Môi giới bất động sản nản lòng vì nhiều tháng không có giao dịch
Với môi giới mới vào nghề hoặc hoạt động trong thời gian ngắn từ 1-2 năm thì hầu hết là rời bỏ thị trường, đổi nghề vì không thể kiên trì khi thị trường bất động sản trầm lắng với rất ít giao dịch, môi giới nhiều tháng không có thu nhập.
Môi giới BĐS nhiều tháng không có thu nhập
Đầu năm 2022, thị trường bất động sản “quay xe” hạ nhiệt sau những tháng liên tục “sốt” đất. Tiếp đó là các vướng mắc về pháp lý của các dự án bất động sản khiến nguồn cung khan hiếm, những vụ vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp bất động sản lớn bị xử lý khiến niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp của nhà đầu tư giảm sút. Tín dụng được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản trong năm 2022 trở nên trầm lắng.
Từ thời điểm tháng 3/2022 tới nay, nhiều môi giới bất động sản rơi vào tình cảnh không có giao dịch và một số sàn giao dịch chịu cảnh thua lỗ khi chi phí quảng cáo vẫn đổ ra nhưng không bán được hàng hoặc lượng hàng chốt được không đáng kể.
Chủ một sự án bất động sản có tiếng ở thành phố Thái Nguyên than thở: “Những tháng dịch giao dịch còn sôi động hơn thời điểm bây giờ, lượng hàng bán ra còn tốt dù việc đi lại có những hạn chế nhất định. Từ đầu năm 2022, thị trường chững lại một cách bất thường”.
Chị Nguyễn Minh, môi giới sàn giao dịch BĐS có tiếng ở Hà Nội cho biết, 4 tháng nay chị không có lương, vì công ty không có dự án mới để bán. Chị cũng tìm đủ phân khúc khác từ đất nền, thổ cư, ruộng để môi giới nhưng không có giao dịch.
Chị Minh cho biết, chị không thể ngờ rằng, chỉ mới hơn 4 tháng trước, cuộc sống của nhiều môi giới vẫn là: sáng uống cà phê cùng bạn bè, chiều thong thả tập gym, ban ngày sắp xếp lịch đi xem đất hoặc thăm dò thị trường để đầu tư.
Tháng 3/2022, chị Minh vẫn kỳ vọng vào sức nóng lên của thị trường khi mạnh tay góp tới gần 1 tỷ đồng vào thương vụ “săn đất” ở Bình Phước. Ngoài số vốn tự có, chị Minh còn cầm cố cuốn sổ hồng căn chung cư đang ở để vay vốn. Thế nhưng tất cả đều không như dự tính, song đất không xuất hiện, tất cả đều “án binh bất động”.
Anh N.N.T, một môi giới hơn 5 năm trong nghề và đi làm đủ loại dự án khác nhau cho biết, chưa bao giờ thị trường lại trầm lắng đến thế, dù thị trường khan hiếm nguồn hàng nhưng các phân khúc tính thanh khoản đều thấp.
Với những người bám trụ với thị trường thời điểm này hầu hết là môi giới lâu năm, có sự tích lũy cả kinh nghiệm lẫn tài chính, chờ đợi sự khôi phục của thị trường bất động sản. Với môi giới mới vào nghề hoặc hoạt động trong thời gian ngắn từ 1-2 năm thì hầu hết là rời bỏ thị trường, đổi nghề vì không thể kiên trì cũng như nhiều tháng không có thu nhập, N.N.T chia sẻ.
Sàn giao dịch đóng cửa, thanh lọc người
Theo Bộ Xây dựng, đầu năm 2022, hoạt động của thị trường đã dần trở lại bình thường, lượng khách hàng tìm kiếm và giao dịch cũng tăng hơn nhiều so với năm 2021. Tính đến hiện tại hầu hết các sàn giao dịch đã trở lại hoạt động, đồng thời có thêm nhiều sàn mới được thành lập, hoạt động; hiện có khoảng hơn 1.100 sàn giao dịch BĐS hoạt động.
Trong quý I và II, thị trường BĐS có hiện tượng tăng nhanh về giá và lượng giao dịch ở nhiều phân khúc BĐS tại nhiều địa phương trên cả nước, kéo theo sự phục hồi, hoạt động trở lại của các sàn giao dịch; thu hút số lượng lớn người tham gia môi giới, đặc biệt là môi giới tự do, giao dịch BĐS. Tuy nhiên, trong quý III, Bộ Xây dựng đánh giá thị trường có sự điều chỉnh, lượng giao dịch BĐS đã giảm so với đầu năm, dẫn đến quy mô của các sàn giao dịch BĐS giảm, số lượng BĐS được môi giới cũng giảm theo.
Đánh giá về đội ngũ môi giới, ông Trần Đức Diễn, Chủ tịch HĐQT MaxLand, cho biết, gia nhập nghề có vẻ dễ dàng, tuy nhiên thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, thậm chí không có tư duy môi giới nên nhân sự trong nghề biến động liên tục.
Luôn có người mới vào nghề, và cũng có rất nhiều người phải bỏ nghề, luôn có nhân sự di chuyển từ đơn vị này qua đơn vị khác, từ dự án này qua dự án khác. Ngành môi giới bất động sản đang rất khát nhân sự khi sàn nào cũng tuyển số lượng cực lớn.
Theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 300.000 môi giới bất động sản đang hoạt động. Tuy nhiên, số lượng môi giới được cấp chứng chỉ hành nghề rất khiêm tốn, đạt khoảng 35.000 người. Đại bộ phận các nhà môi giới hiện chỉ được đào tạo ngắn hạn về chính sách bán hàng của dự án bất động sản, thiếu chuyên nghiệp và chưa mang tính dài lâu.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, thời kỳ thị trường bất động sản sôi động, đặc biệt giai đoạn “sốt” đất đã chứng kiến sự bùng nổ nhân sự của nghề này. Mức hoa hồng khủng của mỗi giao dịch thành công khiến nghề môi giới bất động sản có sức hút riêng. Việc kiếm tiền có phần dễ dàng nên nhân sự của rất nhiều ngành nghề khác cũng tham gia làm môi giới bất động sản. Nhân sự ngành môi giới tăng nhanh và nhiều cũng không hẳn là tốt, thiếu đi tính chuyên nghiệp và không qua những khóa đào tạo bài bản.
“Khi thị trường trầm lắng, khó khăn, ngành bất động sản có biến động lớn thì một bộ phận môi giới không trụ được nghỉ việc, bỏ nghề. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để ngành môi giới bất động sản thanh lọc nhân sự, các đơn vị tuyển dụng có những kế hoạch dài hơi, bài bản hơn.
Trên thực tế, sự bùng nổ nhân sự - môi giới bất động sản đi cùng với quy trình tuyển dụng dễ dãi ở một số đơn vị thời gian qua. Điều này khiến ngành môi giới bất động sản thiếu đi tính chuyên nghiệp, các môi giới thiếu kiến thức và thiếu kỹ năng. Đợt thanh lọc này sẽ giữ được bộ phận chuyên nghiệp, cũng là bộ phận giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững”, ông Nguyễn Văn Đính nói.