tính đến các Nghị quyết khác của Quốc hội sẽ thúc đẩy sự thay đổi trong hướng phát triển của các chủ đầu tư bất động sản, tập trung vào những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.
Theo giới chuyên môn, việc tái cơ cấu phân khúc là hướng đi sống còn của các doanh nghiệp BĐS giai đoạn này, bởi nếu "không bán thứ thị trường cần" sẽ dễ bị đào thải trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn và nhu cầu ở thực đang chiếm ưu thế hơn việc đầu tư và lướt sóng.
Nhiều doanh nghiệp công bố chiến lược phát triển mới, trong đó tập trung hoàn thiện pháp lý để tái khởi động các dự án; ưu tiên phát triển phân khúc nhà ở thực, có thanh khoản cao.
Hiện thị trường bất động sản đang lệch pha cung - cầu, 70% là sản phẩm cao cấp, còn lại thuộc phân khúc trung cấp, hoàn toàn thiếu vắng sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền - phân khúc có tính thanh khoản cao, nhu cầu cao và có cơ hội phục hồi trước tiên khi thị trường gặp khó khăn. Do đó, nhiều doanh nghiệp khẳng định, sẽ ưu tiên tập trung phát triển các phân khúc mà người dân cần.
Chuyên gia dự báo, sau cuộc tái cấu trúc toàn diện của các doanh nghiệp địa ốc, thị trường bất động sản đang có nhiều cơ hội hơn để cơ cấu lại phân khúc sản phẩm, nhất là khi Luật Nhà ở 2023 dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 đã “ưu ái” hơn cho các chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội. Đặc biệt, để đảm bảo an sinh xã hội của người dân, ngoài các chính sách phát triển nhà ở xã hội, cần có các cơ chế ưu đãi để thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở vừa túi tiền nhất là tại các đô thị lớn, để người dân có thu nhập thấp có cơ hội được hiện thực hóa giấc mơ an cư lạc nghiệp.