Tham vọng lớn tại Hải Phòng, Chủ tịch KBC muốn xây khách sạn 5 tỷ USD

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc-CTCP (KBC-HoSE) cho biết ký kết với Tập đoàn Hyatt (Mỹ) để đầu tư dự án khách sạn 5 tỷ USD tại Hải Phòng. Đây là nội dung được chia sẻ tại Talk show Chọn danh mục với chủ đề “Theo dấu người khổng lồ”.

Ông Đặng Thành Tâm Chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc-CTCP
Ông Đặng Thành Tâm Chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc-CTCP

Theo đó, ông Tâm cho biết, KBC ký được dự án rất lớn ở Hải Phòng với dự án trên 200 ha. Ông cho biết, KBC đã đền bù và giải toả xong, đất đã sẵn sàng và đã nộp cả tiền sử dụng đất. Đối tác của KBC là Tập đoàn Hyatt đến từ Mỹ sẽ cùng đầu tư dự án 5 tỷ USD để xây dựng khách sạn 5 sao ở Hảo Phòng.

Theo quy hoạch, dự án này gồm một chuỗi các công trình như xây dựng 1.000 phòng khách sạn và resort, không những thế còn có 1.000 căn villa và 1.000 căn hộ cao cấp.

Ông cho biết thêm, từ đầu năm tới nay, KBC đã được cấp phép đầu tư hơn 1.500 ha mới. Tất cả các dự án công ty đã theo đuổi 5 năm rồi. Dự kiến 1.500 ha mới được cấp phép này sẽ đem lại khoảng 20.000 tỷ lợi nhuận trong 5 năm tới. Vừa rồi, KBC cũng đã được cấp phép đầu tư của 3 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 2.000 ha và Công ty đã đền bù giải toả và tạo quỹ đất sẵn sàng.

Ông Tâm chia sẻ, quỹ đất của KBC khá lớn, ngoài quỹ đất hiện tại sắp tới được cấp phép đầu tư tại Tiền Giang. Ông cho rằng, vấn đề quan trọng hơn ngoài quỹ đất là việc thu hút đầu tư tốt, nghĩa là Nhà nước, chính quyền địa phương giao đất ở đâu đền bù giải tỏa và xây dựng hạ tầng cực kỳ nhanh và hiệu quả.

Chia sẻ tại hội thảo, ông đánh giá cao về vai trò của nguồn vốn nước ngoài, ông nhận định, nguồn vốn Mỹ là rất lớn và đang tìm cơ hội tại các thị trường để để đầu tư. Trong khi đó, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, tăng trưởng GDP tốt, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng dần bài bản hơn. Đồng thời, khi tiếp xúc với các nhà đầu tư Mỹ, Thủ tướng cũng cam kết rõ ràng thị trường Việt Nam sẽ tăng cường minh bạch hơn nữa và có sự chia sẻ của Chính phủ với những khó khăn của doanh nghiệp hay quỹ khi đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, hệ số tín nhiệm của nước ta với Mỹ đã cải thiện đáng kể. ông lấy ví dụ: “Trước đây, doanh nghiệp khi mua bảo hiểm để đầu tư vào Việt Nam là 10 đồng nhưng hiện nay chỉ 1 đồng”

Do đó, ông Tâm tin rằng sắp tới có nguồn vốn cực kỳ lớn vào Việt Nam, cả trực tiếp và gián tiếp. Tổng nguồn vốn Mỹ đầu tư vào Việt Nam từ trước đến nay khoảng 10 tỷ USD, trong 3 năm tới kỳ vọng ít nhất thêm 10 tỷ USD.

Về tình hình kinh doanh quý I của KBC cho thấy, doanh thu thuần của KBC giảm 65,5% còn 691,6 tỷ đồng, chủ yếu do thu nhập từ cho thuê đất và cơ sở hạ tầng. Lợi nhuận sau thuế thu về 523,3 tỷ đồng, giảm 26,8% so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh quý I của KBC (Nguồn: BCTC KBC)
Kết quả kinh doanh quý I của KBC (Nguồn: BCTC KBC)

Theo báo cáo thường niên 2022, Ban Tổng giám đốc Đô thị Kinh Bắc đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2022 gồm tổng doanh thu hợp nhất 9.800 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế 4.500 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý I, doanh thu đạt 7,1% còn lợi nhuận hoàn thành 11,6% mục tiêu cả năm.

Chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 (Nguồn: vietstock)
Chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 (Nguồn: vietstock)

Đây là kế hoạch lợi nhuận hết sức tham vọng, bằng 6 năm trước cộng lại. So với năm 2021, doanh thu gấp 2,2 lần và lợi nhuận gấp 5 lần. Ban lãnh đạo cho rằng kế hoạch được đặt ra căn cứ trên kết quả thu hút FDI năm trước, triển vọng thu hút FDI năm nay, nhu cầu thuê đất và nhà xưởng của các khách hàng tiềm năng đã và đang đàm phán, chương trình xúc tiến đầu tư của chính doanh nghiệp…

Năm 2021, KBC có kết quả kinh doanh khả quan khi báo lãi sau thuế đạt gần 954 tỷ đồng tăng gấp gần 3 lần so với năm 2020 (gần 320 tỷ đồng). Tuy nhiên, dòng tiền trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp này luôn âm, năm 2021, dòng tiền đầu tư âm 3.151 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước âm 479.8 tỷ đồng.

Lưu chuyển tiền tệ đầu tư (Nguồn: BCTC năm 2021 KBC)
Lưu chuyển tiền tệ đầu tư (Nguồn: BCTC năm 2021 KBC)

Trước đó, tại bản báo cáo thường niên năm 2021,  tính đến 31/12/2021, Kinh Bắc đang quản lý gần 5.216 ha đất phát triển khu công nghiệp (KCN), chiếm gần 4,22% tổng số diện tích đất KCN của cả nước và xấp xỉ 1.178 ha đất phát triển khu đô thị (KĐT), dân cư. Trong đó, 1.013 ha đất KCN thuộc 4 KCN đã được lấp đầy 100% và một KCN có diện tích 426 ha đã lấp đầy 96,78%.

Theo lãnh đạo Kinh Bắc, doanh nghiệp sẽ tăng tốc đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư vào các KCN và KĐT bao gồm: KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Quang Châu mở rộng, KCN Tân Phú Trung, KĐT Phúc Ninh, KĐT Tràng Duệ; KCN Tràng Duệ mở rộng; Cụm công nghiệp Hưng Yên, Cụm công nghiệp Long An; Đại dự án Tràng Cát.

Ngoài ra, KBC đã và đang chuẩn bị quỹ đất khu công nghiệp quy mô lớn và cơ sở hạ tầng đầy đủ ở những vị trí chiến lược nhằm đáp ứng được nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư về diện tích, địa điểm cùng với các giải pháp gồm: Phát triển quỹ đất hiện hữu, thành lập mới các dự án KCN và KĐT ở một số tỉnh như Long An, Hưng Yên, Tiền Giang, Hải Dương, Vũng Tàu…

 

Công ty CP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) được thành lập ngày 27 tháng 3 năm 2002, vốn điều lệ ban đầu là 20 tỷ đồng, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4 năm 2003 với chức năng ban đầu là đầu tư, xây dựng và kinh doanh Cơ sở hạ tầng Khu đô thị - Thương mại – Khu công nghiệp – Dịch vụ đa năng.

Bên cạnh các dự án về Bất động sản, Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc còn liên doanh đầu tư trong các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, khai khoáng; năng lượng, viễn thông. KBC được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống