Thị trường bất động sản có khả năng lan toả đến 40 ngành kinh tế quan trọng khác

Đây là một trong những vai trò cơ bản và quan trọng của thị trường bất động sản đối với nền kinh tế được nhóm nghiên cứu nêu ra tại buổi Tọa đàm

Đây là một trong những vai trò cơ bản và quan trọng của thị trường bất động sản đối với nền kinh tế được nhóm nghiên cứu nêu ra tại buổi Tọa đàm "Công bố kết quả nghiên cứu đề tài khoa học: Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - Vai trò và khuyến nghị chính sách" do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức chiều 05/01/2021 tại Hà Nội.

Chủ nhiệm Đề tài khoa học "Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - Vai trò và khuyến nghị chính sách" (gọi tắt là Đề tài) do ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch VNREA làm chủ nhiệm, cơ quan tổ chức thực hiện là Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam.

Thị trường BĐS có vai trò quan trọng bậc nhất đối với nền kinh tế

Tại buổi tọa đàm, tóm tắt kết quả Đề tài, ông Nguyễn Thành Công, Thư ký khoa học Đề tài cho biết, bằng phương pháp lượng hóa, Đề tài đã tập trung làm rõ những nội dung và vai trò cơ bản nhất của thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu, thị trường BĐS có 4 vai trò cơ bản.

Một là, thị trường BĐS đóng góp vào phát triển kinh tế và gia tăng tài sản quốc gia. Theo đó, đóng góp của thị trường bất động sản (nhóm nghiên cứu tính toán theo nghĩa mở rộng và ISIC) trong GDP năm 2019 là 7,62%, cao hơn mức Tổng cục Thống kê công bố là 4,51%.

"Có thể thấy, chưa kể đến bất động sản gián tiếp trong ngành xây dựng thì phần trăm đóng góp của bất động sản cũng khoảng 10,49% GDP (năm 2019). Nếu tính thêm nhân tố vốn là đất, đóng góp của bất động sản (gồm bất động sản mở rộng và bất động sản theo ISIC năm 2019) chiếm tới 13,6% GDP. Có thể ước tính tỷ trọng bất động sản đóng góp vào tổng giá trị tăng thêm của khu vực doanh nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 14,88%. Qua đó có thể thấy có 2 vấn đề, một là định giá bất động sản và hai là luồng tiền giữa ngân hàng và bất động sản chính là huyết mạch của nền kinh tế", ông Nguyễn Thành Công thông tin.

Thị trường bất động sản có khả năng lan toả đến 40 ngành kinh tế quan trọng khác - Ảnh 1

Ông Nguyễn Thành Công, Thư ký khoa học Đề tài trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu. (Ảnh: Reatimes)

Hai là, đóng góp thông qua khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác của nền kinh tế, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú – ăn uống và tài chính – ngân hàng... Đề tài đã chỉ ra rằng, khi nhu cầu sử dụng cuối cùng (final demand) của ngành bất động sản mở rộng tăng 1 tỷ đồng sẽ kích thích giá trị sản xuất của các ngành còn lại là 0,772 tỷ đồng và lan tỏa tới giá trị tăng thêm là 0,191 tỷ đồng; ngành kinh doanh bất động sản theo ISIC tăng 1 tỷ đồng cho nhu cầu cuối cùng sẽ kích thích lan tỏa đến giá trị sản xuất 0,402 tỷ đồng và 0,12 tỷ đồng đến giá trị tăng thêm.

Trường hợp giá trị sản xuất của nhóm ngành bất động sản thay đổi giảm 10%: GDP sẽ giảm 1,247%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng mạnh nhất, giảm tới 0,861%, tiếp theo đó là các ngành: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 0,366%); Du lịch (giảm 0,352%); Dịch vụ khác (giảm 0,348%); ngành chịu ảnh hưởng giảm thấp nhất là Công nghiệp khai thác (giảm 0,210%)...

Ba là, vai trò của ngành bất động sản đối với việc thu hút, gia tăng lao động. Nếu xét theo mức độ tăng của Giá trị tăng thêm (VA) tương ứng với việc thu hút thêm được 1 lao động, thì đứng thứ nhất là ngành bất động sản xây nhà để bán, thứ hai là bất động sản công nghiệp, thứ ba là bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và thứ tư là bất động sản theo ISIC. Khi so sánh sức hút đối với lao động theo giá trị tăng thêm của một số ngành kinh tế giai đoạn 2010 – 2019, bất động sản xếp sau các ngành: Du lịch, Dịch vụ khác và Công nghiệp chế biến, chế tạo và xếp trên các ngành: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp khai thác...

Bốn là, đề tài đã lượng hóa quy mô tài sản bất động sản của Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030. Theo đó, năm 2020, tỷ trọng bất động sản / tổng tài sản toàn nền kinh tế chiếm 20,8%; năm 2025 là 21,2% và đến năm 2030 là 22,0%.

Nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra dự báo tình hình thị trường bất động sản Việt Nam đến 2030 và đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm phát huy vai trò thị trường bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, nhóm giải pháp cần thực hiện ngay bao gồm 5 nhóm giải pháp: Về hoàn thiện thể chế và thủ tục hành chính; Về tín dụng; Về lĩnh vực thuế; Về lĩnh vực bảo hiểm xã hội; Về tiền ký quỹ dự án đầu tư. Trong khi đó, nhóm giải pháp trung và dài hạn bao gồm 10 nhóm giải pháp.

