Thanh tra ngân hàng đổ tiền vào BĐS: Bước khởi đầu...
Thanh tra các ngân hàng đổ nhiều tiền đầu tư BĐS là bước đầu phân loại những ngân hàng có nguy cơ rủi ro cao, khoanh vùng các khoản nợ xấu...
Khoanh vùng nợ xấu
Dù đánh giá cao nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng 6 tháng cuối năm 2018, trong đó, có chỉ đạo sẽ tiến hành thanh tra đột xuất các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ,... các chuyên gia kinh tế cho rằng, động thái trên là hoàn toàn hợp lý.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích, nhiều ngân hàng vì muốn có mức tăng trưởng cao đã không ngại đổ tiền vào BĐS, chứng khoán, những lĩnh vực có tính biến động liên tục, khó lường, do đó, cũng đem đến nhiều nguy cơ rủi ro lớn cho phía ngân hàng.
Việc thực hiện thanh tra là bước đầu nhằm phân loại những ngân hàng có nguy cơ rủi ro cao, trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ khoanh vùng và đưa ra đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với từng dự án, từng khoản nợ xấu mang tính rủi ro cao, đe dọa tới tính thanh khoản của ngân hàng.
Tuy nhiên, trước khi thực hiện việc thanh tra, vị chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước phải định nghĩa lại khái niệm cho vay BĐS cũng như trong chứng khoán thật rõ ràng minh bạch để có đánh giá sát thực tế hơn.
Ông Hiếu cho biết, trong vay BĐS hiện đang bao gồm nhiều khoản vay, trong đó có cho vay để mua nhà, sửa chữa nhà, xây cất nhà... với những khoản vay này thì nên xếp vào tín dụng tiêu dùng chứ không phải là cho vay để kinh doanh BĐS.
Tiếp theo, cần đưa ra quy định về hạn mức cho vay trong lĩnh vực BĐS của từng ngân hàng.
"Tôi lấy ví dụ, có thể quy định hạn mức cho vay trong lĩnh vực kinh doanh BĐS là 10% hoặc 15%, nếu vượt quá hạn mức trên sẽ là ở mức báo động, cho vay quá nhiều và cần phải thanh tra. Trong lĩnh vực chứng khoán cũng vậy, cũng phải yêu cầu các ngân hàng hạch toán đúng số nợ để kinh doanh chứng khoán, vì có nhiều trường hợp, vay với tư cách cá nhân nhưng lại để đầu tư chứng khoán.
Vì thế, cũng cần phải quy định hạn mức cho vay trong đầu tư chứng khoán.
Phải làm rõ khái niệm, định mức thì mới xác định được thế nào là vay quá nhiều và cần phải thanh tra", TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Làm rõ động cơ, xử lý dứt điểm
Chuyên gia kinh tế, TS Bùi Quang Tín thì cho rằng, việc thanh tra các ngân hàng đầu tư nhiều vào BĐS, chứng khoán là động thái nhằm điều chỉnh lại nguồn vốn, hướng dòng tiền chảy vào đầu tư sản xuất, những lĩnh vực tạo ra giá trị tăng trưởng thực chất cho xã hội chứ không phải là tăng trưởng nóng, tăng trưởng ảo, không tạo giá trị gia tăng như BĐS, chứng khoán.
Tiếp theo, việc thực hiện thanh tra các ngân hàng sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát, làm rõ được các động cơ ẩn chứa sau những dòng tiền đổ vào BĐS.
TS Bùi Quang Tín cũng cho rằng, việc làm rõ khái niệm đầu tư BĐS sẽ tính toán được tỷ lệ tín dụng đổ vào bất động sản cho chính xác, từ đó ra chính sách cho phù hợp.
Vị TS nhấn mạnh, nếu tính đầy đủ thì tín dụng đổ vào bất động sản lớn hơn nhiều so với con số thống kê hiện nay của cơ quan quản lý vì nhiều dòng tiền đổ vào BĐS nhưng lại đang được ẩn chứa dưới mác vay tín dụng tiêu dùng. TS Bùi Quang Tín lưu ý, việc tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực BĐS sẽ đi cùng với những nguy cơ làm giá cả BĐS cũng tăng chóng mặt, tạo nên bong bóng BĐS. Điều này rất nguy hiểm.
Vị chuyên gia nhắc lại những năm 2006-2008, thời điểm tín dụng đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam cực lớn, có lúc lên tới khoảng 50% trong tổng dư nợ và đó là tỷ lệ tăng trưởng nóng.
Đi liền với việc tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản thì lúc đó giá cả bất động sản cũng tăng chóng mặt, người người mua bất động sản, nhà nhà mua bất động sản mà không cần có kiến thức gì về lĩnh vực bất động sản, tài chính kinh doanh...
Do đó, nếu để thị trường BĐS tăng trưởng quá nóng như hiện nay là sẽ là ngòi nổ, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho các ngân hàng.
Vấn đề tiếp theo là, khi xác định được những ngân hàng cho vay vượt mức cho phép, cho vay quá nhiều vào lĩnh vực BĐS, chứng khoản thì phải xử lý thế nào?
Trả lời câu hỏi trên, TS Bùi Quang Tín cho rằng, biện pháp xử lý cơ bản trước hết là Ngân hàng Nhà nước sẽ phải làm việc trực tiếp với các ngân hàng có tín dụng tăng trưởng vào BĐS quá cao, từ đó tìm ra giải pháp xử lý cho phù hợp với đặc thù của từng ngân hàng.
"Đầu tiên là xác định rõ dư nợ trong lĩnh vực BĐS, từ đó thay đổi các chính sách hạch toán, kế toán, thay đổi cách thức tăng trưởng tín dụng.
Bên cạnh đó, cũng yêu cầu các ngân hàng thực hiện việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro đầy đủ, đúng quy định", ông Tín nói.
Từ đây, TS Bùi Quang Tín nhấn mạnh, không chỉ hệ thống ngân hàng thương mại phải tự kiểm soát tín dụng bất động sản, mà NHNN cũng phải tăng cường tham gia giám sát và cần thiết phải đưa ra khái niệm bất động sản sao cho phù hợp với Luật Kinh doanh bất động sản 2014, tránh tình trạng mỗi cơ quan, ban ngành đưa ra một khái niệm khác nhau dẫn tới số liệu khác nhau.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng phải có chế tài xử lý, xử phạt rõ ràng với những ngân hàng không thực hiện theo quy định, ngăn chặn những rủi ro ngay từ đầu.
Theo Lam Nguyên/ Báo Đất việt