Tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn đầu tư công

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt, cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm 2021 mới được hơn 40% kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, việc triển khai các chính sách tài khoá, tiền tệ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang chịu tác động của đại dịch Covid-19.

Tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 1

Vướng mắc khi thực hiện

Việc giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp phải thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, nhất là các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện.

Một số bộ, cơ quan, địa phương, nhất là những nơi không thực hiện giãn cách xã hội thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ, công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân; công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm, giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; quy trình, thủ tục thanh quyết toán vốn đầu tư công còn bất cập; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh…

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tiến độ giải ngân 8 tháng đầu năm chậm hơn so với cùng kỳ năm 2020 do đặc thù của năm 2021 là năm đầu tiên triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; một số nhiệm vụ, dự án khởi công mới chỉ được giao kế hoạch sau khi Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 được thông qua.

Nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là do dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, xuất hiện nhiều biến thể mới với tốc độ lây lan nhanh, trải rộng trên hầu hết các tỉnh, thành phố, khả năng khống chế khó khăn hơn nhiều so với năm 2020, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống đại dịch, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư công. Công tác tác triển khai phòng, chống dịch bệnh tại một số địa phương còn thiếu thống nhất, có nơi ban hành quy định cứng nhắc làm ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu xây dựng, chậm tiến độ triển khai dự án. Hầu hết các công trình xây dựng tại khu vực có nguy cơ cao (vùng đỏ) và một số công trình ở các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ phải tạm dừng thi công.

Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cho rằng, giá các vật liệu xây dựng trên thị trường tăng mạnh tác động trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công dự án…

Giải pháp tháo gỡ

Bộ KH&ĐT cho biết, hiện có 10 bộ và 33 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức trung bình của cả nước (40,6%). Trong đó, một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, như Quảng Ninh, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bình Phước, TP. Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa…

Trong khi đó, có 4 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn và có 3 bộ, cơ quan trung ương đã giải ngân nhưng tỷ lệ giải ngân dưới 1%.

Bộ KH&ĐT cho biết, nhằm tháo gỡ khó khăn về thể chế, cơ chế, chính sách đầu tư công, trong tháng 8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2021/NĐ-CP ngày 16/8/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ. Theo đó, tháo gỡ vướng mắc về tài sản bảo đảm tiền vay cho bên vay lại, trong đó có đơn vị sự nghiệp công lập.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1388/QĐ-TTg ngày 06/8/2021 về việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm về tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…

Với quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 từ 95-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó, đến quý III/2021 giải ngân đạt tối thiếu 60% kế hoạch đề ra tại Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Bộ KH&ĐT đã yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 63/NQ-CP và Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.

Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương cũng phải hoàn thành việc phân bổ, giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021 cho các dự án dự kiến khởi công mới. Đồng thời, hoàn thành các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, quy hoạch sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trong tháng 9/2021.

Minh Châu

Theo Kinh doanh & Phát triển