"Có thể nói, thị trường BĐS có vai trò quan trọng bậc nhất đối với nền kinh tế các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Thông qua nội dung nghiên cứu, Đề tài đã làm rõ khái niệm, phân loại, phân tích, lượng hóa và khẳng định vai trò của thị trường BĐS trong nền kinh tế. Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa, việc phát triển thị trường BĐS hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia. Chính phủ cần xây dựng chiến lược quốc gia tầm nhìn dài hạn và có chính sách cụ thể được thể chế hóa nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, chuyên nghiệp và bền vững", ông Nguyễn Thành Công đánh giá.

Kênh tham khảo hữu hiệu cho Nhà nước và doanh nghiệp

Trong phần tọa đàm, các chuyên gia nghiên cứu, tư vấn đã đưa ra nhiều đánh giá tích cực đối với kết quả nghiên cứu. Theo TS. Bùi Trinh, nghiên cứu đã đưa ra một số số liệu khá quan trọng với lĩnh vực bất động sản, trong đó, nổi bật là chỉ số lan tỏa và độ nhạy.

"Theo kết quả của Đề tài nghiên cứu khoa học nêu ra, cho thấy bất động sản là một ngành có độ lan tỏa tới giá trị gia tăng cao, độ lan tỏa tới nhập khẩu thấp, lan tỏa về hiệu ứng nhà kính thấp. Theo tôi, nếu có thời gian và số liệu có thể nghiên cứu thêm sự lan tỏa tới chất thải nước, chất thải rắn. Tôi cho rằng Đề tài nghiên cứu này đã tập trung được các số liệu chính thống, đạt chất lượng", ông Trinh nêu.

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, kết quả nghiên cứu lần này có nhiều giá trị, đẩy nghiên cứu về bất động sản lên một bước cao hơn. Theo đó, nếu tiếp nhận các kiến nghị này, các cơ quan quản lý và nhà đầu tư sẽ đi được những bước khá trong việc quản lý, phát triển thị trường BĐS Việt Nam.

Cho rằng Đề tài lần này của nhóm nghiên cứu có điểm khác biệt so với trước đây, ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, Đề tài nghiên cứu đã lượng hóa được và có những con số về tác động lan tỏa của ngành bất động sản tới những ngành khác và nền kinh tế nói chung ra sao. Dù khó nhưng nhóm thực hiện Đề tài nghiên cứu đã lượng hóa được.

"Trước đây, chúng ta nói nhiều về vai trò của bất động sản, nhưng để lượng hóa được cụ thể bao nhiêu và như thế nào thì chưa có kết luận, các chỉ số rất rời rạc. Và Đề tài nghiên cứu lần này đã làm rất tốt việc thu thập, tổng kết, kết nối các yếu tố và đưa ra góc nhìn toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Từ Đề tài khoa học này, chúng ta thấy còn mở ra nhiều điều, cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu hơn nữa. Tôi nghĩ rằng đây là sự mở màn để các nhà nghiên cứu nói chung, có sự đầu tư để có những nghiên cứu sâu hơn", ông Cường đánh giá.

Thị trường bất động sản có khả năng lan toả đến 40 ngành kinh tế quan trọng khác - Ảnh 2

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. (Ảnh: Reatimes)

Phát biểu kết luận tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, kết quả của đề tài thực sự quan trọng và hữu ích. Theo như các chuyên gia vừa nêu, thị trường BĐS, cả Việt Nam và thế giới, có vai trò rất quan trọng.

"Nếu không kinh doanh BĐS thì không thể giải quyết được vấn đề nhà ở cho người dân đô thị, là một trong những điều kiện tiên quyết để chúng ta công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thị trường BĐS đã lan tỏa và đóng góp cho thị trường lao động, tài chính, cũng như thu ngân sách", ông Hà nhấn mạnh.

Tuy vậy, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, thị trường BĐS nước ta có lúc, có nơi được coi là ngành dịch vụ, do đó không khuyến khích đầu tư, không coi thị trường BĐS có những tác động quan trọng đối với nền kinh tế thì các cơ chế chính sách, đặc biệt là chính sách về tài chính, thuế, ưu đãi đầu tư chưa được quan tâm, thậm chí còn bị bỏ rơi. Do đó, Hiệp hội thấy rằng cần có nghiên cứu để lượng hóa, đưa ra số liệu cụ thể, chứng minh với những người có trách nhiệm về vai trò và sự lan tỏa, tác động của thị trường đối với nền kinh tế đất nước.

Theo ông Hà, đây là đề tài nghiên cứu khoa học quy mô đầu tiên của Hiệp hội được thực hiện bằng kinh phí xã hội hóa từ các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội. Công trình trở thành kênh tham khảo hữu hiệu cho công tác hoạch định chính sách của Nhà nước về phát triển lành mạnh thị trường BĐS cũng như kênh tham khảo cho các doanh nghiệp; góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Sau buổi công bố hôm nay, Hiệp hội BĐS Việt Nam sẽ trình kiến nghị kèm toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu lên Chính phủ, Quốc hội, Ban Kinh tế TƯ, các bộ có liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên, Xây dựng, Tài chính để có góc nhìn khoa học hơn để xây dựng chính sách, cũng như nhận diện rõ thị trường này, từ đó đưa ra cơ chế chính sách phù hơp.

Nguyệt Minh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam