'Thất thế' trong cuộc đua bất động sản, Sơn Hà của đại gia Lê Vĩnh Sơn có đang 'mạo hiểm' khi lấn sân sang lĩnh vực mới?
Kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực sản phẩm gia dụng và công nghiệp từ vật liệu thép không gỉ, tuy nhiên, tại Báo cáo thường niên 2020, danh mục ngành nghề kinh doanh của Sơn Hà đã xuất hiện thêm ngành hạ tầng công nghiệp và bất động sản, đặc biệt là bất động sản công nghiệp.
Tham vọng trở thành nhà đầu tư BĐS công nghiệp hàng đầu
Nhắc đến Công ty CP Quốc tế Sơn Hà (Sơn Hà – mã SHI)giới đầu tư sẽ có ấn tượng với một doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh sản phẩm gia dụng và công nghiệp từ vật liệu thép không gỉ. Tuy nhiên như đã đề cập, doanh nghiệp sẽ lấn sân sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Nội dung này đã được Sơn Hà nhắc đến trong danh mục lĩnh vực kinh doanh của công ty tại Báo cáo thường niên năm 2021.
Với dự án hạ tầng bất động sản công nghiệp tại Khu công nghiệp Tam Dương I – Vĩnh Phúc, Sơn Hà của ông Lê Vĩnh Sơn nuôi tham vọng sẽ dẫn đầu lĩnh vực bất động sản công nghiệp trong vòng 5 năm tới.
Thực tế cho thấy, ngành bất động sản công nghiệp cũng đang là lĩnh vực hấp dẫn trong thời gian gần đây với hàng loạt những thương vụ ‘bom tấn’ được kích nổ khiến thị trường bất động sản công nghiệp sôi động hơn bao giờ hết bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19.
Theo tìm hiểu, dự án Khu công nghiệp Tam Dương I được thực hiện tại xã Hướng Đạo, xã Đạo Tú và thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc với quy mô sử dụng đất ban đầu của dự án 162,33 ha. Trong đó, phần đất xây dựng hạ tầng khu công nghiệp là 156,76 ha và phần đất 5,57 ha (đất tôn giáo, tín ngưỡng; đất hành lang an toàn lưới điện) được giữ nguyên hiện trạng và có biện pháp bảo vệ.
Liên quan đến dự án này, mới đây HĐQT Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà đã thông qua điều chỉnh một số nội dung của dự án. Cụ thể, sau điều chỉnh, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 1.576 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của Sơn Hà để thực hiện dự án gần 524 tỷ đồng bằng tiền, chiếm 33,2% tổng vốn và vốn vay ngân hàng và vốn huy động hợp pháp khác để dự hiện dự án hơn 1.050 tỷ đồng, chiếm 66,8% tổng vốn. Tiến độ huy động vốn góp thực hiện từ 2021-2022.
Nợ phải trả của Sơn Hà gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu
Với việc lấn sân sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp, tuy nhiên theo Báo cáo tài chính của Sơn Hà cho thấy doanh nghiệp đang sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn với tỷ lệ nợ phải trả gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu. Với bức tranh tài chính không mấy sáng nước này liệu Sơn Hà có “lâm nguy” khi lấn sân sang lĩnh vực mới?
Cụ thể, tại báo cáo tài chính nửa đầu năm 2021 hợp nhất soát sét của Công ty CP Quốc tế Sơn Hà, doanh thu thuần doanh nghiệp ghi nhận 3.375 tỷ đồng, tăng trưởng gần 37% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 81 tỷ đồng, tăng trưởng tới 238% so với cùng kỳ năm 2020.
Mặc dù lợi nhuận trong nửa đầu năm nay tăng trưởng khá cao, song nhìn lại một cách khách quan, giai đoạn 5 năm gần nhất (2016 – 2020) có thể thấy bức tranh tài chính của Sơn Hà vẫn cho thấy sự trồi sụt về cả doanh thu thuần và lợi nhuận qua các năm.
Đáng chú ý, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên tổng doanh thu thuần ngày càng “co lại” trong những năm trở lại đây. Lấy đơn cử như nửa đầu năm 2021, Sơn Hà ghi nhận doanh thu thuần là 3.375 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 2,4 % so với doanh thu (81 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, việc sử dụng đòn bẩy tài chính lớn có thể hạn chế khả năng huy động nguồn vốn của Sơn Hà khi “nuôi tham vọng” vào bất động sản công nghiệp – vĩnh vực cần nguồn vốn lớn.
Cụ thể, tại thời điểm cuối tháng 6/2021 nợ phải trả sau soát sét của Sơn Hà là 3.406 tỷ đồng (tăng 7% so với thời điểm đầu năm 2021). Kéo theo, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu gấp 2,5 lần so với vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm (tại ngày 31/6/2021 vốn chủ sở hữu của Sơn Hà là 1.395 tỷ đồng).
Có thể dễ dàng nhận thấy, tính đến thời điểm cuối tháng 6/2021 vốn chủ sở hữu của Sơn Hà còn ít hơn tổng vốn đầu tư dự án Khu công nghiệp Tam Dương I (dự án có tổng vốn đầu tư là 1.576 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, tính đến cuối tháng 6, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của Sơn Hà cũng đạt con số 2.179 tỷ đồng, con số ngày gấp sấp xỉ 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó công ty còn có 213 tỷ đồng khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn.
Tổng tài sản của Sơn Hà tính đến cuối tháng 6/2021 đạt 4.800 tỷ đồng trong đó có tới 3.720 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn. Tuy nhiên, trong cơ cấu tài sản ngắn hạn, nhóm tài sản có tính thanh khoản cao chiếm tỷ trọng rất thấp.
Cụ thể, tiền (và tương đương tiền) và đầu tư tài chính ngắn hạn đều giảm so với đầu năm, tổng cả 2 khoản này tại thời điểm giữa năm cũng chỉ ở mức 261 tỷ đồng. Số tiền này chỉ có thể giải quyết được khoảng hơn 12% tổng giá trị các khoản vay tài chính ngắn hạn của công ty trong cùng thời điểm.
Với tình hình tài chính không mấy sáng sủa của Sơn Hà, nhiều dấu hỏi được đặt ra khi doanh nghiệp quyết tâm lấn sân sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp – một lĩnh vực cần đến nguồn tài chính cực kỳ lớn.
Chưa kể, dòng tiền thực tế của công ty này cũng đang ở trạng thái khá eo hẹp, với giá trị lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm 2021 bị âm 285 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước là dương 5,5 tỷ đồng.
TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết “Nếu doanh nghiệp phát triển chưa đủ sức, chưa đủ mạnh, chưa đủ tầm mà nhảy sang nhiều lĩnh vực thì đó là điều không có lợi. Cụ thể là rủi ro sẽ cao hơn, ví như đang làm công nghiệp lại nhảy sang đầu tư địa ốc. Doanh nghiệp nếu cứ đầu tư theo kiểu phong trào, theo đám đông thì cần phải tính toán lại”.
Trên thị trường chứng khoán, nhiều năm liền cổ phiếu của Sơn Hà duy trì dưới 10.000 đồng/cp và chỉ đến năm 2021 cùng với thị thăng hoa của thị trường chứng khoán Sơn Hà mới “vượt mệnh” thành công.