Thu hồi khu 'đất vàng' hơn 6.000 m2 làm xấu trung tâm TP.HCM
Sau nhiều năm nhếch nhác, làm xấu bộ mặt TP.HCM, chính quyền TP này đã quyết định thu hồi khu ‘đất vàng’ số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh.
Thu hồi dự án khống dính lùm xùm
UBND phường Bến Nghé (Quận 1, TP.HCM) vừa có thông báo niêm yết công khai quyết định thu hồi đất tại số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh. Động thái này được thực hiện theo Quyết định số 2834 ngày 23/8/2022 của UBND TP.HCM.
"UBND phường Bến Nghé thực hiện giao quyết định của UBND TP.HCM về việc thu hồi đất tại số 33 đường Nguyễn Du, số 34 - 36 - 42 đường Chu Mạnh Trinh đối với Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Xây dựng Việt Hân Sài Gòn. Tại thời điểm giao Quyết định Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Xây dựng Việt Hân Sài Gòn vắng mặt. Nay, UBND phường Bến Nghé niêm yết công khai nội dung quyết định theo quy định", thông báo nêu rõ.
Theo quyết định số 2834, UBND TP.HCM quyết định thu hồi 6.274,5m2 đất tại địa chỉ số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh do Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Xây dựng Việt Hân Sài Gòn (Công ty Việt Hân Sài Gòn) nhận chuyển nhượng từ Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2).
Lý do thu hồi đất là thực hiện theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận số 2099 ngày 2/12/2020 gửi Thủ tướng để báo cáo kết quả kiểm tra thông tin báo chí phản ánh về sai phạm tại dự án bất động sản số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh và việc khiếu nại của các hộ dân liên quan đến dự án.
Theo cơ quan thanh tra, năm 2010, sau khi được TP.HCM giao 4 cơ sở nhà đất nêu trên, Vinafood 2 (100% vốn nhà nước) đã liên kết, góp vốn với Công ty TNHH quảng cáo, xây dựng, địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) thành lập Công ty Việt Hân Sài Gòn để thực hiện dự án xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại trên khu đất hơn 6.200m2 được TP.HCM giao theo dạng nộp tiền sử dụng đất một lần.
Quá trình Vinafood 2 và Công ty Việt Hân chuyển nhượng đất đai, thoái vốn có nguy cơ gây thất thoát tài sản nhà nước. Đáng chú ý, trong quá trình hợp tác với nhà đầu tư tư nhân, chuyển đổi đất công thành đất tư, Vinafood 2 đã bốn lần cố ý làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, Công ty Việt Hân Sài Gòn đã lợi dụng Giấy kèm chứng thư xác định trị giá tài sản đảm bảo hơn 7.000 tỷ đồng để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ cùng một lúc cho 7 công ty khác hơn 6.000 tỷ đồng bằng cách lập dự án khống.
7 công ty này gồm: Công ty Cổ phần Bạch Minh Long, Công ty Cổ phần Supreme Power, Công ty Cổ phần Đầu tư Thuận Nha, Công ty Cổ phần Clover Peak, Công ty Cổ phần Đầu tư Thanh Man, Công ty Cổ phần Đầu tư Song Phú.
Ngân hàng SCB giải ngân dự án khống hơn 6.000 tỷ đồng
Thanh tra Chính phủ kết luận, Công ty Việt Hân Sài Gòn đã lập dự án khống và sử dụng giấy CNQSDĐ 4 cơ sở nhà, đất trên để vay tiền của các tổ chức tín dụng, trong đó có khoản tiền 6.308 tỷ đồng vay của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ngân hàng SCB) là vi phạm pháp luật, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.
Cụ thể, bà Trương Thị Cẩm Giang – Chủ tịch HĐTV, đại diện pháp luật Công ty Việt Hân Sài Gòn ký hợp đồng thế chấp tài sản với Ngân hàng SCB - chi nhánh Phạm Ngọc Thạch (Văn phòng đăng kí đất đai thành phố không thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo) bằng giấy CNQSDĐ của 4 cơ sở nhà này. Tổng trị giá tài sản đảm bảo theo chứng thư thẩm định giá lần 1 (Công ty cổ phần thẩm định giá BTCVALUE xác định tổng giá trị 4 cơ sở nhà đất này thuộc Dự án The Goldmark Premium Tower do Công ty Việt Hân Sài Gòn làm chủ đầu tư) là hơn 7.251 tỷ đồng, để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho 9 hồ sơ khách hàng vay ngắn hạn.
Mục đích sử dụng vốn vay là bổ sung vốn để thực hiện thi công dự án The Goldmark Premium Tower giai đoạn 1. Ngân hàng SCB - chi nhánh Phạm Ngọc Thạch đã thực hiện giải ngân hơn 5.801 tỷ đồng.
Lần thứ 2, bà Trương Thị Cầm Giang tiếp tục ký hợp đồng thế chấp tài sản với Ngân hàng SCB - chi nhánh Củ Chi (Văn phòng đăng kí đất đai thành phố không thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo) bằng giấy CNQSDĐ của 4 cơ sở nhà. Tổng trị giá tài sản đảm bảo theo chứng thư thẩm định giá lần 1 cũng là hơn 7.251 tỷ đồng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho 7 hồ sơ khách hàng vay ngắn hạn, với mục đích sử dụng vốn vay như lần trước để thực hiện dự án… Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch đã giải ngân 5.371 tỷ đồng
Lần thứ 3, bà Trương Thị Cẩm Giang ký hợp đồng thế chấp tài sản với Ngân hàng SCB - chi nhánh Phạm Ngọc Thạch (Văn phòng đăng kí đất đai thành phố không thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo) bằng giấy CNQSDĐ của 4 cơ sở nhà. Giá trị đảm bảo theo chứng thư thẩm định giá lần 2 là hơn 7.251 tỷ đồng để đảm bảo nghĩa vụ trả cho 7 hồ sơ khách hàng vay ngắn hạn, với mục đích sử dụng vốn vay như lần 1, lần 2. Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch giải ngân 6.308 tỷ đồng.
Theo báo cáo giải trình của Ngân hàng SCB có văn bản số 76/BC-SCB-TGĐ.19.m ngày 9/5/2019, thì tổng dư nợ cho 7 công ty vay liên quan đến giấy CNQSDĐ này. Ngân hàng SCB - chi nhánh Phạm Ngọc Thạch đã giải ngân trong một ngày 29/8/2018 cho 7 công ty là 6.308 tỷ đồng. (Trong cùng 1 ngày 28/11/2018, ký tại Phòng công chứng số 7 hợp đồng thế chấp có cùng nội dung, chỉ thay đổi số hợp đồng thế chấp cùng tài sản thế chấp là giấy CNQSDĐ này có giá trị tài sản đảm bảo là hơn 7.251 tỷ đồng).
Sau khi có đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, đến tháng 4/2019, 7 công ty này đã chủ động đề nghị dùng tài sản khác (gồm giá trị bất động sản tại Dự án khu dân cư lô 9A2-Khu 9A+B, Khu chức năng số 9 Đô thị mới Nam TP của chủ tài sản đảm bảo là Công ty CP đầu tư và phát triển BĐS Việt Liên Á) để thay thế cho tài sản đảm bảo này.