Pháp lý là rào cản lớn nhất với bất động sản

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), vấn đề pháp lý liên quan đến các bộ luật như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh Bất động sản vẫn là nỗi lo thường trực, chiếm đến 70% vướng mắc trong quá trình phát triển các dự án bất động sản, nhà ở.

Pháp lý là rào cản lớn nhất với bất động sản - Ảnh 1

Pháp lý là “vật cản” lớn nhất với bất động sản

Hồi đầu tháng 11 năm nay, HoREA cho biết đã có văn bản thông tin về cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Cuộc họp diễn ra có sự tham dự của đại diện cái doanh nghiệp bất động sản phía Nam, Chủ tịch HoREA ông Lê Hoàng Châu và lãnh đạo Chính phủ, các Bộ ngành liên quan.

Tại cuộc họp, ông Lê Hoàng Châu đã chỉ ra thực trạng vướng mắc pháp lý đang chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở từ quá trình chuẩn bị đầu tư, triển khai xây dựng và kinh doanh.

“Pháp lý là vướng mắc lớn nhất, nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất”, ông Châu nhấn mạnh.

Ông Châu cho biết thêm, trên địa bàn TP.HCM hiện nay có 143 dự án bất động sản đang “nằm im đắp chiếu” hoặc thực hiện dở dang vì vướng pháp lý rất cần có giải pháp tháo gỡ.

Trong đó, giải pháp có tính quyết định nhất để gỡ các “nút thắt” pháp lý cho các dự án bất động sản bị “mắc kẹt” nói riêng, thị trường bất động sản nói chung là “phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan”. 

“Đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất nhằm phát triển thị trường bất động sản một cách an toàn, lành mạnh và bền vững”, Chủ tịch HoREA cho biết.

Ông Lê Hoàng Châu cho biết, vướng mắc pháp lý chiếm đến 70% vướng mắc trong quá trình phát triển các dự án bất động sản, nhà ở
Ông Lê Hoàng Châu cho biết, vướng mắc pháp lý chiếm đến 70% vướng mắc trong quá trình phát triển các dự án bất động sản, nhà ở

Mặc dù vậy, để sửa đổi và đưa vào thực thi của các quy định pháp luật liên quan cần nhiều thời gian. Cho nên, ông Châu cho biết HoREA đã đề nghị Chính phủ khẩn trương xem xét ban hành “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng” và “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai” ngay trong tháng 11 này. Mục tiêu nhằm khẩn trương tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cụ thể của các dự án khu đô thị, dự án nhà ở. 

Cụ thể, đề tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội cho doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quỹ đất để tăng nguồn cung phân khúc này, HoREA đề nghị sửa đội Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Nghị định 49/2021/NĐ-CP.

Đối với vướng mắc về thẩm định sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch và cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị được quyền xây dựng, khai thác thương mại với các công trình y tế, giáo dục, công viên, khu vui chơi giải trí… trong dự án, HoREA đề nghị sửa đổi Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

Ngoài ra, HoREA cũng cho rằng, thủ tục hành chính rắc rối, phức tạp, thiếu đồng bộ là nguyên nhân khiến các dự án “dậm chân tại chỗ” trong nhiều năm gây phát sinh nhiều chi phí đầu tư, thậm chí mất cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp bất động sản.

Vì vậy, HoREA kiến nghị, song song với hoàn thiện và đồng bộ hệ thống pháp luật cũng cần sớm ban hành quy định chuẩn về thủ tục đầu tư dự án khu đô thị, nhà ở thương mại theo chỉ 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tục hành chính rắc rối cũng là vướng mắc cho các dự án bất động sản
Thủ tục hành chính rắc rối cũng là vướng mắc cho các dự án bất động sản

Nguồn vốn cũng là rào cản lớn

Theo đánh giá của HoREA, sau vướng mắc pháp lý thì thiếu hụt vốn là rào cản lớn thứ hai đối với thị trường bất động sản hiện tại.

Ông Lê Hoàng Châu chỉ ra, thời gian qua nhiều doanh nghiệp bất động sản tung ra nhiều mức chiết khấu “khủng” lên đến 40% - 50% khi khách hàng thanh toán ngày từ 95% giá trị sản phẩm. Nguyên nhân do doanh nghiệp đang rất “kẹt tiền” trong bối cảnh thanh khoản thị trường “lao dốc”. Mục tiêu hiện tại của các doanh nghiệp là “sống sót” chứ không phải kiếm lợi nhuận.

Chưa bao giờ thị trường bất động sản “đói vốn” như hiện tại. Vốn tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị siết chặt; trong khi vốn huy động từ khách hàng cũng “tắc” do niềm tin giảm sau những vụ việc tiêu cực. Không ít doanh nghiệp bất động sản bị đẩy vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Nhằm giải quyết vấn đề vốn cho lĩnh vực bất động sản, HoREA kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét nới room tín dụng thêm ít nhất 1% nữa, tương đương 100.000 tỷ đồng “bơm” ra hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm. 

Trong đó, 20% nguồn vốn tín dụng dành cho lĩnh vực bất động sản nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người mua và nhà đầu tư tiếp cận vốn tín dụng đối với dự án đầy đủ pháp lý, có tính khả thi, dự án xây dựng dở dang, đặc biệt dự án sắp hoàn thành của các doanh nghiệp có uy tín, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, ưu tiên dự án nhà ở giá rẻ.

Bên cạnh đó, HoREA cũng kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng cho nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, vừa nhằm tăng niềm tin và hồi phục sức cầu trên thị trường trái phiếu, vừa giảm tải áp lực cho các tổ chức tín dụng, vừa “cứu vốn” cho doanh nghiệp bất động sản.

Theo Chất lượng và Cuộc sống