Quảng Bình: tiến độ thực hiện GPMB làm dự án cao tốc Bắc – Nam đang được triển khai như thế nào?

Công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là dự án trọng điểm quốc gia, có tầm quan trọng rất lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Bình cũng như đất nước trong thời kỳ mới. Những tháng qua, các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đã quyết liệt trong triển khai thực hiện các nội dung của dự án, quyết tâm bảo đảm tiến độ.

Tỉnh Quảng Bình đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc Ban chỉ đạo triển khai dự án và Ban chỉ đạo, tổ giúp việc Ban chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố có dự án đi qua làm chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng (GPMB).

Sau khi nhận bàn giao hồ sơ cắm mốc, đến ngày 16/5/2022, các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện trích đo hoàn thành hiện trường 46,29km, đạt 42,29% và hiện đang tiếp tục thực hiện trích đo các đoạn còn lại, chủ động triển khai hoàn thành công tác này sau khi được các BQL dự án của Bộ GTVT bàn giao hoàn thành 100% hồ sơ cắm mốc.

Cụ thể, đến nay 3 dự án thành phần đã bàn giao mốc GPMB với chiều dài 109,45 km/125,86  km (đạt 86,97%).Trong đó, có 3 địa phương đã được bàn giao 100% hồ sơ cắm mốc GPMB là TX. Ba Đồn 8,9km/8,9km; Bố Trạch 30,15km/30,15km; Lệ Thủy 31,35km/31,35km. UBND các huyện, thành phố, thị xã tại tỉnh Quảng Bình đã tổ chức tuyên truyền, vận động được 46/114 hộ gia đình có công trình xây dựng cơi nới tự nguyện tháo dỡ; hiện còn 68 hộ gia đình có công trình xây dựng, cơi nới trên tuyến thuộc Dự án cao tốc Bắc – Nam đi qua tỉnh này.

GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam
GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam

Là địa phương có tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam đi qua dài nhất trong tỉnh, huyện Lệ Thủy đã chủ động tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, nhân dân; đồng thời phối hợp với BQL dự án và đơn vị tư vấn thực hiện tốt công tác xác định tim, tuyến, bảo vệ hiện trường để tránh trường hợp xây dựng, cơi nơi công trình làm ảnh hưởng đến dự án.

Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Đặng Đại Tình cho biết: Đến nay, huyện Lệ Thủy đã được BQL dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) bàn giao 31,35km/31,35km (đạt 100%). Địa phương đã trích đo được 10,0km/31,35km (đạt 31,9%).

Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan cho biết: "Do phía BQL dự án 6 (Bộ GTVT) bàn giao chậm nên TP. Đồng Hới hiện mới nhận được 8,0km/9,24km (đạt 86,64%) hồ sơ cắm mốc GPMB. Tuy nhiên, chúng tôi đã cam kết với Chủ tịch UBND tỉnh là sẽ hoàn thành công tác kiểm đếm, trích đo hiện trường sau 15 ngày kể từ khi nhận bàn giao 100% hồ sơ cắm mốc GPMT, không để chậm tiến độ."

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương cũng đang gấp rút lựa chọn vị trí đất cho các khu tái định cư. Hiện UBND các huyện, thành phố, thị xã đang triển khai xác định vị trí đất để bố trí khu tái định cư phục vụ GPMB của dự án và đã có văn bản trình UBND tỉnh để xin ý kiến.

Để thực hiện dự án trọng điểm này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị quyết liệt vào cuộc, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, đơn vị tư vấn trong quá trình triển khai các thủ tục liên quan.Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án; đồng thời thành lập ban chỉ đạo (BCĐ) cấp tỉnh, BCĐ ở các địa phương có dự án đi qua để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong triển khai và xác định rõ trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi địa phương, đơn vị liên quan trong bảo đảm tiến độ dự án.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm nữa mà UBND các địa phương quyết liệt triển khai, đó là tiến hành kiểm kê đất đai, tài sản, hoa màu trên đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ; triển khai xác định vị trí đất để bố trí tái định cư phục vụ GPMB của dự án; đồng thời triển khai xác định các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng. Đặc biệt, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức tuyên truyền, vận động 46/114 hộ gia đình có công trình xây dựng cơi nới tự nguyện tháo dỡ. Trong thời gian qua, không phát sinh thêm các hộ xây dựng cơi nới.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Bình cho hay, đối với công tác di dời và hoàn trả hạ tầng, các địa phương đang cập nhật các công trình hạ tầng như đường dây điện, viễn thông, cấp nước…bị ảnh hưởng để có phương án di dời và hoàn trả sau khi mốc mặt bằng dự án bàn giao hoàn thành.

