Giá bất động sản sẽ tăng thêm 10% trong năm 2021?
Tại Tọa đàm Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới diễn ra sáng nay, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết, từ cuối quý 3/2020, tỷ lệ hấp thụ bất động sản rất tốt, bất chấp kinh tế suy thoái. Dự báo năm 2021, giá BĐS sẽ tăng 10%.
Giá tăng là điểm sáng của thị trường
Tổng kết thị trường BĐS 2020 ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết, năm 2020, dịch Covid-19 đã khiến thị trường BĐS suy giảm, làm yếu lực cầu. Đầu năm 2020 khi dịch bắt đầu bùng phát, thị trường đóng băng, hạ tầng du lịch BĐS gần như bất động.
Mặc dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp tháo gỡ trong đó ban hành Nghị định 24 và 146 quy định pháp lý cho Condotel nhưng chỉ tháo gỡ được một phần. Vướng mắc về pháp luật đã cản trở nguồn cung, tạo khó khăn kép cho thị trường.
6 tháng cuối năm có hai đợt dịch bùng phát nhưng thị trường vẫn phát triển mạnh khi nguồn cung mới đạt 60.000 sản phẩm, tương đương 67,5% so với 2019 đây là con số ấn tượng so với năm 2019. Lực cầu tuy giảm nhưng lực cầu đầu tư từ nhóm F0 lại gia tăng.
Do đó, tỷ lệ hấp thụ tại TPHCM đạt trên 80%, giá BĐS tại hàng loạt địa phương tăng rất mạnh, BĐS du lịch mặc dù bị ảnh hưởng nhưng vẫn tăng mạnh.
Dự báo về thị trường BĐS năm 2021, ông Đính cho rằng, 2021 là năm đầu tiên các cấp chính quyền địa phương nhận nhiệm vụ mới sẽ là lực đẩy thúc đẩy thị trường, nguồn cung sẽ được "bơm" vào thị trường BĐS nhiều hơn, phong phú hơn, thị trường khó xảy ra bong bóng mà phát triển ổn định, bền vững hơn. BĐS du lịch không chỉ hướng biển, mà sẽ lan tỏa ra những vùng rừng núi, có khả năng khai thác kinh doanh tốt.
Chuyên gia dự báo giá BĐS năm 2021 dự báo tăng 10% so với năm 2020. Cùng với đó, lãi suất ngân hàng có thể giữ như mức 2020 hoặc có thể giảm, sẽ dẫn đến kích thích đầu tư mạnh hơn. Các động thái từ tích cực từ Chính phủ cũng sẽ tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Bên cạnh đó, vốn FDI đổ vào Việt Nam mạnh hơn sẽ là những xung lực trên thị trường BĐS 2021.
Cuối cùng, các chủ đầu tư sau khi vượt qua cuộc khủng hoảng Covid 19 chắc chắn sẽ bản lĩnh hơn để vượt qua khó khăn, khủng hoảng trong năm 2021.
Sự chuyển biến mạnh mẽ về pháp lý BĐS
Liên quan đến vấn đề pháp lý BĐS, Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, thị trường bất động sản vẫn đang gặp khó khăn trong 5 năm qua và Covid-19 bùng phát trong năm qua đã làm trầm trọng thêm những khó khăn đó. Nhưng bối cảnh hiện nay có lợi ích là giúp chúng ta tĩnh tâm lại, đánh giá lại, nhìn nhận lại để tìm một hướng đi bền vững.
Theo ông Châu, Đại hội Đảng lần thứ XI và XII đã xác định một trong 3 điểm nghẽn chính của kinh tế Việt Nam chính là cơ chế chính sách. Sự chồng chéo trong các luật như luật nhà ở, Luật Đất đai khiến thị trường BĐS gặp khó khăn.
Từ tháng 12/2015, tất cả các dự án đầu tư bị đình đốn nhưng độ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản có độ trễ đến 3 năm. Đến năm 2018, thị trường mới chứng kiến sự thiếu giảm nguồn cung, quy mô thị trường bị thu hẹp lại, giảm sản phẩm đưa ra thị trường, theo quy luật cạnh tranh, cầu nhiều cung thiếu thì giá sẽ tăng.
Ông Châu cũng cho biết, cung giảm nhưng nguồn cầu vẫn rất lớn nên BĐS có xu hướng tăng giá. Trong khi đó, thị trường lại ghi nhận hiện tượng "lệch pha". Tại TP HCM sản phẩm cao cấp chiếm trên 70%, tỷ lệ nhà ở bình dân không đến 30%. Điều này cho thấy thị trường phát triển chưa bền vững.
Chủ tịch HoREA cho rằng, BĐS cao cấp có thể giúp doanh nghiệp xây dựng nhanh thương hiệu và uy tín nhưng không phục vụ nhu cầu của số đông người dân. Do đó, vị chuyên gia này khuyến nghị doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền, hướng đến những khách hàng có nhu cầu ở thực.
Ông Châu nhận định, năm 2020 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng cơ chế pháp luật khi luật đầu tư, luật xây dựng sửa đổi đã được thông qua, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc. Ngày 18/12, Nghị định 148 đã được ban hành để sửa một số điều trong luật đất đai, giải quyết các vấn đề dịch vụ công về đất đai, giao sổ đỏ tận nơi cho người yêu cầu…
Năm 2021 có điểm đặc biệt là luật đầu tư, luật xây dựng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Đồng thời cũng là năm kiểm soát hiệu quả covid-19 khi vaccine ngừa covid 19 nghiên cứu thành công, nền kinh tế Việt Nam đang là điểm sáng. Năm tới bộ xây dựng sẽ sửa đổi Luật nhà ở, từ đó ban hành nghị định, xây dựng lại chung cư cũ, sửa đổi quy định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường bất động sản phân khúc nhà vừa túi tiền, trung cấp, giá cả hơp lý.
Đại diện HoREA cũng đề cập đến xu hướng ly tâm khi nhiều nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư các tỉnh. Theo ông, điều quan trong là các doanh nghiệp cần phải lựa chọn được địa bàn, người lãnh đạo địa phương là người có tâm nhìn, tâm huyết, lựa chọn những địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội, có nhiều nơi đang có nhiều tiềm năng.
Vấn đề pháp lý BĐS đã khiến phiên Tọa đàm nóng lên, theo GS.TS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường thì đây là mối quan tâm chung của cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Theo ông Võ, thị trường bất động sản Việt Nam bị tác động bởi thể chế trước cả khi Covid-19 tới. Pháp lý làm thị trường chững lại trong 2 năm qua với những lý do là các khoản chồng chéo pháp luật chưa được giải quyết, các khoảng trống pháp luật chưa được lấp đẩy… khiến số lượng dự án được phê duyệt trong 2 năm qua giảm mạnh.
Ông Võ cho rằng hiện có 2 khoảng trống pháp lý lớn nhấ là phê duyệt dự án trên nhiều loại dất. Thứ 2 là BĐS du lịch kiểu mới hiện nay quy định đất có thời hạn sở hữu 50 năm. Điều này vô tình khiến tâm lý nhà đầu tư không mấy mặn mà và dần rời khỏi phân khúc này. Hai khoảng trống khiến thị trường nhà ở và thị trường BĐS du lịch nhà ở thiếu động lực.
Theo ông Võ, muốn có động lực mới từ 2021 trở đi, câu chuyện sửa luật để bù lấp khoảng trống cần mạnh tay hơi. Ông kỳ vọng cả cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp cùng có tiếng nói chung. "Một luật duy nhất có thể sửa đổi và bao quát hết tất cả các vấn đề của bất động sản", ông Võ nhấn mạnh.
Tuy nhiên theo ông, ở Việt Nam, bất động sản vẫn có sức sống tốt. Năm 2021 cơ hội còn nhiều cho các doanh nghiệp. Vấn đề ở đây là phải làm gì với những thách thức, rủi ro.
Chuyên gia này cho rằng, bất động sản tăng giá vào cuối năm 2020 là do lệch giá cung cầu, nhưng ông Võ cũng cho biết, pháp luật là một yếu tố quan trọng, tác động làm thay đổi cung cầu. Hạn chế cấp phép cho các dự án cùng với các chủ đầu tư gom hàng sẽ làm giá nhà tăng.