Thị trường bất động sản Hà Nội tiếp thêm nhiều động lực phục hồi
Nhiều thách thức đang hiện hữu trước mắt khiến thị trường bất động sản Hà Nội còn gặp nhiều trở lại chưa thể phục hồi bứt phá trong thời gian này. Dù vậy, doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng không quá tiêu cực trước thị trường khi sự nỗ lực từ Chính phủ ngày càng phát huy tác dụng, nguồn vốn FDI đổ vào thị trường ngày càng nhiều đồng thời, điểm sáng của thị trường Hà Nội còn nằm ở quy hoạch mở rộng quận nội thành.
Sau hàng loạt những chính sách mang tính định hướng và sửa đổi được Chính phủ ban hành thì trong thời gian gần đây, các dự án đang dần được tháo gỡ pháp lý để có thể tiếp tục triển khai. Giới chuyên gia nhận định, đây chính là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy sự thẩm thấu của chính sách đang dần xuất hiện.
Giao dịch trên thị trường bất động sản đã dần sôi động trở lại. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm tại thị trường Hà Nội ghi nhận lượt tìm mua cải thiện ở các quận Hoàng Mai, Nam Từ Niêm, Long Biên, Hà Đông với mức tăng từ 2 - 6% so với quý trước. Đất nền tại khu vực Hoài Đức và Thanh Trì ghi nhận đà tăng trưởng thấy rõ khi cải thiện từ 4 - 6% ở cả nhu cầu mua và bán.
Động lực phát triển từ các địa phương lên quận
Năm 2011, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Hà Nội được định hướng phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm: khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái và thị trấn. Theo đó, danh sách các huyện được lên quận theo kế hoạch bao gồm: Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức và Đan Phượng. Trong bối cảnh toàn thị trường bất động sản trầm lắng, hạn chế giao dịch thì thông tin lên các huyện được lên quận sẽ là động lực to lớn giúp thị trường bất động sản vực dậy trước khó khăn.
Cùng với bức tranh quy hoạch thì từ đó đến nay, thị trường bất động sản Hà Nội cũng ghi nhận những thay đổi về sản phẩm, lẫn quy mô thị trường. Trong số 5 huyện đó thì huyện Gia Lâm đã lên quận trong quý này. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Gia Lâm chiếm 31% nguồn cung căn hộ sơ cấp và 6% nguồn cung thấp tầng tại Hà Nội. 29% số lượng giao dịch căn hộ đồng thời được ghi nhận tại Gia Lâm. Từ năm 2019, giá sơ cấp căn hộ tại đây đã tăng 13% đi kèm giá sơ cấp thấp tầng tăng trung bình 18%/năm. Dự kiến từ quý IV/2023 trở đi, Gia Lâm sẽ có thêm nguồn cung căn hộ tương lai gồm 8.700 căn. Đực biệt, nguồn cung trong quý 4/2023 chủ yếu sẽ đến từ các dự án mới. Đến năm 2025, Đông Anh sẽ dẫn đầu với 23% thị phần nguồn cung tương lai, theo sau là quận Hà Đông.
Thêm vào đó, thị trường nhà ở tại Gia Lâm và phía đông Hà Nội sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ sự phát triển của cơ sở hạ tầng như Cầu Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2.
Hạ tầng cũng sẽ đóng góp vai trò quan trọng trong sự phục hồi của thị trường bất động sản. Đường Vành đai 4 khởi công vào tháng 6, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã được hơn 86% với mục tiêu hoàn thành 100% vào cuối năm 2023. Sau khi hoàn thiện, tuyến đường sẽ đem lại lợi ích cho 77 dự án hiện hữu và tương lai với 33.400 căn hộ tại các khu vực Vành đai 4 đi qua vào năm 2027.
Theo ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội cho biết: “Thị trường trong quý 3 diễn ra chậm với lượng giao dịch thấp cùng sự thận trọng của các chủ đầu tư trước việc ra hàng mới. Tuy nhiên, thị trường vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực mới góp phần thúc đẩy dần dần sự phục hồi. Có thể kể đến sự hình thành của quận mới và tiến độ hoàn thiện khả quan của các dự án cơ sở hạ tầng”.
Dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy vào thị trường Hà Nội
Trước dòng chảy của thị trường, không thể phủ nhận sức hấp dẫn tại thị trường Thủ đô khi đã thu hút các nhà đầu tư và nhà bán lẻ quốc tế, nhờ những ưu điểm nội tại cùng việc ký kết thành công quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ gần đây.
Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội cho biết: “Thị trường có triển vọng tốt nhờ dự báo FDI tích cực. Việc ký kết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện gần đây với Hoa Kỳ có thể tạo cơ hội bổ sung các dự án FDI quan trọng”.
Trước đó, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, lũy kế đến nay, thu hút vốn FDI của Hà Nội đạt khoảng 69.844 triệu USD (đứng thứ 2 toàn quốc), trong đó, có 7.099 dự án cấp mới còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 28.459 triệu USD; 2.004 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 11.550 triệu USD; 5.017 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 21.836 triệu USD. Lĩnh vực thu hút vốn lớn nhất là bất động sản chiếm 63%.
Thời gian vừa qua, nhiều chủ đầu tư có kế hoạch tham vọng phát triển các trung tâm mua sắm với quy mô lớn và đa dạng tại Hà Nội. Các nhà bán lẻ quốc tế cũng đang đặt Hà Nội là mục tiêu hàng đầu để mở rộng trong tương lai.
Đơn cử như, cuối tháng 6 vừa qua, Tập đoàn N&G (Việt Nam) và Tập đoàn SEIN I&D (Hàn Quốc) đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng "Tổ hợp Techno Park Việt Nam-Hàn Quốc" tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội. Tổ hợp Techno Park Việt Nam-Hàn Quốc có quy mô 200 ha với các phân khu sản xuất, khu nghiên cứu phát triển (R&D), khu nhà ở, khu logistics... Từ Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, các nhà đầu tư Hàn Quốc đặt mục tiêu sẽ tiếp tục phối hợp xây dựng các tổ hợp sản xuất tại các địa phương khác, qua đó tăng cường hợp tác đầu tư giữa hai quốc gia.
Dòng vốn FDI đã thúc đẩy sự phát triển của các loại hình bất động sản. Ở thị trường căn hộ dịch vụ, dòng vốn FDI tiếp tục tạo ra nguồn cầu vững chắc cho phân khúc căn hộ dịch vụ. Trong 9 tháng đầu năm 2023, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tăng 8% theo năm. Hà Nội ghi nhận lượng đăng ký cao nhất cả nước, theo sau là Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh.
Ở thị trường văn phòng, nguồn cung trong quý 3/2023 tăng 1% theo quý và 2% theo năm. Trong đó, khu vực phía Tây có nguồn cung lớn nhất, và khu vực Nội thành có mức tăng trưởng lớn nhất tương đương 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Công suất thuê tăng 1 điểm % theo quý nhưng giảm -2 điểm % theo năm. Diện tích cho thuê mới trong quý 3/2023 đạt mức cao nhất kể từ năm 2020. Hạng A tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng nhất.
Ở mảng thị trường bán lẻ, nguồn cung tăng 2% theo quý và 4% theo năm nhờ sự gia nhập của dự án Lotte Mall West Lake Hà Nội. Trong đó, các trung tâm mua sắm chiếm 62% tỷ trọng nguồn cung, và những trung tâm lớn có diện tích cho thuê mới nhiều nhất.