Đối với các công trình xây dựng, cơi nới trong phạm vi dự án, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã tổ chức tuyên truyền, vận động được 46/114 hộ gia đình có công trình xây dựng cơi nới tự nguyện tháo dỡ; hiện còn 68 hộ gia đình có công trình xây dựng, cơi nới trên tuyến, trong đó: Huyện Quảng Trạch còn 50 hộ, huyện Quảng Ninh còn 9 hộ và huyện Lệ Thủy còn 9 hộ.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tổ chức các cuộc họp với các Sở ngành và địa phương có liên quan để triển khai thực hiện mô hình “Dân vận khéo” của dự án nhằm chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện GPMB. Đến nay, việc xây dựng cơi nới không phát sinh thêm, các Sở ban ngành và địa phương đang phối hợp vận động di dời các công trình cơi nới để phục vụ công tác GPMB.

Được biết, trong thời gian tới để đạt được mục tiêu được Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 của Chính phủ đề ra: Bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong Quý II/2023. Đồng thời, đẩy nhanh công tác trích đo tại hiện trường, sớm hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt để thực hiện các bước tiếp theo.

Ngoài ra, các địa phương căn cứ Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án xây dựng đoạn đường bộ cao tốc Vũng Áng – Bùng và đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 463/TTg-CN và 464/TTg-CN nhận được 100% mốc bàn giao, lập phương án và dự trù kinh phí để đảm bảo việc thực hiện.

Quảng Bình: tiến độ thực hiện GPMB làm dự án cao tốc Bắc – Nam đang được triển khai như thế nào? - Ảnh 1Quảng Bình đẩy nhanh bàn giao mặt bằng cao tốc Bắc - Nam

Ông Phạm Văn Năm, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Đối với các dự án giao thông, công tác GPMB là hết sức vất vả, nhất là dự án có quy mô lớn, trọng điểm quốc gia như dự án này. Theo báo cáo của các địa phương, tiến độ bàn giao mốc GPMB của BQL dự án 6 không đúng với cam kết theo thời gian đã ấn định là ngày 20/5/2022, làm ảnh hưởng đến công tác kiểm đếm, trích đo hiện trường.

"Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu BQL dự án 6 phải hoàn thành bàn giao hồ sơ cắm mốc GPMB cho các địa phương chậm nhất vào ngày 31/5. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh công tác trích đo tại hiện trường, sớm hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt để thực hiện các bước tiếp theo. Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng kế hoạch thực hiện công tác GPMB cụ thể cho từng tuần; phối hợp với Sở GTVT xây dựng kế hoạch chung toàn tỉnh (hoàn thành trước 1/6/2022). Mặt khác, xác định cụ thể các vị trí tái định cư và tiến hành công tác lập quy hoạch, lập dự án đầu tư, thiết kế xây dựng…", ông Phạm Văn Năm cho biết.

Ngoài những nội dung nói trên, để bảo đảm đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, tại cuộc họp của BCĐ tỉnh mới đây, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng yêu cầu các BQL dự án của Bộ GTVT phải bố trí cán bộ thường trực tại cơ sở để phối hợp với các sở, ngành, địa phương kịp thời giải quyết các vướng mắc có liên quan đến công tác GPMB. Bên cạnh đó, BQL dự án 6 và BQL dự án đường Hồ Chí Minh chủ trì làm việc với đơn vị tư vấn đối với vị trí tuyến cao tốc liên quan đến đường dây điện 500kV; hướng dẫn các địa phương áp dụng khung chính sách cũng như kinh phí GPMB; kịp thời tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của địa phương có liên quan đến dự án để báo cáo với Bộ GTVT và BCĐ Quốc gia xem xét giải quyết.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống