Thị trường bất động sản 2021: Khó xảy ra khủng hoảng và bong bóng
Đó là một trong những nhận định của TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tại Toạ đàm “Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới diễn ra vào sáng 5/1.
Đó là một trong những nhận định của TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tại Toạ đàm “Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới" diễn ra vào sáng 5/1.
Tại tọa đàm "Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới" diễn ra tại quần thể FLC Vĩnh Phúc, các chuyên gia đã đưa ra những dự báo mới về xu hướng tổng quan của thị trường bất động sản trong năm 2021.
Phát biểu tại Toạ đàm, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã có những nhận định tổng quan về thị trường địa ốc năm 2020 cũng như đánh giá về cơ hội, thách thức trong năm 2021.
Theo ông Đính, Covid-19 tác động mạnh, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản, làm suy giảm sức phát triển và yếu đi lực cầu. Ở giai đoạn đầu năm 2020, thị trường bị tê liệt bởi hoạt động giãn cách xã hội để chống dịch, dự án ngưng trệ, sàn giao dịch bất động sản tạm ngưng hoạt động, hạ tầng bất động sản du lịch bị đóng băng.
"Năm 2020, mặc dù Chính phủ đã có sự quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy định pháp luật, như ban hành Nghị định 25, Nghị định 146 và chỉ đạo ban hành quy định về pháp lý cho condotel… nhưng cũng chỉ mới tháo gỡ một phần cho phát triển các dự án bất động sản. Vướng mắc về pháp luật cản trở phát triển nguồn cung cho thị trường bất động sản, coi như khó khăn kép cho thị trường bất động sản Việt Nam", ông Đính nhận định.
Vị lãnh đạo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, ở giai đoạn 6 tháng cuối năm, mặc dù vẫn có 2 đợt bùng phát dịch bệnh Covid -19, nhưng thị trường bất động sản Việt Nam vẫn thể hiện sức mạnh tiềm ẩn. Dẫn chứng cho nhận định này, ông Đính nêu rõ, hàng loạt dự án bất động sản trên cả nước vẫn về đích đúng hạn, góp phần cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm mới. Mặc dù ảnh hưởng của Covid-19 nhưng nguồn cung mới vẫn đạt gần 60.000 sản phẩm, và đạt 87,6% so với năm 2019.
Một số tín hiệu tích cực khác trên thị trường địa ốc có thể kể tới như lực cầu tuy giảm nhưng lại thu hút đầu tư ngoài ngành hướng vào thị trường bất động sản, làm tăng lên khoảng 30% lực cầu đầu tư mới cho thị trường. Sự đầu tư công về phát triển hạ tầng đô thị của nhà nước đã thu hút và tăng lực cầu đầu tư vào cuối năm 2020. Con số ấn tượng về lượng giao dịch đã minh chứng cho nhận định trên: 74.500 sản phẩm đã được giao dịch thành công, đạt 50% so với 2019. Tỷ lệ hấp thụ ở một số địa phương rất cao, như TP.HCM đạt trên 80%.
Đặc biệt, bất động sản du lịch mặc dù bị ảnh hưởng nhưng vẫn có tốc độ phát triển đầu tư rất mạnh. Hàng loạt dự án đại đô thị du lịch trên cả nước vẫn được triển khai rầm rộ, thu hút được các nhà đầu tư trên cả nước quan tâm như FLC Grand Hotel Quy Nhon, Sun Premiere Village, Sun Grand City Feria Ha Long, Grand World Phu Quoc, Nova World…
Trên cơ sở đánh giá về thị trường bất động sản 2020, TS. Nguyễn Văn Đính đã đưa ra những dự báo lạc quan về thị trường bất động sản Việt Nam năm 2021. Theo đó, ông Đính cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có thể giữ nhịp và đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn, dẫn đến nhu cầu mua nhà và đầu tư tăng trở lại. Dự báo sức cầu hồi phục thị trường tương đương 70% năm 2019.
Đặc biệt, năm 2021 sẽ là năm đầu tiên các cấp chính quyền địa phương mới nhận nhiệm vụ, chắc chắn sẽ có những động thái thúc đẩy phát triển kinh tế, thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản để tạo nguồn thu cho địa phương. Nguồn cung sẽ được bơm vào thị trường bất động sản nhiều hơn, phong phú hơn.
"Thị trường bất động sản năm 2021 khó có nguy cơ xảy ra khủng hoảng, ảo hay bong bóng. Ngược lại sẽ theo hướng ổn định và bền vững hơn năm 2020", ông Đính khẳng định.
Bên cạnh đó, vị lãnh đạo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam dự báo, nhu cầu đầu tư vào bất động sản du lịch sẽ tập trung vào những dự án phát triển hạ tầng du lịch có quy mô lớn, đồng bộ - hiện đại về hạ tầng, đa dạng về chức năng cung ứng dịch vụ, có cơ hội khai thác kinh doanh tốt và bền vững. Đầu tư bất động sản du lịch sẽ không chỉ hướng biển nữa mà lan tỏa cả vùng rừng núi có khả năng khai thác kinh doanh tốt. Bên cạnh đó, mức giá bất động sản năm 2021 dự báo sẽ tăng ở mức trên 10% so với năm 2020.