Quảng Nam: Trúng đấu giá đất với giá cao chót vót rồi “bỏ cọc”
Tại thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), nhà đầu tư đã đấu giá cao gấp 2 - 3 lần so với giá khởi điểm rồi bỏ cọc khiến chính quyền địa phương phải hủy kết quả trúng đấu giá. Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư, phòng chống rửa tiền trong hoạt động kinh doanh bất động sản.
UBND thị xã Điện Bàn ban hành loạt quyết định hủy bỏ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với thửa đất 1564, 1565, 1566, tờ bản đồ số 12, tại khối phố Ngọc Tam, phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất cả 3 thửa đất nêu trên là một cá nhân tên T, có hộ khẩu thường trú tại phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Cụ thể, thửa đất 1564, diện tích 167,9 m2, ông T trúng đấu giá với số tiền 4,859 tỷ đồng; thửa đất 1565, diện tích 170,5 m2, trúng đấu giá 4,985 tỷ đồng; thửa đất 1566, diện tích 172,9 m2 trúng đấu giá với số tiền 4,599 tỷ đồng.
Lý do của việc hủy kết quả trúng đấu giá nêu trên là vì người trúng đấu giá chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định.
Theo Thông báo số 228/TB-PTQĐ ngày 20/9/2021 của Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn, 4 lô đất đấu giá tại khu vực nêu trên có tổng diện tích 687m2, với giá khởi điểm khoảng 10,3 tỉ đồng, tương đương 15 triệu đồng/m2. Sau đó, các lô đất này được tổ chức đấu giá và một cá nhân tên T đã trúng đấu giá với số tiền từ 26-29 triệu đồng/m2, cao gần gấp đôi so với giá khởi điểm.
Trước đó, vào tháng 11/2021, Công ty Đấu giá Hợp danh Miền Trung phối hợp Trung tâm Phát triển Quỹ đất thị xã Điện Bàn - đại diện làm chủ đầu tư đã thông báo việc đấu giá tài sản là 4 lô đất, trong đó có ba lô đất (1564, 1565, 1566) vừa nêu với giá gần 2,6 tỷ đồng/lô. Để tham gia đấu giá, các nhà đầu tư phải đặt cọc ba thửa đất lần lượt là 503 triệu đồng, 511 triệu đồng và 518 triệu đồng.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên có trường hợp trúng đấu giá cao rồi bỏ cọc xảy ra tại khu vực thị xã Điện Bàn. Bởi hồi tháng 11/2021, UBND thị xã này cũng từng ra 11 quyết định về việc hủy kết quả trúng đấu giá của một nhà đầu tư ở Đà Nẵng đối với 11 lô đất có diện tích từ 118 -134m2, có giá khởi điểm là 5,3 tỷ đồng, tiền đặt cọc là 975 triệu đồng tại khu Lô Tháp tại thôn Lạc Thành Nam, xã Điện Hồng.
Tại phiên đấu giá, nhà đầu tư trúng đấu giá ở mức 13 tỷ đồng, trong đó có nhiều lô đất trúng đấu giá cao gấp đôi so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, sau khi nộp tiền đặt cọc, nhà đầu tư trên lại chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định.
Chị Thủy, một môi giới BĐS cho biết, khoảng 5-6 năm trước, đất nền thị xã Điện Bàn dọc theo sông Cổ Cò rất "sốt", thu hút hàng trăm nhà đầu tư rót tiền, trong đó chủ yếu nhà đầu tư Hà Nội, TP HCM. Thời điểm đó, hàng chục dự án ở đây tung ra thị trường giá khoảng 300 triệu đồng/lô đến 1 tỷ đồng/lô đất diện tích 100-300 m2. Nhiều nhà đầu tư đã xuống tiền mua 1-2 lô, có nhà đầu tư mạnh tay xuống một lúc 5-7 lô đất rồi ký gửi lại cho môi giới tìm người mới bán ngay lập tức.
"Khi đó đất nền ở Điện Bàn sốt khủng khiếp, chủ yếu nhà đầu tư miền Bắc và miền Nam mua đi bán lại. Chỉ từ vài trăm triệu đồng, đất đẩy lên 2,5 - 3 tỷ đồng/lô. Khi đó, nhiều lô đất còn chưa giải phóng mặt bằng xong, còn hoa màu người dân trên đất, chưa có sổ,...", chị Thủy kể.
Anh Hoài, một nhà đầu tư BĐS kể, nhiều người ngoại tỉnh thu lợi tiền tỷ từ các đợt sốt đất 5-6 trước ở các dự án ven sông Cổ Cò, thị xã Điện Bàn. Tuy nhiên, cũng có nhiều người mắc kẹt lại khi cơn sốt đất đi xuống, bán lỗ vẫn không thể "thoát hàng", ôm nợ ngân hàng, người thân, bạn bè.
"Nhắc đến đất nền ven sông Cổ Cò bây giờ nhiều người thấy may mắn khi đã bán kịp. Khổ nhất vẫn là những người có nhu cầu mua đất để ở thật, đóng tiền từ nhiều năm trước bây giờ vẫn còn chưa có sổ, phải kiện tụng, đi đòi đất từ chủ đầu tư", nhà đầu tư này kể.
Các lô đất, nhà ở được rao bán khoảng ba năm trở lại đây chủ yếu là từ dự án cũ, các đơn vị phân phối đặt tên thương mại mới rồi lại bán ra thị trường. Bên cạnh đó, các cá nhân, công ty BĐS đi đấu giá đất mới rồi bán ra lại thị trường.
Theo môi giới BĐS, việc bỏ giá cao so với giá khởi điểm trong các cuộc đấu giá đất chính là chiêu đẩy giá người nhằm tạo sóng "sốt "đất. Có thể trước đó họ đi gom các khu đất gần nơi đấu giá, sau đó đẩy giá bán các lô đất ở đó lên cao ngất ngưỡng rồi chuyển nhượng kiếm lời. Số tiền cọc đã bỏ trong các cuộc đấu giá chỉ là một phần rất nhỏ đã hưởng lợi.
Một lý do khác có thể người trúng đấu giá bỏ cọc là do tại thời điểm trúng đấu giá, giá đất đang cao. Đến khi nộp tiền thì giá đất đã hạ nhiệt, nộp tiền vào thì người trúng đấu giá sẽ bị lỗ.