Phát triển cụm công nghiệp địa phương: Ưu tiên ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao
Nghị định 68, Nghị định 66 sửa đổi sẽ coi trọng yếu tố lựa chọn để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, cùng với đó tận dụng ưu thế địa phương, sử dụng hiệu quả cao nhất tài nguyên đất, trong đó ưu tiên thu hút các ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao.
Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội). |
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (Nghị định 68); ngày 11/6/2020, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP đã góp phần thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp, giúp công tác quản lý bài bản và hiệu quả hơn. Từ đó, tạo động lực cho phát triển ngành công nghiệp nói chung và tiểu thủ công nghiệp nói riêng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, có 1 số nội dung phát sinh từ sự chồng chéo giữa các băn bản quy phạm pháp luật, thực tiễn và những tồn tại từ lịch sử, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung 2 nghị định trên.
Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp thu, ghi nhận tất cả những ý kiến nêu trên để áp dụng trong quá trình sửa đổi, xây dựng cơ chế chính sách mới cho công nghiệp.
Trong đó, về công tác quy hoạch, Nghị định sửa đổi sẽ cố gắng tích hợp đồng bộ và đơn giản hoá tối đa thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, nội dung liên quan đến thành lập cụm công nghiệp sẽ kế thừa tinh thần Nghị định 66, Nghị định 68 để đồng bộ quy trình thành lập và hỗ trợ tối đacho nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhà đầu tư thứ cấp.
Nghị định sửa đổi sẽ coi trọng yếu tố lựa chọn để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, cùng với đó tận dụng ưu thế địa phương, sử dụng hiệu quả cao nhất tài nguyên đất, trong đó ưu tiên thu hút các ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao. Đây là hướng mới trong nội dung dự thảo nghị định thay thế Nghị định 66 và Nghị định 68.
Liên quan đến phân cấp, phân quyền chỉ định 1 đầu mối quản lý chung, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết Bộ Công Thương tiếp thu theo hướng tập trung ban hành hành lang pháp lý chung còn lại tôn trọng quyền tự quyết của địa phương nhất là tính đặc thù.
"Về cơ bản, hành lang pháp ý liên quan đến phát triển cụm công nghiệp đã có nhưng đang rải rác ở một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Nghị định thay thế Nghị định 66 và Nghị đinh 68 sẽ cố gắng tích hợp toàn bộ nội dung phát triển cụm công nghiệp vào một văn bản, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà quản lý địa phương và trong thực thi của doanh nghiệp", Thứ trưởng nói.
Về chính sách hỗ trợ cụm công nghiệp, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (đơn vị chủ trì thực hiện công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp của Bộ Công Thương) cho biết đến nay, có 42 địa phương đã ban hành, thực hiện chính sách hỗ trợ cụm công nghiệp.
Trong đó có 13 địa phương ban hành Chương trình/Nghị quyết hỗ trợ riêng đối với cụm công nghiệp giai đoạn đến năm 2025 (gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hòa Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Phước, Đồng Tháp và Bến Tre).
Các địa phương còn lại chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển cụm công nghiệp được lồng ghép trong các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, khuyến công; các địa phương chưa ban hành chính sách phát triển cụm công nghiệp do hạn chế, khó khăn về nguồn thu ngân sách trên địa bàn.
Chính sách hỗ trợ cụm công nghiệp của các địa phương chủ yếu tập trung vào các nội dung, hạng mục hạ tầng thiết yếu của cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp như: Quy hoạch chi tiết xây dựng, đền bù giải phóng mặt bằng, giao thông, xử lý nước thải tập trung, cấp điện, cấp thoát nước, di dời vào cụm công nghiệp. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế nên việc thực hiện hỗ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Tại các địa phương trên cả nước đang tồn tại 3 mô hình chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp: doanh nghiệp làm chủ đầu tư; Đơn vị sự nghiệp công lập làm chủ đầu tư; UBND cấp huyện/cấp xã làm chủ đầu tư.
Trong đó, cả nước có 508 cụm công nghiệp đã thành lập do doanh nghiệp làm chủ đầu tư; 481 cụm công nghiệp đã thành lập do đơn vị sự nghiệp công lập làm chủ đầu tư và 30 cụm công nghiệp đã thành lập do UBND cấp huyện/cấp xã làm chủ đầu tư.