Thị trường nhà phố cho thuê: Chủ nhà thà bỏ trống chứ nhất định không giảm giá
Nhiều chủ nhà cho rằng nếu mỗi lần bùng dịch lại chấp nhận giảm giá thuê theo mong muốn của khách thuê thì sẽ tạo thành tiền lệ xấu, cũng như việc chờ đến đêm 30 Tết mới đi mua hoa cho dễ ép giá nên nhiều chủ nhà thà bỏ trống mặt bằng chứ nhất quyết không chịu giảm giá thuê.
Trải qua 4 lần bùng phát dịch Covid-19, nhà phố cho thuê kinh doanh là thị trường bị ảnh hưởng nặng nề. Các biện pháp phòng chống dịch như yêu cầu đóng cửa nhà hàng, quán cà phê, cơ sở cắt tóc, làm đẹp và yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết… khiến nhiều cơ sở kinh doanh không thể trụ vững và buộc phải trả lại mặt bằng.
Tại khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh, trên một số tuyến đường như đường Ngô Đức Kế, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Hồng Thái và Lý Tự Trọng… có nhiều mặt bằng được đăng tin và gắn biển cho thuê.
Chủ một mặt bằng mặt tiền 7m trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1 cho biết: “Giá cho thuê trước đây là 170 triệu/tháng nhưng sau khi một nhà hàng trả lại mặt bằng vì dịch covid thì tôi rao thuê giá 160 triệu/tháng nhưng suốt 3 tháng không có khách thuê nên hiện nay tôi giảm xuống còn 150 triệu/tháng cho nửa năm đầu nếu khách ký hợp đồng từ 5 năm trở lên”.
Báo cáo thị trường bất động sản tháng 4/2021 của Batdongsan.com.vn cho thấy, ở TP Hồ Chí Minh, nhu cầu thuê nhà riêng, nhà mặt phố trong đầu quý 2/2021 giảm 11-18%, nhu cầu thuê cửa hàng/kiot cũng giảm khoảng 25% so với tháng 3. Tương tự, ở Hà Nội, nhu cầu tìm thuê nhà riêng, nhà mặt phố giảm 14-25%, nhu cầu thuê cửa hàng/kiot giảm 23% so với cuối quý 1.
Nhiều cửa hàng đóng cửa do vắng khách.
Khảo sát tại Hà Nội, nhiều căn nhà phố trên những tuyến đường sầm uất cũng treo biển cho thuê. Chẳng hạn cửa hàng 30m2, mặt tiền 3,5 ở phố Chùa Bộc đăng tin cho thuê với giá chỉ 20 triệu đồng/tháng. Hay chủ căn nhà phố cho thuê trong ngõ Tôn Đức Thắng chia sẻ: “Tôi cho một công ty thuê tầng 1 và tầng 2 ngôi nhà mà tôi đang ở với giá thuê tầng 1 là 10 triệu, tầng 2 là 6 triệu. Lần bùng dịch thứ hai, tôi đồng ý giảm tổng giá thuê 2 tầng xuống còn 13 triệu. Nhưng đến lần bùng dịch này, phía công ty đó quyết định trả lại mặt bằng tầng 2, chỉ thuê tầng 1 với giá 8 triệu/tháng. Tôi đăng tin cho thuê tầng 2 với giá 6 triệu/tháng nhưng hiện vẫn chưa có khách thuê”.
Dù nhiều chủ nhà phố cắt giảm giá thuê để san sẻ khó khăn với các công ty nhưng bên cạnh đó vẫn có những chủ nhà kiên quyết giữ nguyên mức giá. Chẳng hạn, chủ một mặt bằng tại phố Nguyễn Lương Bằng kiên quyết giữ mức giá cho thuê là 70 triệu/tháng cho hay: “Hợp đồng thuê thường ký từ 5 năm trở lên. Việt Nam lại kiểm soát dịch tốt nên hoạt động kinh doanh sớm ổn định trở lại. Tôi thà để trống 1-2 tháng chứ không thương lượng hạ giá cho thuê”.
Tương tự, sở hữu 5 mặt bằng cho thuê hầu hết đều nằm ở những tuyến phố sầm uất tại Hà Nội, ông Gia Long cho biết hiện ông vẫn đang còn 1 mặt bằng chưa tìm được khách thuê và đã bỏ trống gần 1 tháng. Tuy nhiên, ông cho hay sẽ giữ nguyên giá cho thuê, nếu có chỉ thương lượng giảm thời hạn thuê trong hợp đồng. Theo ông, việc có những khách thuê vin vào cớ bùng dịch bệnh hoặc lý do nào đó để ép giá có thể tạo nên một tiền lệ xấu. Họ cho rằng vì dịch bệnh nếu không giảm giá thì sẽ rất dễ phải bỏ trống nên ép người cho thuê như ông phải giảm 20-30% giá, thậm chí hơn. Dù dịch bệnh là điều không mong muốn nhưng mỗi lần bùng dịch lại khiến ông Long liên tưởng đến việc nhiều người dù không phải khó khăn nhưng cố tình chờ đến đêm 30 Tết mới đi mua hoa để đòi mua giá rẻ, tuy nhiên những năm gần đây nhiều người buôn hoa thà đập bỏ hoa chứ không chịu hạ giá vì không muốn tạo thành thói quen cho người mua vào những năm sau.
Dưới góc độ người dân, một cư dân tại Time City cho biết, từ ngày chị dọn về đây ở được 3 năm, chưa bao giờ hơn 9 giờ tối từ ban công nhìn xuống phía dưới và các tuyến đường gần đó mà thấy đường đã vắng không còn bóng người, taxi đỗ thành hàng dài trước giờ trung tâm thương mại đóng cửa, đèn đường cũng tắt đi 2/3, hàng quán cũng đóng cửa hết. “Trước đây tôi cũng từng đi thuê mặt bằng kinh doanh nên tôi nghĩ việc yêu cầu tạm thời đóng cửa hàng quán không chỉ an toàn, đảm bảo chống dịch mà còn giúp giảm giá thuê nhà vốn đang quá cao”, chị chia sẻ.
Một số chuyên gia bất động sản cũng nhận định, một trong những lý do khiến thị trường cho thuê gặp khó khăn do dịch là bởi giá thuê đã liên tục tăng trong những năm qua. Nhóm chủ nhà không đồng ý giảm giá thuê thường thuộc nhóm nhà giàu và siêu giàu khi sở hữu nhiều mặt bằng cho thuê nên sẵn sàng chịu thất thu 1-2 căn.
Người thuê và người cho thuê dù đồng ý giảm giá hay không đều có lý lẽ riêng cho quyết định của mình. Về vấn đề này, trả lời báo chí cuối năm 2020, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, nếu chủ nhà có tâm lý “nhất quyết không chịu thiệt” thì bất động sản thương mại sẽ khó mà vực dậy được. Không giảm giá, không có người thuê thì chủ nhà sẽ phải chịu lỗ vì vẫn phải đóng thuế đất. Do đó, trong giai đoạn khó khăn, chủ nhà hạ giá thuê là một cách tự cứu lấy mình.