Thị trường vốn ảm đạm, doanh nghiệp lo ngại đủ đường
(CL&CS)-Trước thông tin các ngân hàng siết tín dụng do cạn room, nhiều doanh nghiệp quy mô lớn hay nhỏ đều chung tâm trạng “đứng ngồi không yên”.
Mặc dù thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng cơ quan này chưa ra quyết định siết tín dụng, vẫn cho vay vốn bình thường. Tuy nhiên, trên thực tế các doanh nghiệp vẫn đang đối diện với nguy cơ “khát” vốn đầu tư.
Tắc nghẽn các kênh vốn đầu tư từ yếu tố tâm lý
Các doanh nghiệp hiện sở hữu 4 kênh huy động vốn bao gồm từ khách hàng, trái phiếu - cổ phiếu, quỹ đầu tư (trong và ngoài nước) và tín dụng từ ngân hàng. Tuy nhiên, các kênh này đều đang trong tình trạng tắc nghẽn. Nhiều nhà đầu tư cho rằng với thông tin các ngân hàng đồng loạt siết tín dụng khiến tâm lý khách hàng trở nên e dè hơn khi quyết định rót vốn vào các dự án của doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phân khúc căn hộ và đất nền, mỗi năm đều đảm bảo nguồn cung lên đến hàng ngàn sản phẩm các loại, tuy nhiên hiện tại các dự án đầu tư này đều bị đình trệ và gặp khó khăn về vốn. Điều cần thiết cho các doanh nghiệp lúc này nhằm tháo gỡ những điểm vướng về vốn chính là một khung pháp lý hoàn chỉnh.
Bởi không thể tạo được niềm tin cho nhà đầu tư nếu không hoàn thiện phần nền móng và hồ sơ pháp lý rõ ràng minh bạch. Vì thế, tín dụng ngân hàng chính là một trong những kênh huy động vốn đầu tiên, tạo tiền đề để kêu gọi vốn từ các kênh còn lại.
“Tôi làm hồ sơ vay ngân hàng từ 3 – 4 năm nay, hiện nay chúng tôi có khoản vay hơn 2.000 tỉ đồng đang chờ ngân hàng giải ngân. Nhưng các ngân hàng từ tháng 3 đến nay bảo “hết room” nên chưa chịu giải ngân và cho biết từ tháng 6 sẽ giải ngân lại với mức độ hạn chế. Một số ngân hàng ngưng giải ngân cho khách hàng mua nhà hình thành trong tương lai.”, đại diện một doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản cho biết.
Doanh nghiệp hoang mang giữa nhiều luồng thông tin
Nhiều ngân hàng cho rằng họ vẫn duy trì hoạt động cho vay, chưa áp dụng biện pháp kiểm soát tín dụng, tuy nhiên thực tế lại cho thấy không ít doanh nghiệp hoang mang giữa một rừng thông tin trên mặt báo với khi giao dịch tại ngân hàng.
Về vấn đề này, đại diện một doanh nghiệp chia sẻ: “Tôi đi gặp các ngân hàng, mỗi ngân hàng nói một kiểu nên doanh nghiệp rất là rối. Doanh nghiệp sống sót vượt qua tâm dịch Covid-19 đã là rất may mắn kinh khủng rồi. Nhưng thông tin vay vốn từ ngân hàng làm chúng tôi rất bất an. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm doanh nghiệp bất động sản rất cần nguồn vốn từ ngân hàng.”.
Chia sẻ về một số quan điểm cho rằng NHNN đang siết tín dụng bất động sản, Phó Thống đốc khẳng định NHNN chưa bao giờ nói "siết chặt tín dụng bất động sản, chứng khoán”, quan điểm điều hành xuyên suốt của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ là kiểm soát chặt chẽ tín dụng và lĩnh vực rủi ro, trong đó có một số phân khúc thuộc lĩnh vực bất động sản, chứng khoán mang tính đầu cơ, phân khúc cao như resort, nghỉ dưỡng, còn nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp - là những hàng hoá cần thiết thì vẫn khuyến khích và tăng trưởng cao.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng cảnh báo, có kiểm soát chặt nhưng cũng chỉ là ở một số Ngân hàng Thương mại (NHTM) cổ phần, từ nay tới cuối năm NHNN sẽ có đợt kiểm tra, rà soát hoạt động cho vay vào các lĩnh vực rủi ro ở một số NHTM cổ phần nhỏ.
Các doanh nghiệp vẫn đang mong chờ những tín hiệu khởi sắc liên quan đến tín dụng giúp tháo gỡ các ách tắc trong việc kêu gọi vốn từ các kênh còn lại. Khi ban hành thể thống nhất một hành lang pháp lý chặt chẽ về tín dụng bất động sản để doanh nghiệp sẽ “dễ thở” hơn về vốn. Ngành ngân hàng cần sớm đẩy mạnh việc nới room tín dụng nhằm tạo đà phục hồi kinh tế nhanh chóng cho hầu hết các doanh nghiệp.
Để thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ, Phó Thống đốc yêu cầu các NHTM quán triệt 4 điểm:
Một là thực hiện trên tinh thần khẩn trương, tích cực, quyết liệt ngay từ hôm nay (Nghị định 31 có hiệu lực từ 20/5).
Thứ 2 là triển khai phải đảm bảo hiệu quả, đúng quy định, đến đúng đối tượng, công khai, minh bạch, rõ ràng; tránh trục lợi, rủi ro cho cả ngân hàng và khách hàng. Nếu giám sát thấy sử dụng sai mục đích, ngân hàng phải thu lại được.
Thứ 3 là hoạt động tín dụng đảm bảo tổ chức hoạt động bình thường, cho vay đảm bảo hài hoà, hợp lý trên tinh thần cơ cấu lại các khoản vay.
Thứ 4 là cần tạo sự đồng tình, ủng hộ của các cấp chính quyền, người dân, đặc biệt doanh nghiệp được thụ hưởng. Đối tượng đã được quy định tại Nghị quyết của Quốc hội đến Nghị định của Chính phủ. Ngân hàng không được từ chối, trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Có hiện tương đối tượng được hưởng ưu đãi mà không cho vay, NHNN sẽ thanh tra, giám sát.