3000 tỷ cấp bù lãi suất: Để tiền không đi lạc...
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, để cho vay đúng đối tượng, tránh móc ngoặc với doanh nghiệp 'cánh hẩu', cần quản lý, giám sát chặt chẽ.
Tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong kỳ họp tháng 10 các giải pháp về cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp và giải pháp hỗ trợ dựa trên chi phí lao động.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng với lãi suất 3-4%/năm sẽ được ngành ngân hàng bơm ra nền kinh tế trong thời gian tới để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, việc cấp bù lãi suất là biện pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp. Xét trên tổng vốn tín dụng của Việt Nam, 100.000 tỷ đồng "không thấm vào đâu" nhưng xét việc triển khai gói tín dụng trong thời gian ngắn, đến cuối năm nay hoặc sang năm 2022, số tiền này không hề nhỏ, làm gia tăng năng lực tài chính của doanh nghiệp, giúp họ trụ vững và vượt qua thời điểm khó khăn này.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý một số vấn đề có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động cho vay. Trước hết, đó là ai được vay, tiêu chuẩn thế nào? Đây là khoản hỗ trợ gián tiếp của Nhà nước cho doanh nghiệp thông qua ngân hàng. Nhà nước cấp tiền cho ngân hàng vì thế khó đảm bảo được ngân hàng có cho vay đúng đối tượng hay không? Có hay không tình trạng xin - cho, móc ngoặc giữa ngân hàng với doanh nghiệp "cánh hẩu", sân sau, huống chi hiện tượng này đã từng xảy ra trước đây?
Điểm khác, khi gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng được tung ra, dòng tiền lớn được bơm vào nền kinh tế nó sẽ tác động thế nào đến lạm phát, vay nợ và các nhân tố khác? Lạm phát thường có độ trễ, khi bơm tiền vừa ra chưa có vấn đề gì, nhưng 6 tháng, 1, 2 năm sau lạm phát mới tăng cao, cân đối vĩ mô bất ổn. Do đó, cần phải hết sức tỉnh táo để kiềm chế lạm phát, giữ giá hàng hóa ổn định, không gây nguy hại cho nền kinh tế nói chung.
Vị chuyên gia nhắc lại bài học năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng thiết kế gói cấp bù lãi suất tương đối mạnh tay, lên tới 1 tỷ USD, tương đương 17.000 tỷ đồng thời điểm đó với mức lãi suất hỗ trợ cho khách hàng vay là 4%/năm.
Nguồn lấy từ quỹ dự trữ ngoại hối, tuy nhiên đến nay ngân hàng vẫn chưa được quyết toán hết. Ở thời điểm đó, chính sách cấp bù lãi suất cũng có tác dụng nhất định, nhưng hậu quả để lại không hề nhỏ khi mà sau gói kích cầu trên, thanh khoản hệ thống ngân hàng gặp vấn đề lớn và nợ xấu liên tục tăng cao. Chính phủ phải thành lập công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng để giải quyết hệ quả. Năm 2011 - hai năm sau khi triển khai gói cấp bù lãi suất trên, lạm phát tăng phi mã lên tới 18,58%/năm, mất cân đối vĩ mô lớn
Bởi vậy, đối với gói hỗ trợ lãi suất lần này, vị chuyên gia cho rằng yêu cầu đầu tiên là phải rút ra các bài học từ lần cấp bù lãi suất vào năm 2009. Cần tính toán thận trọng trên mọi phương diện, nghiên cứu một số lĩnh vực, ngành nghề được vay với sự kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng để triển khai.
"Đã biết cấp bù lãi suất thì Nhà nước cấp tiền cho ngân hàng chứ không cấp trực tiếp cho doanh nghiệp và như vậy có thể xảy ra xin - cho, móc ngoặc như đề cập ở trên. Vì thế, để tránh nhập nhèm, phải xác định cụ thể ngành nghề, lĩnh vực nào được ưu tiên tiếp cận gói vay đó, yêu cầu, điều kiện với doanh nghiệp ra sao...
Tất cả phải thật cụ thể, tỉ mỉ và tốt nhất là nên số hóa, công khai trên các phương tiện thông tin để doanh nghiệp biết rõ mình có nằm trong diện cho vay hay không, mức độ vay đến đâu, cần làm thủ tục giấy tờ gì... Từ đó, nếu doanh nghiệp biết mình nằm trong diện được vay mà thực tế lại không tiếp cận được, hoặc biết được doanh nghiệp khác không phải đối tượng được cho vay mà lại được vay... thì hoàn toàn có thể có có ý kiến, khiếu nại với cơ quan nhà nước", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Nêu quan điểm riêng, vị chuyên gia cho rằng, đối tượng được tiếp cận gói hỗ trợ này phải thuộc những ngành có thế mạnh riêng, đang gặp khó khăn và mang tính trụ cột. Chẳng hạn như, sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu; công nghiệp chế biến, chế tạo; nuôi trồng; chế biến xuất khẩu thuỷ hải sản; linh phụ kiện điện tử, tivi, tủ lạnh,... Đây đều là thế mạnh mà hiện nay Việt Nam đang mong muốn phát triển, nếu vẫn giữ được thế mạnh tăng trưởng xuất khẩu trong năm từ 20-30%, thì sẽ kéo nền kinh tế tăng trưởng vượt trội.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực như dịch vụ, du lịch, nghỉ dưỡng,... cũng là những ngành nghề cần quan tâm để tạo ra sức bật mới trong giai đoạn phục hồi.
Điều quan trọng là phải kiểm tra, giám sát thường xuyên các ngân hàng cho vay. "Cơ chế giám sát ra sao? Những ai được giám sát? Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp có vai trò gì? Cơ quan quản lý nhà nước nào tham gia giám sát? Ứng dụng công nghệ số cũng sẽ giúp kiểm soát dễ dàng", vị chuyên gia lưu ý.
Sau cùng, cơ quan quản lý chung của Nhà nước phải có cái nhìn tổng thể, tính toán thời gian cấp vốn phù hợp, lượng vốn phù hợp, xem xét khả năng chịu đựng lạm phát đến đâu, tác động ra sao... để mọi thứ vẫn nằm trong tầm kiểm soát, đảm bảo cân đối vĩ mô.