Thị trường bất động sản Khánh Hòa đã “bước qua vùng đáy”?
Nhiều số liệu thống kê cho thấy, thị trường bất động sản (BĐS) Khánh Hòa ghi nhận những tín hiệu ấm trở lại.
Giai đoạn khó khăn nhất đã qua
Trong nửa năm qua, thị trường BĐS Khánh Hòa đang có dấu hiệu bứt phá rõ nét, thể hiện qua số lượng giao dịch BĐS, nguồn cung dự án đang bật tăng trở lại.
Theo dữ liệu lớn của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm và lượng tin đăng bán BĐS Khánh Hòa trong tháng 3/2024 tăng mạnh so với tháng 2, lần lượt là 67% và 60%. Nhu cầu tìm kiếm đã hồi phục mạnh sau tháng nghỉ Tết khi ghi nhận lượng quan tâm tăng đều ở tất cả các địa bàn. Những điểm nóng trước đây như Cam Lâm, Vạn Ninh có lượt tìm kiếm tăng mạnh nhất, lần lượt đạt 121% và 104%. Các địa phương còn lại cũng ghi nhận lượt quan tâm tăng từ 46-80%.
Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, trong quý I/2024, thị trường tỉnh này ghi nhận 5.941 giao dịch BĐS; trong đó có 4.537 giao dịch đất nền, 1.193 giao dịch nhà ở riêng lẻ, 211 giao dịch căn hộ chung cư. Tổng giá trị giao dịch BĐS trong quý đạt gần 7.630 tỷ đồng.
Nếu so quý IV/2023, số lượng lẫn giá trị giao dịch đều tăng, lần lượt 880 giao dịch và 3.112 tỷ đồng. Tương tự với số liệu trên, khi so cùng kỳ năm trước cũng cho thấy mức tăng đáng kể. Cụ thể, vào quý I/2023, tỉnh Khánh Hòa phát sinh 3.878 giao dịch BĐS với tổng giá trị hơn 1.613 tỷ đồng. Như vậy sau 1 năm đã ghi nhận tăng 2.063 giao dịch và giá trị giao dịch tăng gần 5 lần.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đánh giá: "Thị trường BĐS địa phương đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, tuy chưa đạt như kỳ vọng nhưng đã có tín hiệu khởi sắc về sự tăng trưởng".
Phân tích về sự “ấm” lên của thị trường BĐS Khánh Hòa, ông Trần Đình Quý, trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội BĐS Việt Nam khu vực miền Trung tại Nha Trang cho biết: Thời gian qua, thị trường BĐS Khánh Hòa đón nhận “dồn dập” các yếu tố tích cực, hỗ trợ thị trường, trong đó có 3 động lực chính kích thích thị trường.
Thứ nhất, về những khó khăn vướng mắc, UBND tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều giải pháp để phục hồi và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, bền vững trên tinh thần Nghị quyết số 33.
Đồng thời, các bộ Luật mới liên quan tới thị trường BĐS, như Luật Đất Đai 2024, Luật Nhà ở 2024 và Luật Kinh doanh BĐS 2024 chuẩn bị có hiệu lực cũng tạo ra động lực tăng trưởng cho thị trường BĐS Khánh Hòa nói riêng và thị trường BĐS Việt Nam nói chung.
Động lực thứ hai là về quy hoạch. Cụ thể, cuối tháng 3 vừa qua, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Tp. Nha Trang đến năm 2040 sau gần 4 năm với rất nhiều điều chỉnh kể từ thời điểm được chính thức được phê duyệt. Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung đã chính thức được thông qua theo Quyết định được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký. Đặc biệt, tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vào Khánh Hòa năm 2023, Chính phủ và các bộ, ngành cho biết sẽ hỗ trợ để Khánh Hòa phát triển nhanh, bền vững, hiện thực hóa mục tiêu chiến lược đề ra là đưa Nha Trang trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Động lực thứ ba là về hạ tầng. Mới đây, dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã được thông xe, đây chính là đoạn cao tốc cuối cùng nối TP. Hồ Chí Minh với Nha Trang. Với tuyến cao tốc này, thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến Nha Trang chỉ còn khoảng 4-5 giờ đồng hồ. Đồng thời, các tuyến cao tốc Ban Mê Thuột - Nha Trang hay Liên Khương - Nha Trang đang được triển khai, dự án nâng cấp mở rộng sân bay quốc tế Cam Ranh…sẽ giúp bức tranh hạ tầng giao thông Nha Trang, Khánh Hòa ngày một hiện đại và hoàn chỉnh.
