‘So găng’ hai ông lớn ngành xây dựng: Hòa Bình lãi ròng 13 tỷ, Coteccons tiếp tục kinh doanh ảm đạm
Kết thúc quý I/2022, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận 2.983 tỷ doanh thu thuần (tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái) và lãi ròng hơn 13 tỷ đồng. Trong khi đó, Coteccons đạt 1.913 tỷ đồng doanh thu thuần (giảm 26% so với cùng kỳ), đồng thời doanh nghiệp báo lãi ròng 29 tỷ đồng.
Hòa Bình hoàn thành vỏn vẹn 3% chỉ tiêu lợi nhuận sau quý I/2022
CTCP Xây dựng Hoà Bình (Mã chứng khoán: HBC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 với 2.983 tỷ doanh thu thuần – tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận gộp đi ngang với hơn 197 tỷ đồng.
Với việc chi phí doanh nghiệp tăng mạnh, HBC chỉ còn lãi ròng hơn 13 tỷ đồng trong quý đầu năm – khá thấp so với kế hoạch đầy tham vọng đề ra.
Nợ phải trả của doanh nghiệp cũng không có nhiều biến động khi con số này là 13.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm cuối năm 2021 (12.520 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu tính đến thời điểm 31/3/2022 là 4.085 tỷ đồng.
Tổng tài sản HBC tính đến cuối quý I/2022 ở mức 17.085 tỷ đồng. Trong đó, khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là phải thu ngắn hạn với 11.862 tỷ đồng, bao gồm phải thu từ khách hàng là 5.035 tỷ đồng, phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng là 4.854 tỷ đồng (tăng nhẹ so với đầu năm)… Công ty đã trích lập tổng cộng gần 375 tỷ đồng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi. Tổng nợ ghi nhận 5.975 tỷ đồng, chiếm 35% tổng nguồn vốn.
Các khoản vay ngắn hạn tại ngân hàng của HBC tính đến cuối quý I là 4.895 tỷ đồng. Trong đó, khoản vay nhiều nhất đến từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với 2.074 tỷ đồng, sau đó là Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) với 1.314 tỷ đồng.
Đối với các dự án bất động sản, HBC tiếp tục chủ trương thoái vốn, Trong đó, HBC đã tiến gần đến việc hoàn tất thoái vốn tại dự án Ascent Garden Home cho đối tác mới là Gotec Land.
Về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cho đến nay Hòa Bình đã có hai lần phát hành trái phiếu để huy động vốn. Cụ thể, vào ngày 14/1/2022 Hòa Bình đã công bố chào bán 500 trái phiếu với kỳ hạn 5 năm, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, giá trị phát hành là 500 tỷ đồng.
Ngày phát hành của lô trái phiếu này là ngày 30/12/2021, ngày hoàn tất là ngày 4/1/2022. Toàn bộ số tiền thu về từ đợt phát hành này sẽ được dùng để tăng quy mô vốn hoạt động.
Lô trái trái phiếu thứ 2 được công ty phát hành thành công vào ngày 27/1/2022, đây là loại trái phiếu riêng lẻ, không chuyển đổi, có bảo lãnh thanh toán và không kèm chứng quyền, khối lượng 500 trái phiếu với thời hạn 3 năm, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu .
Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được dùng để tăng quy mô vốn các hoạt động kinh doanh của công ty, bao gồm xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng; sửa chữa, lắp đặt máy móc thiết bị; kinh doanh bất động sản.
Tại ĐHĐCĐ của HBC diễn ra mới đây, Tổng Giám đốc Lê Viết Hiếu cho biết do vướng nghỉ Tết nên phần chi phí phải trả lớn trong khi không có sản lượng và quý I thường là quý có kết quả thấp so với các quý khác trong năm.
Được biết, trong năm nay, HBC đặt kế hoạch 17.500 đồng tổng doanh thu, 350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng lần lượt 54% và 261% so với năm 2021. Như vậy, kết thúc quý I/2022, HBC mới chỉ thực hiện được vỏn vẹn 3% chỉ tiêu lợi nhuận.
Nói về việc có liệu kế hoạch kinh doanh có quá cao so với mặt bằng chung không, đại diện công ty cho biết đây chính là thử thách cho doanh nghiệp.
Coteccons báo lãi quý I giảm mạnh, vay nợ tài chính phình to
Kết thúc quý I/2022, CTCP Xây dựng Coteccons (CTD), Công ty ghi nhận doanh thu giảm 26% xuống 2.918 tỷ đồng. Giá vốn cũng giảm tương đương so với doanh thu nên lãi gộp còn 66,6 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm về còn 3,5%.
Doanh thu tài chính ghi nhận mức gần 76 tỷ đồng từ 68 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng mạnh gấp 12 lần lên 11.870 tỷ đồng, trong đó chủ yếu gần 11.000 tỷ đồng là chi phí lãi vay.
Chi phí quản lý ghi nhận giảm gần 27% về còn 88 tỷ đồng. Song, CTD có lỗ liên kết 5.224 tỷ đồng, lỗ sâu hơn so cùng kỳ, bên cạnh đó lợi nhuận khác lại giảm về còn 2.332 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 68%.
Kết quả, Coteccons ghi nhận hơn 29 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 46% so quý 1/2021.
Điều đáng nói, trong năm 2022 Coteccons đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 15.010 tỷ đồng, tăng 65% so với năm trước. Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ vỏn vẹn 20 tỷ đồng, thấp hơn cả mức lãi đã chạm đáy lịch sử năm trước là 24 tỷ đồng.
Như vậy, với kết quả trong quý I, CTD đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.
Trong kỳ, dòng tiền kinh doanh của Coteccons ghi nhận âm 325,2 tỷ đồng (cùng kỳ âm 184,5 tỷ đồng). Ngoài ra, dòng tiền đầu tư cũng âm 662,5 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 631,6 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.
Tính tới 31/3/2022, tổng tài sản của CTD là 15.308 tỷ đồng (tăng 1,7% so với đầu năm). Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 8.438,2 tỷ đồng, chiếm 55,1% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 3.625,8 tỷ đồng, chiếm 23,7% tổng tài sản; tồn kho đạt 1.640 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng tài sản và các tài sản khác.
Ngoài ra, trong kỳ, CTD có dấu hiệu bắt đầu sử dụng nợ vay. Cụ thể, công ty tăng nợ vay ngắn hạn và dài hạn từ 1,7 tỷ đồng lên 633,9 tỷ đồng, tương ứng tăng thêm 632,2 tỷ đồng và chiếm 4,1% tổng nguồn vốn.
Trong đó, các khoản vay ngắn hạn từ ngân hàng ở mức 133 tỷ đồng đến từ Ngân hàng HSBC Việt Nam (với 100,2 tỷ đồng) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với 32,8 tỷ đồng. Các khoản vay này đều không có tài sản đảm bảo.
Đáng chú ý, Coteccons có lần đầu tiên vay từ việc phát hành trái phiếu. Cụ thể, khoản vay này ghi nhận hơn 494 tỷ đồng với đơn vị tư vấn phát hành là Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI. Lãi suất của lô trái phiếu là 9,5%/năm nhằm bổ sung vốn kinh doanh và tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, lô trái phiếu này cũng không có tài sản đảm bảo.
Tại ĐHĐCĐ diễn ra mới đây, ông Bolat Duisenov – Chủ tịch HĐQT Coteccons cho biết, công ty đặt mục tiêu tới năm 2025, doanh thu sẽ đạt 3 tỷ USD, vốn hóa thị trường đạt 1 tỷ USD.