Quản lý đất đai: VN học gì từ kinh nghiệm Nhật Bản?
Thông tin đăng ký BĐS ở Việt nam chưa thực sự được công khai đầy đủ khiến làm cho những người có ý định thực hiện giao dịch gặp khó khăn.
Tham gia diễn đàn "Khuyến nghị một số nội dung trọng tâm cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Đất đai 2013" do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức mới đây, ông Kosuke Iimura, Tập đoàn Fujitsu, Nhật Bản chia sẻ một số kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc quản lý hành chính đất đai bằng hệ thống công nghệ thông tin.
Đây là tập đoàn đã được chính phủ Nhật Bản giao nhiệm vụ xây dựng phát triển hệ thống thông tin đăng ký, đặc biệt là hệ thống thông tin quản lý đất đai từ năm 1972.
Theo đại diện Tập đoàn Fujitsu, đối với bất kỳ quốc gia nào, quản lý hành chính đất đai là vấn đề quan trọng, cơ bản nhất và gồm 2 yếu tố chính là: yếu tố vật lý (quan hệ vị trí, kích thước, thuộc tính của thửa đất...) và yếu tố phi vật lý (quyền lợi của thửa đất).
Hiện nay, Việt Nam đã bắt đầu xây dựng hệ thống IT để quản lý hành chính về mặt nhà nước yếu tố vật lý. Tuy nhiên, theo đại diện Tập đoàn Fujitsu, vẫn còn nhiều điểm Việt Nam cần cải thiện, đặc biệt là quản lý yếu tố phi vật lý với quan điểm bảo đảm an toàn cho các hoạt động kinh tế, trong đó, xây dựng môi trường hành chính, thực hiện minh bạch hóa quyền lợi cần được coi là một nhiệm vụ trọng tâm.
Minh chứng cụ thể, ông Kosuke Iimura chỉ ra thực trạng thông tin đăng ký bất động sản ở Việt Nam vẫn chưa thực sự được công khai đầy đủ làm cho những người có ý định thực hiện giao dịch bất động sản hoặc thu hồi bất động sản gặp khó khăn khi kiểm tra nội dung quyền lợi liên quan đến bất động sản đó. Từ đó, phát sinh một số vấn đề, mà theo vị đại diện tập đoàn Fujjitsu, là nguyên nhân gây cản trở đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam và gây khó khăn cho việc quản lý hành chính đất đai một cách ổn định.
Thứ nhất, vấn đề làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thực tế đã phát sinh các vụ lừa đảo do sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để ký kết hợp đồng mua bán.
Thứ hai, vấn đề giao dịch đất đai bị phụ thuộc vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm phát sinh tình trạng ký kết hợp đồng mua bán không chính thống như trao tay giấy tờ gốc, bỏ qua thủ tục đăng ký cập nhật thông tin mới nhất.
Thứ ba, vấn đề chậm thu hồi đất do cần nhiều thời gian cho việc nhất trí với số tiền bồi thường của người dân.
Thứ tư, khó khăn cho các công ty vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn do có sự hạn chế trong giao dịch bảo đảm. Bởi khi thế chấp đất vay vốn từ ngân hàng, doanh nghiệp phải trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ngân hàng nên không thể vay vốn từ nhiều ngân hàng được. Theo đại diện Tập đoàn Fujitsu, đây là một rào cản mở rộng doanh nghiệp.
Thứ năm, khó khăn trong việc có đất thực hiện dự án khi các doanh nghiệp nước ngoài tiến vào Việt Nam. Thông tin người sở hữu đất không được cung cấp cho bên thứ ba nên các công ty nước ngoài vào Việt Nam gặp khó khăn trong việc tự xác định người sở hữu khi cần mua đất thực hiện dự án.
"Quản lý thật tốt việc đăng ký thông tin đất đai là chìa khóa hữu hiệu trong công tác quản lý đất đai. Cùng với việc quản lý hiện trạng, lịch sử quyền lợi (sổ đăng ký) và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cần phải xây dựng hệ thống IT và cơ chế cung cấp, chia sẻ các nội dung này giúp minh bạch hóa mối quan hệ quyền lợi", ông Kosuke Iimura nói và lưu ý, cùng với việc xây dựng hệ thống IT, Việt Nam cần xây dựng chế độ pháp luật, đào tạo nhân lực, xây dựng kế hoạch vốn...
