Thêm một Tết “buồn” của ngành địa ốc?
Trước tình hình thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đang chật vật chuyện lương thưởng, thì các nhân viên trong ngành bất động sản lại tiếp tục dự đoán về một Tết “buồn”.
Bất động sản luôn được biết đến là ngành có mức thưởng tết “khủng”, cao hơn hẳn các ngành khác. Mức thưởng trung bình của các công ty bất động sản thường dao động từ 20 - 50 triệu đồng. Thậm chí, các doanh nghiệp cũng không tiếc tiền, chi mạnh tay đối với những nhân viên xuất sắc. Con số có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.
Với nhiều công ty, tập đoàn lớn, Year End Party (tiệc cuối năm) cũng là dịp để tuyên dương, trao thưởng những cá nhân, tập thể có nhiều cống hiến, vượt chỉ tiêu kinh doanh với các phần thưởng giá trị như: Xe sang, kỳ nghỉ du lịch, tiền mặt, voucher,…
Tuy nhiên, đó là câu chuyện thưởng tết ngành bất động sản của những năm về trước. Từ năm 2020, các môi giới đã phải kêu trời vì quà thưởng tết chỉ ở mức cho có. Những phần thưởng sang trọng chỉ được nghe, chưa từng thấy.
Doanh nghiệp “méo mặt” xin nợ lương, cắt thưởng Tết
Hơn một tháng nữa, cả nước sẽ bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021. Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa đưa ra bất cứ thông tin nào về thưởng Tết. Một số công ty đã thông báo không thể chi trả lương tháng thứ 13 cho nhân viên, thậm chí, doanh nghiệp còn xin nợ tiền hoa hồng, khiến nhiều người rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Một vị lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản tại quận Thanh Xuân cho biết, năm 2019, công ty đã rất cố gắng để thưởng Tết động viên cán bộ nhân viên dù ngân sách vô cùng eo hẹp. Nhưng bước sang năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã giáng thêm một đòn mạnh lên toàn công ty. Dù nhận định thị trường cuối năm có ấm lên nhưng số lượng giao dịch thành công cũng chỉ đủ để trả lương cho nhân viên, còn chuyện thưởng Tết đến giờ vẫn chưa tính đến.
Còn tại TP.HCM, những lo ngại về mặt pháp lý, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong năm đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường tài chính. Điều này khiến quyết định đầu tư của các chủ đầu tư cũng như các nhà đầu tư bị cản trở. Chính vì vậy, các sàn giao dịch cũng trực tiếp chịu tác động.
Ông Nguyễn Minh Khang, Tổng Giám đốc CTCP LDG cho biết, tính đến giữa tháng 12/2020, đơn vị vẫn chưa thể thanh toán lương tháng 11 cho nhân viên. Còn về Tết Tân Sửu, công ty sẽ cố gắng trả lương tháng 12/2020 và tháng 1/2021 để nhân viên có tiền trang trải những ngày cuối năm.
“Dịch bệnh Covid-19 và những khó khăn, vướng mắc về pháp lý dự án khiến nhiều dự án không triển khai được, tình hình kinh doanh năm nay không được tốt”, ông Minh Khang lý giải về nguyên nhân không thưởng Tết 2021.
Cũng về câu chuyện thưởng Tết cho nhân viên, ông Lê Văn Mừng, Giám đốc Công ty Bất động sản M-One từng chia sẻ, đến thời điểm hiện tại, công ty vẫn chưa đưa ra con số thưởng tết cụ thể cho chuyên viên nhưng có lẽ sẽ giảm mạnh so với các năm trước. "Thị trường bất động sản trì trệ từ đầu năm, công ty M-One cũng chịu nhiều ảnh hưởng nhưng vẫn sẽ giữ mức thưởng Tết đảm bảo cho nhân viên như thưởng danh hiệu thi đua, thưởng lương tháng thứ 13", ông Mừng cho hay.
Tết nhưng nhân viên không dám ngóng thưởng
Chị H. T. Tâm (27 tuổi) từng chật vật hơn 2 năm bán khóa học tiếng Anh cho một trung tâm ở Hà Nội. Năm 2018, khi thị trường bất động sản Thanh Hóa bùng nổ, nghe bạn bè nói chuyện về những khoản lương thưởng "khủng", chị mạnh dạn từ bỏ công việc để về quê, đầu quân cho một công ty bất động sản và làm lại từ đầu.
Tết đầu tiên ở môi trường mới, chị Tâm chỉ được thưởng lương tháng thứ 13 và không có thêm bất cứ một khoản nào. Chị tự an ủi vì là nhân viên mới, doanh thu chưa có nhiều nên không thể mong mỏi cao hơn, năm sau ắt sẽ có thưởng to. Tuy nhiên, Tết năm 2020, chị thẫn thờ khi thưởng tết còn thấp hơn năm ngoái, chỉ có số tiền ít ỏi và chút quà từ công ty.
“Tôi chẳng thể ngờ mọi thứ lại trở nên khó khăn như thế. Cả năm vừa rồi tôi sống chủ yếu bằng tiền lương cứng, hoa hồng èo uột lại phải chi nhiều khoản khác. Tôi đã được nghe kể về những số tiền thưởng Tết lớn ra sao, nhưng tôi chưa bao giờ được trải qua. Thưởng Tết năm nay e rằng còn thấp hơn năm ngoái”, chị Tâm rầu rĩ.
Một trường hợp khác, anh L. V. Hào (31 tuổi) đã giữ vững vị trí “best seller” năm thứ 3 liên tiếp mặc cho tình hình cả giới gặp khó khăn. Với 5 năm kinh nghiệm lăn lộn trong ngành, anh Hào luôn tin tưởng vào khả năng của bản thân cũng như lạc quan vào tình hình của thị trường.
Tuy nhiên, năm 2020 đang chạy nước rút tháng cuối, anh không khỏi cảm thấy lo lắng sẽ không có thêm danh hiệu “best seller” nào nữa, khi mọi cố gắng của anh đều chưa thu về được kết quả xứng đáng. Những khách hàng tiềm năng yêu cầu anh Hào phải chiết khấu cao vì khó khăn kinh tế chung, khiến tiền hoa hồng của anh giảm sút phần nhiều.
“Năm ngoái vẫn được thưởng số tiền lớn chưa kể quà cáp, nhưng năm nay, tôi không dám ngóng Tết. Mấy tháng cuối năm, tôi dốc tiền vào đầu tư tìm kiếm khách mong bán được nhiều hàng bù lại tổn thất mà giai đoạn dịch bệnh gây ra, nhưng mọi thứ không hề dễ dàng. Năm nay chưa thấy lãnh đạo thông báo chuyện thưởng Tết, tôi nghĩ sẽ chỉ có một khoản tiền nhỏ gọi là hỗ trợ cho nhân viên”, anh Hào cho biết.
Càng đến những ngày cuối năm, cánh môi giới địa ốc càng gấp rút chạy doanh số với hy vọng có một cái Tết ấm no. Tuy nhiên, thực tế trước mắt không mang màu hồng như trong suy nghĩ của nhiều người. Có lẽ, Tết 2021 sẽ chỉ kéo dài thêm câu chuyện buồn về lương thưởng từ năm ngoái mà thôi./.