Quốc tế Sơn Hà (SHI): Lợi nhuận giảm đến 38%, chi phí lãi vay tăng vọt
9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế tại CTCP Quốc tế Sơn Hà (mã: SHI) giảm tới 43% đạt 66,7 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư âm khiến doanh nghiệp phải tăng cường vay nợ. Chi phí lãi vay trong 9 tháng qua tăng 47% lên hơn 159 tỷ đồng.
Công ty Quốc tế Sơn Hà (SHI) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 với kết quả kinh doanh ảm đạm.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2022, dù doanh thu thuần tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 5.647 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế giảm tới 43%, chỉ đạt 66,7 tỷ đồng và lãi sau thuế giảm đến 38% chỉ còn hơn 53,5 tỷ đồng do chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao.
Riêng quý 3/2022, lợi nhuận sau thuế tại Sơn Hà giảm mạnh 76% xuống còn vỏn vẹn gần 1,2 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lỗ hơn 7,7 tỷ đồng (cùng kỳ 2021 lãi hơn 1 tỷ đồng).
So với mục tiêu doanh thu năm 2022 đạt 8.600 tỷ đồng và tổng lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt khoảng 160 tỷ đồng. Sau 9 tháng, Quốc tế Sơn Hà mới chỉ đạt gần 34% chỉ tiêu lợi nhuận và 66% chỉ tiêu doanh thu.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Quốc tế Sơn Hà âm hơn 1.289 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2021 chỉ âm gần 337 tỷ đồng.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm luôn là chỉ báo xấu đối với sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Đồng thời, dòng tiền thuần hoạt động đầu tư trong kỳ cũng âm hơn 361 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 chỉ âm hơn 154 tỷ đồng. Tổng cộng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư 9 tháng đầu năm 2022 âm hơn 1.651 tỷ đồng. Duy nhất dòng tiền từ hoạt động tài chính dương 1.600 tỷ đồng nhưng không đủ bù đắp cho dòng tiền từ hoạt động kinh doanh nên lưu chuyển tiền thuần trong 9 tháng đầu năm 2022 ghi nhận âm gần 51 tỷ đồng.
Cả dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư đều bị âm mạnh trong kỳ dẫn tới doanh nghiệp phải tăng cường vay nợ. 9 tháng đầu năm 2022, tiền thu từ đi vay của Quốc tế Sơn Hà ghi nhận hơn 5.706 tỷ đồng và tiền trả nợ gốc vay là 4.570 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2022, tổng tài sản của Quốc tế Sơn Hà tăng 11% so với đầu năm, ghi nhận gần 6.578 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu tăng 39%, ghi nhận hơn 1.898 tỷ đồng và nợ phải trả ghi nhận hơn 4.679 tỷ đồng. Như vậy, tỷ số nợ phải trả/tổng tài sản của Quốc tế Sơn Hà ở mức 71% (có nghĩa 71% tài sản của doanh nghiệp được tài trợ bởi nợ), lớn gấp 2,4 lần vốn chủ sở hữu.
Do tăng cường hoạt động vay nợ, tính đến 30/9/2022 nợ vay tại Sơn Hà tăng tới 40% so với đầu năm, ghi nhận hơn 3.881 tỷ đồng, chiếm tới 83% nợ phải trả (bao gồm hơn 3.551 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 330 tỷ đồng nợ vay dài hạn).
Bên cạnh việc huy động vốn qua tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp cũng huy động vốn qua kênh trái phiếu. Tháng 7/2021, Quốc tế Sơn Hà đã phát hành thành công 280 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn tại ngày 28/7/2024 cho một công ty bảo hiểm.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được đảm bảo bằng 38,5 triệu cổ phiếu SHI (tương ứng 38,3% số cổ phiếu SHI đang lưu hành) và toàn bộ quyền phát sinh từ cổ phiếu như cổ tức bằng cổ phiếu, cổ phiếu thưởng, cổ phiếu do chia tách, ngoại trừ quyền mua cổ phần phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu.
Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo còn bao gồm thêm 12 triệu cổ phần của công ty con SHI là Tập đoàn Toàn Mỹ cùng toàn bộ quyền phát sinh từ cổ phần này cũng được đưa vào tài sản đảm bảo.
Số tiền Sơn Hà huy động lần này là nhằm tăng quy mô vốn hoạt động và đầu tư dự án. Lãi suất trái phiếu được áp dụng cố định 11%/năm cho hai kỳ tính lãi đầu tiên. Lãi suất các kỳ tiếp theo bằng tổng lãi tham chiếu cộng biên độ 4,5%/năm, hoặc bằng 11% nếu lãi tham chiếu nhỏ hơn 6,5%/năm. Kỳ tính lãi 6 tháng một lần.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, tại thời điểm 30/9/2022, doanh nghiệp chỉ có 123 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền, giảm 29% so với đầu năm. Ngoài ra, còn hơn 299 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Hai khoản này cộng vào đạt hơn 422 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này chỉ có thể giải quyết được phần nhỏ các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn mà SHI đang \'sở hữu\'.
Vay nợ tăng dẫn tới chi phí lãi vay của doanh nghiệp trong 9 tháng qua tăng mạnh 47% so với cùng kỳ 2021, lên mức 159 tỷ đồng. Ngoài chi phí lãi vay, các chi phí khác liên quan đến hoạt động tài chính cũng tăng dẫn tới chi phí tài chính trong kỳ tăng mạnh 55%, lên hơn 212 tỷ đồng.