Sốt đất vẫn đang “âm ỉ” chờ bùng phát tại một số khu vực?
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang chững lại, sốt đất ảo vẫn “âm ỉ” chờ bùng lên ở một số địa phương. Đặc biệt là những khu vực có lợi thế về hạ tầng.
Quy hoạch đến đâu, đất lên cơn ‘sốt’ đến đó
Kể từ thời điểm cuối năm 2021, giá đất ở những khu vực mà đường Vành đai 4 đi qua như Thường Tín, Mê Linh, Đan Phượng Sóc Sơn, Văn Giang (Hưng Yên),.. đã tăng từ 20 – 50%.
Đến độ tháng 3 năm nay, khi Hà Nội ra lệnh dừng phân lô, tách thửa, lượng nhà đầu tư hỏi mua đã giảm dần nhưng nhiều người có đất giáp trục Vành đai 4 bàn nhau không được hạ giá bán. Thậm chí, vừa qua, khi dự án đường Vành đai 4 chính thức được duyệt, nhiều người có đất xung quanh khu vực quy hoạch còn nâng giá lên mức 55 – 60 triệu đồng/m2 và bảo rằng kiểu gì đất cũng lên hơn nữa.
Hay như đại diện một sàn môi giới ở Thường Tín cho biết, chị đang rao bán lô đất 80m2 tại xã Khánh Hà (Thường Tín), mặt tiền 5m, hướng Đông Nam, đường trước nhà 6m, vỉa hè 2 bên 2m với giá 2,4 tỷ đồng (30 triệu đồng.m2). Chị cho biết, quy hoạch trước khu đất là đường vành đai 4, tiềm năng tăng giá tốt. Ngoài ra, chị còn sở hữu 10 lô đất khác tại khu vực các xã Khánh Hà, Xã Thắng Lợi của huyện Thường Tín, và vài lô tại xã Đại Thắng, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên và cũng đang cần bán.
Tại huyện Đan Phượng, khảo sát cho thấy lượng rao bán nhà đất tăng mạnh, đặc biệt là khu vực các trục đường lớn cạnh nút giao của huyện và thị trấn Phùng. Theo đó, giá đất tại khu trục đường lớn khoảng 60 - 75 triệu đồng/m2. Đất tại thị trấn Phùng có giá khoảng 130 - 145 triệu đồng/m2, tăng khoảng 10 - 15%.
Tâm điểm của sốt đất Đông Anh vừa qua phải kể đến khu vực các xã Vĩnh Ngọc, Xuân Canh, Đông Hội. Thông tin về các dự án lớn có giá trị đầu tư hàng tỷ đô la Mỹ khiến thị trường nhà đất tại đây ngày càng nóng hơn.
Điển hình như tại xã Vĩnh Ngọc, nhiều lô đất đường nhỏ chỉ từ 8-10 m, chủ nhà phát giá hơn 100 triệu đồng/1m2. Khu vực đầu cầu Nhật Tân phía Đông Anh, hiện giá đất cao nhất đã lên đến hơn 200 triệu đồng/m2 với những lô đẹp mặt đường lớn.
Tại Vân Nội đất đấu giá nằm đan xen trong các làng xóm đã có hạ tầng giá khoảng 60-70 triệu đồng/1m2. Đất thổ cư trong các làng xóm gần dự án lớn dù đường vào nhà nhỏ, chiều ngang chỉ khoảng 5-7m giá cũng lên đến 40-50 triệu đồng/m2. Một văn phòng môi giới bất động sản tại xã Vân Nội cho hay, giá đất tại xã này thấp nhất cũng không dưới 30 triệu đồng/m2.
Bên cạnh đó, tại dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài bắt đầu từ Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM, tuyến đi song song Quốc lộ 22 hiện hữu. Điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu Mộc Bài (huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh).
Ông Nguyễn Hữu Tài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh cho biết, dù dự án chưa triển khai nhưng đất ở khu vực huyện Củ Chi (TP.HCM) và huyện Gò Dầu, Bến Cầu (Tây Ninh) đang có dấu hiệu bị “thổi giá”.
Khảo sát cho thấy, giá đất tại huyện Bến Cầu thời điểm này đã tăng 30 - 50% so với năm 2021. Vùng lân cận khu vực cửa khẩu Mộc Bài (đoạn qua huyện Bến Cầu) đang ở mức 800 – 1,2 tỷ đồng/lô (70 – 90m2). Nhiều khu đất thổ cư được người bán “hét giá” cao hơn giá thị trường 500 – 700 triệu đồng.