Riêng về định giá đất, theo vị đại diện Tập đoàn Fujitsu, để định giá chính xác, phù hợp, cần có cơ chế để thu thập thông tin biến động của mảnh đất đó, về những người có quyền lợi... nhằm nắm bắt chính xác biến động người có quyền lợi và thông tin giao dịch để Nhà nước đưa ra các quyết định về giá đất.
Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện tốt công tác quản lý thông tin đăng ký đất đai, sử dụng thông tin mà chủ sở hữu đăng ký để chia sẻ cho người cần thiết, từ đó thu được tiền thuế đất cũng như lệ phí từ việc chia sẻ thông tin rất lớn.
Từ thực tế này, đại diện Tập đoàn Fujitsu đề nghị Việt Nam xây dựng hệ thống quản lý thông tin giao dịch đất đai trước để có nguồn thu từ phí sử dụng thông tin giao dịch, rồi tiến tới triển khai dự án quản lý đất đai trên toàn quốc
"Việt Nam đã và đang triển khai dự án liên quan đến hệ thống thông tin đất đai tại 33 tỉnh thành. Chúng tôi hy vọng trong khuôn khổ dự án này có thể ứng dụng và phát huy kinh nghiệm của Nhật Bản, qua đó giúp tăng thu nhập cho ngân sách quốc gia, giảm chi phí hành chính, kích hoạt và tạo thuận lợi cho các giao dịch bất động sản, nâng cao tính an toàn trong các giao dịch bất động sản, đẩy nhanh và tăng hiệu suất thu hồi đất công... Làm tốt việc này cũng giúp cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hẹp khoảng cách, xóa bỏ bất mãn của tầng lớp thu nhập thấp", đại diện tập đoàn Fujitsu nhấn mạnh.
Nói về mô hình của hệ thống, ông Kosuke Iimura cho biết, với yêu cầu hệ thống không gây đình trệ giao dịch kinh tế, đảm bảo tính an toàn, tính khả dụng và khả năng lưu trữ; đáp ứng song song phúc lợi xã hội và an toàn thông tin cá nhân, hệ thống sẽ hoạt động không ngừng, hình thành từ mạng lưới quyền lợi từng thửa đất và tiêu điểm là lấy quan hệ quyền lợi bổ sung vào hệ thống đăng ký.
Trước băn khoăn về tính bảo mật thông tin cá nhân khi sử dụng hệ thống IT quản lý hành chính đất đai nói trên, ông Kosuke Iimura nhấn mạnh: "Chúng ta quản lý thông tin đất đai chứ không quản lý thông tin người sử dụng đất, tức là chỉ làm rõ ràng những thông về thửa đất, qua đó đảm bảo an toàn cho giao dịch mà không cho phép tìm kiếm thông tin về cá nhân người chủ sở hữu thửa đất đó".
Nhắc lại kinh nghiệm của Nhật Bản, đại diện Tập đoàn Fujitsu cho hay, khi Nhật Bản tiến hành hệ thống hóa nghiệp vụ đăng ký bất động sản, năm 1988 Quốc hội đã họp và bàn về việc có cho phép quản lý quyền lợi bất động sản theo đơn vị người hay không. Kết quả, không ai đồng ý với chức năng tìm kiếm quyền lợi bất động sản theo đơn vị người.
"Cho tới nay, quan điểm này của Nhật Bản vẫn không thay đổi, nên hệ thống quản lý thông tin đăng ký của Nhật Bản không có chức năng tìm kiếm quyền lợi bất động sản theo đơn vị người", ông Iimura cho biết.
Theo Thành Luân/ Báo Đất Việt
Link nguồn: https://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/quan-ly-dat-dai-vn-hoc-gi-tu-kinh-nghiem-nhat-ban-3415163/