Tin bất động sản hôm nay 28/6: Đấu giá hơn 320 ha đất 'vàng' ở Đồng Nai

Đấu giá hơn 320 ha đất ‘vàng’ ở TP Biên Hòa; Quảng Nam tiếp tục ‘gỡ vướng’ cho dự án khu nghỉ dưỡng 4 tỷ USD; Sở Xây dựng Quảng Ngãi đề xuất hủy bỏ 3 dự án Khu đô thị; Đề xuất chi hơn 23.500 tỷ đồng làm cao tốc Bắc Nam qua Phú Yên và Khánh Hòa;…là những thông tin đáng chú ý.

Đấu giá hơn 320 ha đất ‘vàng’ ở TP Biên Hòa (Đồng Nai)

UBND tỉnh Đồng Nai vừa đề xuất đấu giá đất nhằm chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, hoạt động của KCN này gây rất nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường đối với sông Đồng Nai. Để xử lý nguy cơ này, ngay từ năm 2008, Đồng Nai đã đề xuất lên Chính phủ thực hiện chuyển đổi công năng của KCN Biên Hòa 1. Một năm sau đó, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị – thương mại – dịch vụ.

Gấp rút thực hiện đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1.  
Gấp rút thực hiện đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1.  

Sau khi có chủ trương đồng ý của Chính phủ, tỉnh gấp rút thực hiện đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị – thương mại – dịch vụ Biên Hòa 1. Tuy nhiên, việc chuyển đổi vấp phải không ít khó khăn.

Trước thực tế này, để đẩy nhanh tiến độ, tỉnh Đồng Nai đã đặt mục tiêu phải hoàn thành vào cuối năm 2025 và giao các cơ quan chức năng nhanh chóng nghiên cứu, đề xuất hình thức đầu tư dự án.

Theo đó, đã có 3 phương án thực hiện đầu tư dự án được đề xuất xem xét lựa chọn. Phương án 1 là đấu giá quyền sử dụng đất; phương án 2, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất cho toàn bộ diện tích đất KCN Biên Hòa; phương án 3, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất cho toàn bộ diện tích đất KCN Biên Hòa 1 sau khi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất các khu đất sạch.

Theo ông Trương Vĩnh Hiệp, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Biên Hòa hiện nay, diện tích của KCN Biên Hòa 1 sẽ được chuyển đổi công năng là hơn 320 ha. Diện tích này sẽ được phân chia làm 2 khu vực, trong đó khu vực thực hiện dự án khu đô thị – thương mại – dịch vụ có diện tích hơn 283 ha. Tuy nhiên, để thực hiện phương án trên, tỉnh sẽ phải bố trí nguồn ngân sách rất lớn để bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch.

Quảng Nam tiếp tục ‘gỡ vướng’ cho dự án khu nghỉ dưỡng 4 tỷ USD

Ông Nguyễn Hồng Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa chủ trì cuộc họp nghe báo cáo kết quả thực hiện các hồ sơ pháp lý liên quan và xây dựng, thẩm định, trình phê duyệt phương án giá đất cụ thể các khu tái định cư (TĐC) đầu tư theo Luật Nhà ở phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An.

Theo đó, do công tác bồi thường, hỗ trợ TĐC dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (thuộc địa phận 2 xã Duy Hải, Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên và xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) kéo dài qua nhiều năm nên cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ TĐC thay đổi. Từ đó, nhiều tồn tại, vướng mắc phát sinh nên đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án.

Trước tình hình trên, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu các ngành, địa phương, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kỳ Hà – Chu Lai Quảng Nam (viết tắt Công ty Kỳ Hà Chu Lai, đơn vị thực hiện công tác GPMB dự án) cần tập trung quyết liệt xử lý hoặc tham mưu cấp thẩm quyền kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hồ sơ pháp lý, triển khai bố trí TĐC và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân di dời do bị ảnh hưởng dự án.

Tính đến cuối năm 2020, tổng diện tích đã thực hiện xong công tác bồi thường GPMB là 481,64ha. Diện tích đất bàn giao cho nhà đầu tư: 389,74ha. Diện tích đã bồi thường GPMB nhưng chưa bàn giao: 91,90ha.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2021, công tác bồi thường GPMB Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An và đầu tư xây dựng các khu TĐC phải tạm dừng bởi nhà đầu tư không bố trí vốn để chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân của các phương án bồi thường, hỗ trợ và TĐC đã được UBND các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên phê duyệt trong năm 2020.

Sở Xây dựng Quảng Ngãi đề xuất hủy bỏ 3 dự án Khu đô thị

Sở Xây dựng Quảng Ngãi vừa gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi tờ trình số 43 44 45/TTr-SXD về việc hủy bỏ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị Thương mại – Dịch vụ Nghĩa Dõng (Tp.Quảng Ngãi), Khu đô thị bờ Nam sông Trà Khúc (Tp.Quảng Ngãi) và Khu đô thị mới Nam Trường Chinh (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi).

Theo tờ trình, nguyên nhân của việc hủy bỏ 3 dự án trên là do chủ đầu tư CTCP KĐT Nam Trường Chinh, CTCP Đầu tư – Kinh doanh Bất động sản Trần Việt, Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5-CTCP (Cienco5) tự nguyện chấm dứt hoạt động đầu tư.

Dự án KĐT Thương mại – Dịch vụ Nghĩa Dõng được UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 8/2018, tổng mức đầu tư của dự án trên 241 tỷ đồng với diện tích gần 69.000m2.

Dự án KĐT bờ Nam sông Trà Khúc được UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 05/2018, tổng mức đầu tư hơn 218 tỷ đồng với diện tích sử dụng đất 80.000m2, tổng số lô đất ở là 324 lô.

Tin bất động sản hôm nay 28/6: Đấu giá hơn 320 ha đất 'vàng' ở Đồng Nai - Ảnh 1

Dự án KĐT mới Nam Trường Chinh được UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận chủ trương đầu năm 2018 với quy mô gần 440.000m2. Tháng 6/2021, CTCP KĐT Nam Trường Chinh chấm dứt hoạt động dự án này do dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến dự án chậm tiến độ đã được phê duyệt, sau đó tháng 8/2021, CTCP KĐT Nam Trường Chinh đề xuất đầu tư trở lại.

Đấu thầu tìm nhà đầu tư khu đô thị phía Tây Nam TP Bắc Giang hơn 7.100 tỷ đồng

Phòng Quản lý đô thị TP Bắc Giang vừa có thông báo phát hành hồ sơ mời thầu dự án Khu đô thị phía Tây Nam, TP Bắc Giang.

Thời gian phát hành hồ sơ từ nay đến ngày 23/8, thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Địa điểm bán hồ sơ miễn phí tại Phòng Quản lý đô thị, trụ sở UBND TP Bắc Giang, số 01, đường Lê Thánh Tông, TP Bắc Giang.

Dự án Khu đô thị phía Tây Nam có diện tích 49,5 ha được thực hiện tại phường Mỹ Độ, xã Tân Mỹ, TP Bắc Giang. Tổng chi phí thực hiện dự án là hơn 7.106 tỷ đồng.

Cuối năm 2021, UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án Khu đô thị phía Tây Nam. Ranh giới được xác định phía bắc giáp Khu dân cư hiện trạng Tổ dân phố số 4, phường Mỹ Độ, thành phố Bắc Giang; phía nam giáp đường Bà Triệu (đường trục chính khu đô thị Tây Nam); phía đông giáp Khu đô thị mới phường Mỹ Độ, thành phố Bắc Giang; phía Tty giáp đường trục chính Khu đô thị phía Tây Nam thành phố (đường 48 m).

Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 67,8 ha, dân số khoảng 10.000 người. Như vậy, so với thông báo phát hành hồ sơ mời thầu, diện tích dự án bị giảm hơn 18 ha. Khu đô thị phía Tây Nam có tính chất là khu đô thị mới, được xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hiện đại.

