Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công Vành đai 3 TP. HCM vào ngày 18/6
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM vừa thông tin về Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. HCM.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM, vào 8 giờ sáng 18/6, Bộ Giao thông vận tải phối hợp cùng TP. HCM và các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk tổ chức Lễ khởi công đồng thời 3 dự án: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.
Địa điểm khởi công dự án vành đai 3 TP. HCM là tại đường số 9A, phường Long Bình, TP. Thủ Đức.
Buổi lễ sẽ được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính TP. HCM với các điểm cầu tại tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại điểm cầu chính TP. HCM, dự kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì cùng sự tham dự của lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương lân cận; các sở, ban ngành của thành phố.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM, thách thức thành phố phải đối mặt sau khởi công, đó là phải tổ chức thi công đồng loạt trên 4 địa phương của thành phố (Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Thủ Đức) đảm bảo chất lượng tiến độ, yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân.
Thách thức thứ 2 là phải đảm bảo đủ vật liệu; thứ 3 là về giải phóng mặt bằng khi phải hoàn tất 100% mặt bằng trước 31/12.
Thách thức cuối cùng là TP. HCM với vai trò điều phối phải đồng hành, phối hợp Bình Dương, Long An và cùng nhau hoàn thành, chuẩn bị cho công tác tiếp theo.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. HCM có tổng chiều dài 76,3 km, đi qua 4 địa phương: TP. HCM (47,35 km), các tỉnh Đồng Nai (11,26 km), Bình Dương (10,76 km), Long An (6,81 km).
Tổng mức đầu tư dự án là 75.378 tỷ đồng; thực hiện dự án năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Đối với dự án thành phần trên địa bàn TP. HCM, đã giải phóng mặt bằng 356 ha/410 ha (đạt khoảng 87%), trong đó TP. Thủ Đức đã thu hồi 72,8 ha/99,8 ha (đạt khoảng 73%); huyện Củ Chi đã thu hồi 54,2 ha/65,3 ha (đạt khoảng 83%); huyện Hóc Môn đã thu hồi 94,0 ha/98,9 ha (đạt khoảng 95%); huyện Bình Chánh đã thu hồi 134,3 ha/145,9 ha (đạt khoảng 92%).