Ở huyện Gò Dầu, thị trường nhà đất cũng liên tục tăng nhiệt, giá rao bán bình quân 500 - 800 triệu đồng/lô đất (100m2). Hay như ở huyện Củ Chi, giá đất tại các khu vực đường cao tốc dự kiến đi qua như Phước Vĩnh An, Tân An Hội, Nhuận Đức, Phước Thạnh… cũng liên tục tăng.
Theo Sở TN&MT Tây Ninh, sốt đất đã bắt đầu manh nha trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2022. Thống kê trong 2 quý đầu năm 2022, số hồ sơ đất đai được Sở tiếp nhận lên đến hơn 134.500, đã giải quyết hơn 128.700 hồ sơ. Sở cũng đã cảnh báo tình trạng sốt đất ảo tới người dân.
Chuyên gia đưa ra cảnh báo
Trên thực tế, kể từ sau Tết Nguyên Đán Nhâm Dần, tình trạng nhiều dòng tiền liên tục đổ dồn vào BĐS đã làm cho giá đất ở nhiều địa phương trên cả nước tăng lên chóng mặt như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Nghệ An… và nhiều khu vực xung quanh TP.HCM.
Khi đó, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam Võ Huỳnh Tuất Kiệt chia sẻ rằng, tình trạng sốt đất đã lan rộng ra nhiều địa phương, có xu thế chạy theo các thông tin về quy hoạch hạ tầng. Điều đáng nói, giờ đây sốt đất không chỉ loanh quanh những khu vực lân cận Sài Gòn hay Hà Nội mà đã len lỏi về nông thôn, thậm chí là miền núi cũng sốt đất mạnh mẽ.
Một trong những nguyên nhân khiến cơn sốt đất đang có dấu hiệu lan rộng mạnh mẽ là bởi nguồn tiền đầu tư còn rất lớn, xu hướng các nhà đầu tư, cá nhân đổ xô vào mua đất diễn ra hối hả ở thời điểm bình thường mới, những tác động xấu của đại dịch Covid -19 đang dần lùi xa.
Thêm nữa, cứ mỗi sau đợt tăng ấn tượng tại thị trường chứng khoán thì nhiều nhà đầu tư có xu hướng dùng tiền đổ sang bất động sản, họ hy vọng đó sẽ là kênh trú ẩn an toàn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh lạm phát thì bất động sản càng được chú ý hơn.
Sốt đất không còn là câu chuyện diễn ra ở các đô thị lớn, vùng lần cận các thành phố như Sài Gòn hay Hà Nội mà đã đi xa, len lỏi khắp các vùng quê, miền Núi xa xôi. Nhiều chuyên gia đánh giá, vụ Thủ Thiêm đã tạo ra hiệu ứng tăng giá đất mạnh lan tỏa sang các địa phương khác.
Về tình trạng sốt đất ảo vẫn âm thầm lan ra, TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, chuyên gia Đại học Việt Đức, chia sẻ năm 2022 được đánh giá là năm của đầu tư công, nâng cấp hạ tầng kết nối, cải thiện tiện ích khu vực, vì vậy giá đất ở nhiều vùng quy hoạch sẽ có chiều hướng tăng, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, nhiều dự án chỉ đang là ý tưởng, sẽ cần nhiều thời gian để nghiên cứu, hoặc nhiều dự án chỉ là tin đồn. Lợi dụng điều này, nhiều môi giới hoặc những người muốn bán sẽ tung tin nóng, đẩy giá bán lên cao, gây sốt ảo. Vì vậy, các nhà đầu tư, đặc biệt là những "tay ngang" có ý định xuống tiền cần cẩn trọng.
Cùng góc nhìn, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cảnh báo: “Các nhà đầu tư khi tìm hiểu thông tin hay mua bất động sản cần cân nhắc kỹ các thông tin, tính pháp lý của sản phẩm, đặc biệt cẩn trọng khi tiếp cận các khu vực đang nóng sốt do thông tin quy hoạch. Đồng thời, cần lựa chọn những nhà môi giới chuyên nghiệp, hoạt động hợp pháp để được tư vấn”.