Quảng Ninh thúc tiến độ xây dựng hạ tầng hai KCN gần 1.700 ha trong KKT ven biển Quảng Yên

Theo Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh, trước thực trạng hai Khu công nghiệp Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong thuộc Khu kinh tế ven biển Quảng Yên chậm trễ trong thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Tổ công tác đôn đốc tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng, hỗ trợ thu hút đầu tư vào địa bàn hai khu công nghiệp này.

Khu công nghiệp Nam Tiền Phong được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu vào tháng 12/2014 và thay đổi lần thứ hai tháng 12/2020. Tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư 2.687 tỷ đồng, do CTCP Khu công nghiệp Tiền Phong làm chủ đầu tư.

Dự án được quy hoạch trên diện tích 487,4 ha, trong đó đất công nghiệp là 317,2 ha. Sau 8 năm được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đến nay chủ đầu tư cùng với chính quyền thị xã Quảng Yên đã thực hiện giải phóng mặt bằng được hơn 340 ha thuộc địa giới hành chính của tỉnh Quảng Ninh, phần còn lại dự kiến sẽ hoàn thành trong quý II/2022.

Mặc dù diện tích đã giải phóng mặt bằng tương đối lớn, tuy nhiên diện tích đã hoàn thành san lấp mặt bằng mới chỉ đạt trên 50 ha và đầu tư được rất ít hạng mục hạ tầng kỹ thuật trong khu công nghiệp.

Đến nay số lượng dự án thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Nam Tiền Phong chỉ có ba dự án ký thỏa thuận nguyên tắc, với diện tích sử dụng đất đăng ký 36,8 ha, vốn đầu tư khoảng 3.935 tỷ đồng.

Tương tự, tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong do CTCP Khu công nghiệp Nam Tiền Phong làm chủ đầu tư dù đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ tháng 9/2016, thay đổi lần thứ ba vào cuối năm 2020 nhưng đến nay tỷ lệ san lấp mặt bằng, thu hút các dự án thứ cấp rất hạn chế.

Khu công nghiệp có diện tích quy hoạch khoảng 1.193 ha, hiện đã có gần 400 ha được giải phóng mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư, tuy nhiên mới chỉ có 100 ha được chủ đầu tư thực hiện san lấp mặt bằng.

Đề xuất chi hơn 23.500 tỷ đồng làm cao tốc Bắc Nam qua Phú Yên và Khánh Hòa

Ban quản lý dự án 7 vừa trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi 2 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 gồm Chí Thạnh – Vân Phong và Vân Phong – Nha Trang.

Theo đề xuất, dự án thành phần Chí Thạnh – Vân Phong có chiều dài tuyến chính khoảng 47 km và phạm vi nút giao cuối tuyến kết nối quốc lộ 1 khoảng hơn 1 km.

Dự án đi qua 5 huyện, thị xã và thành phố của tỉnh Phú Yên là Tuy An, Tuy Hòa, Phù Hòa, Tây Hòa và Đông Hòa.

Đối với dự án thành phần Vân Phong – Nha Trang, theo đề xuất, công trình có tổng chiều dài 84 km, đi qua 4 huyện thị, thành phố của tỉnh Khánh Hòa là Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, Diên Khánh.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án thành phần Chí Thạnh – Vân Phong ước tính hơn 11.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng, thiết bị hơn 8.000 tỷ đồng; Chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là hơn 1.268 tỷ đồng.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án thành phần Vân Phong – Nha Trang dự kiến hơn 12.500 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng khoảng hơn 8.300 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng hơn 2.300 tỷ đồng.

Hai đoạn thành phần Chí Thạnh – Vân Phong và Vân Phong – Nha Trang thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường tháng 1 vừa qua, hiện nay đã triển khai lập dự án đầu tư, kiểm đếm, cắm mốc chỉ giới, lập phương án đền bù.

Toàn bộ 729 km giai đoạn 2 sẽ được khởi công vào cuối năm 2022, phấn đấu hoàn thành vào năm 2025, thông toàn bộ tuyến cao tốc Bắc Nam vào năm 2025 với tổng chiều dài 2063 km từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Minh Thu (T/H)

Theo Kinh doanh & Phát triển