Sóc Trăng: 'Nghe hơi' quy hoạch đã hét giá đất "trên trời"

Mặc dù chỉ mới nghe tin cầu Đại Ngãi sắp được khởi công xây dựng và dự án cảng nước sâu Trần Đề còn trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi nhưng giá đất ở địa phương này đã bị "thổi giá" tăng vọt bất ngờ.

Thời gian gần đây, ở Sóc Trăng xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư, doanh nghiệp, người môi giới bất động sản lợi dụng các thông tin về quy hoạch, việc triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông để đưa ra những thông tin không đúng sự thật nhằm lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch bất động sản, gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để trục lợi.

Tình trạng này không chỉ làm cho nhiều người mua nhầm tài sản không đúng với mục đích cũng như bị “hố” giá, còn gây nhiễu loạn thông tin đẩy giá bất động sản lên cao để trục lợi bất chính.

Cụ thể, bất động sản tại các khu vực gần dự án cảng nước sâu Trần Đề và dự án cầu Đại Ngãi mặc dù chưa xác định thời gian khởi công xây dựng cầu, dự án còn trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi thì đã xuất hiện tình trạng "cầm đèn chạy trước ô tô", hét giá "trên trời".

Nguyên nhân được cho là do nghe nói cầu Đại Ngãi bắt qua sông Hậu trên Quốc lộ 60 sẽ có đường kết nối xuống khu vực cù lao này và khi đó chấm dứt cảnh 'qua sông lụy phà' nên người dân ùn ùn đến đây mua đất để mở khu du lịch. Nếu như trước đây một công đất vườn chỉ vài chục triệu thì nay tăng lên đến vài trăm triệu tùy vào vị trí.

Đất nền gần khu vực cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng dù chưa xong hạ tầng nhưng được chào bán trên 1 tỷ đồng/nền 100m2.
Đất nền gần khu vực cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng dù chưa xong hạ tầng nhưng được chào bán trên 1 tỷ đồng/nền 100m2.

Tình trạng này khiến chính quyền địa phương phải vào cuộc. Trả lời trên báo chí gần đây, ông Phạm Trung Kiên, Phó chủ tịch UBND xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung xác nhận, thời gian gần đây hồ sơ giao dịch bất động sản tại địa phương tăng đột biến. Điều bất thường là người xin chuyển nhượng đất đa số ở nơi xa như Cần Thơ, TP. HCM, Hà Nội đến mua đất. Bất động sản được giao dịch nhiều là đất nông nghiệp như đất cây lâu năm, đất nuôi thủy sản.

Được biết, người đến mua đất tại huyện Cù Lao Dung thường mua đất nông nghiệp với diện tích lớn. Mục đích là để đầu cơ vì dự đoán sau khi cầu Đại Ngãi được xây dựng, giao thông kết nối thuận tiện thì giá đất ở đây sẽ tăng đột biến.

Trước đó, giới đầu cơ bất động sản liên tục đổ về tuyến đường tỉnh 934B ở Sóc Trăng để mua đất. Giá đất ruộng dọc theo tuyến đường này cũng tăng dần từ khi cầu Mạc Đĩnh Chi vượt sông Maspéro nối liền TP Sóc Trăng với huyện Trần Đề.

Vấn đề này lãnh đạo huyện Trần Đề cũng đã nắm được và có đã có báo cáo với tỉnh về tình hình giao dịch đất đai tại các điểm nóng của huyện để xin ý kiến, giải pháp chấn chỉnh tình trạng này. 

Thông tin trên báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra các tổ chức, cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động môi giới bất động sản trên địa bàn, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, xử lý kịp thời các vi phạm theo thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trong tháng 9/2022.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên và tăng cường thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định và lành mạnh, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các sở ngành, công an tỉnh, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động môi giới bất động sản trên địa bàn.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống