Sau McDonald's, hãng đồ ăn nhanh Burger King trả 'mặt bằng vàng' tại TP.HCM

Burger King Phạm Ngũ Lão nằm ngay gần phố đi bộ Bùi Viện, vừa tuyên bố dừng hoạt động. Như vậy, sau quyết định này, Burger King sẽ chỉ còn 10 cửa hàng tại Việt Nam.

Mới đây, Burger King Việt Nam đã thông báo trên Fanpage: “Một hành trình rực rỡ với vô vàn kỷ niệm đáng nhớ sẽ chính thức khép lại tại Burger King Phạm Ngũ Lão từ ngày 7/10/2024”.

Theo đó, thương hiệu đồ ăn nhanh đến từ Mỹ này sẽ tạm thời đóng cửa chi nhánh ở Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP. HCM. Đây là một trong những mặt bằng đắc địa khi chỉ cách phố Bùi Viện khoảng 600m và cách chợ Bến Thành khoảng 1km.

Với quyết định dừng hoạt động tại cơ sở Phạm Ngũ Lão, Burger King sẽ chỉ còn 10 cửa hàng tại Việt Nam, bao gồm 5 cửa hàng tại Hà Nội và 5 cửa hàng tại TP. HCM, theo thông tin trên website của thương hiệu.

Cửa hàng Burger King Phạm Ngũ Lão tại quận 1, TP. HCM.  
Cửa hàng Burger King Phạm Ngũ Lão tại quận 1, TP. HCM.  

Theo giới thiệu, Burger King được thành lập vào năm 1954 tại Mỹ, là chuỗi nhà hàng hamburger, một trong những chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh lớn nhất thế giới. Mỗi ngày, có hơn 11 triệu thực khách đến với các nhà hàng Burger King trên khắp thế giới để thưởng thức các món ăn.

Năm 2012, Burger King công bố đối tác kinh doanh nhượng quyền chính thức tại Việt Nam là Công ty TNHH DV Thực phẩm và Giải khát Việt Nam (VFBS), thuộc Tập đoàn Imexpan Pacific.

Ông Louis Nguyễn - con trai của 'vua hàng hiệu' Johnathan Hạnh Nguyễn, đồng thời là chồng nữ diễn viên Tăng Thanh Hà đang giữ chức Tổng giám đốc Burger King Việt Nam. Ngoài ra, Louis Nguyễn trực tiếp quản lý điều hành IPPG F&B VFS.

Không chỉ đưa các thương hiệu F&B của nước ngoài về Việt Nam như Burger King, Domino’s Pizza, Gà rán Popeyes,... VFS F&B còn xây dựng thêm các cửa hàng thương hiệu độc quyền như: Big Bowl, Saigon Café.Bar.Kitchen, HaNoi Café.Bar.Kitchen…

Theo dữ liệu từ Vietdata, doanh thu của VFBS dao động nhẹ quanh mức 650 tỷ đồng trong 2 năm 2020 và 2021. Đến 2023, chỉ số này tăng mạnh lên gần 920 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn trong tình trạng thua lỗ. Dù vậy, khoản lỗ đã thu hẹp từ mức 102 tỷ đồng năm 2021 về còn lỗ 19 tỷ đồng năm 2022.

Trước đó, nhiều thương hiệu lớn khác của Mỹ cũng đã phải trả những mặt bằng đắc địa tại TP. HCM sau thời gian dài gắn bó.

Đầu tiên phải kể đến Starbucks. Thương hiệu này 'rút' khỏi mặt bằng 'vàng' trên phố Hàn Thuyên, quận 1. Starbucks Reserve Hàn Thuyên là cửa hàng duy nhất tại TP. HCM triển khai theo mô hình Reserve của hãng, mang đến trải nghiệm cà phê cao cấp. Lý do được thương hiệu này đưa ra là vì không đàm phán được vấn đề giá cả mặt bằng. Với mức giá quá cao, lên tới 757 triệu đồng/ tháng, tương đương gần 9 tỷ đồng/ năm cho diện tích 212,5m2.

Nối gót Starburks, McDonald's cũng tuyên bố đóng cửa cơ sở tại Bến Thành, cách Burger King Phạm Ngũ Lão chỉ 700m. Cửa hàng này khai trương vào tháng 5/2014, chỉ ba tháng sau khi McDonald's gia nhập thị trường Việt Nam. Dù từng đặt mục tiêu mở 100 cửa hàng trong vòng 10 năm, nhưng sau một thập kỷ, McDonald's mới thực hiện được hơn 1/3 kế hoạch.

Tiểu An

Theo VietnamFinance