Du lịch sẽ tạo sức bật cho BĐS nghỉ dưỡng
Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), năm 2023, cả nước có khoảng 3.165 sản phẩm BĐS du lịch nghỉ dưỡng mới, giảm hơn 80% so với năm 2022. Lượng giao dịch cũng chưa phục hồi như kỳ vọng, toàn thị trường chỉ ghi nhận 726 giao dịch thành công trong năm 2023. Bởi các dự án vẫn đang gặp vướng mắc về pháp lý nên chưa thể ra hàng. Trong khi hàng tồn kho chủ yếu là các sản phẩm cao cấp, giá trị lớn, phải cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm cắt lỗ từ các nhà đầu tư mua trước đó.
Tại thị trường thứ cấp, các sản phẩm biệt thự biển, shophouse nghỉ dưỡng cũng phải đối mặt với thực tế khó thanh khoản dù giá đã giảm sâu.
Chủ tịch VARS cho rằng, tới thời điểm hiện tại, trong khi các phân khúc khác đều đã có nhiều dấu hiệu phục hồi thì BĐS du lịch, nghỉ dưỡng vẫn chưa thoát khỏi trạng thái “ảm đạm". Dù ngành du lịch đang tăng trưởng mạnh mẽ, gần tiến tới mức tương đương năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2024, đã có hơn 3 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước và bằng 98,5% so với năm 2019.
Kỳ vọng du lịch sẽ là động lực để BĐS nghỉ dưỡng Khánh Hòa phục hồi mạnh mẽ hơn trong thời gian tới (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên VARS tin rằng, việc hoàn thiện khung pháp lý, công bố quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ, triển khai các dự án hạ tầng... Đặc biệt là hấp lực từ ngành du lịch, trên nền tảng tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”, sẽ là động lực để các doanh nghiệp phát triển dự án đẩy nhanh tiến độ, bơm thêm nguồn cung BĐS du lịch, nghỉ dưỡng mới vào thị trường.
“Điều này sẽ giúp thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng sớm bắt kịp đà phục hồi chung của toàn thị trường BĐS”, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho hay.
Riêng tại Khánh Hòa, tỉnh với 2 thành phố du lịch, nghỉ dưỡng là Nha Trang, Cam Ranh và đang vươn mình trở thành đầu tàu du lịch khi tốc độ tăng trưởng hiện đã vượt Phú Quốc, Đà Nẵng. Điều này đang mở ra tiềm năng phát triển trong chu kỳ mới cho BĐS tại nơi này.
Theo Phó Tổng Giám đốc một doanh nghiệp BĐS tại đây, ngành BĐS nghỉ dưỡng cần thích ứng nhanh chóng với thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách du lịch sau đại dịch, từ đó, gia tăng mức độ cạnh tranh trên bản đồ quốc tế và giữ chân khách nội địa giàu tiềm năng.
Ngoài ra, Khánh Hòa phải phát triển đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của nhiều tệp khách khác nhau, từ trải nghiệm du lịch tới đầu tư sinh lời.
"Thị trường du lịch nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung được dự báo sẽ nhanh chóng hồi phục trong năm 2024. Vì vậy, những doanh nghiệp biết chuẩn bị sẵn nguồn lực vững chắc về tài chính, quỹ đất, vị trí quỹ đất, pháp lý... chắc chắn sẽ giành vị thế đi trước", vị này chia sẻ thêm.