Tin bất động sản hôm nay ngày 22/8: Dự án nghìn tỷ của Tập đoàn Alphanam tại Yên Bái có nguy cơ bị thu hồi?
Dự án nghìn tỷ của Tập đoàn Alphanam tại Yên Bái có nguy cơ bị thu hồi; Đà Nẵng tìm nhà đầu tư dự án hơn 2.200 tỷ đồng; Lượng quan tâm chung cư tại Hà Nội tăng trong 7 tháng đầu năm 2022; TPHCM đền bù gần 1 tỷ đồng/m2 khi thu hồi đất; Quảng Ngãi sẽ thu hồi những dự án chậm tiến độ, không đưa đất vào sử dụng là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 22/8.
Yên Bái: Dự án nghìn tỷ của Tập đoàn Alphanam chậm tiến độ nhiều năm, có nguy cơ bị thu hồi?
Theo thông tin từ Báo Xây dựng, đến thời điểm hiện tại, sau hơn 3 năm được cấp Quyết định chủ trương đầu tư, dự án khu công viên văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà của Tập đoàn Alphanam vẫn chưa được triển khai xây dựng bất kỳ hạng mục nào, chậm rất nhiều so với tiến độ tỉnh Yên Bái giao.
Được biết, dự án có tổng mức đầu tư lên tới gần 5.000 tỷ đồng, diện tích 2.594ha. Dự án bao gồm các hạng mục chính như khu resort nghỉ dưỡng; tổ hợp thương mại dịch vụ; khu khách sạn; khu vui chơi giải trí, thể thao; khu công viên, làng văn hóa...
Ngay sau khi được cấp quyết định chủ trương đầu tư, chủ đầu tư chưa bắt tay vào thực hiện ngay. Đến khi bắt đầu triển khai thì gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Đối với diện tích 630,79ha của giai đoạn 1, huyện Yên Bình đã thực hiện xong việc kiểm kê về đất đai, tài sản, vật kiến trúc và cây cối hoa màu trên đất cho 69 hộ gia đình, cá nhân nằm trong phạm vi thu hồi đất để thực hiện dự án. Tuy nhiên, do đa số các hộ chưa đồng thuận với phương án bồi thường và hỗ trợ tái định cư nên công tác thu hồi đất, giải phòng mặt bằng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Không chỉ vậy, dự án còn phải đối mặt với trở ngại rất lớn về cơ chế, chính sách. Cụ thể, dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư năm 2019. Thời điểm đó, đối với dạng dự án công viên văn hóa như đã nêu, nhà đầu tư có thể xin chủ trương để UBND tỉnh phê duyệt và giao đất cho nhà đầu tư. Nhưng ngày 18/12/2020, Nghị định số 148/2000/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai được ban hành (cụ thể là điều 14b), cùng với Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, thì những dự án có đất là đất ở, đất thương mại dịch vụ bắt buộc phải lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức đấu thầu, đấu giá chứ không chấp thuận cho nhà đầu tư nữa.
Hiện UBND tỉnh Yên Bái đang rà soát, nghiên cứu, xem xét và có thể sẽ điều chỉnh chủ trương này. Với thực trạng tiến độ chậm trễ như hiện nay, dự án của Tập đoàn Alphanam không nằm ngoài nguy cơ bị thu hồi, để lựa chọn lại nhà đầu tư.
Đà Nẵng tìm nhà đầu tư dự án hơn 2.200 tỷ đồng
Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng vừa phát đi thông báo mời các nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Hòa Cầm (giai đoạn 2).
Theo đó, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Hòa Cầm (giai đoạn 2) có quy mô đầu tư khoảng 120 ha.
Dự án có mục tiêu đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Hòa Cầm (giai đoạn 2), với địa điểm thực hiện tại phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ và xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng.
Theo Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án khoảng 2.246 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án là 50 năm kể từ ngày quyết định cho thuê đất.
Cũng theo thông báo của Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, dự án sẽ có tiến độ thực hiện trong 36 tháng, kể từ ngày bàn giao đất.
Nhà đầu tư có nhu cầu đăng ký thực hiện dự án thì nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án về Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, chậm nhất trước 17h ngày 30/9/2022.
Trước đó, ngày 18/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 363/QĐ-TTg về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Hòa Cầm - giai đoạn 2.
Hà Nội: Lượng quan tâm chung cư tăng trong 7 tháng đầu năm 2022
Số liệu từ Batdongsan.com.vn cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay, mức độ quan tâm bất động sản - yếu tố thể hiện nhu cầu tại nhiều tỉnh thành như Bắc Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương đều giảm. Tuy nhiên, lượng tin đăng - yếu tố phản ánh nguồn cung lại tăng so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, Long An và Khánh Hòa là 2 địa phương có mức độ quan tâm cũng như lượng tin đăng bất động sản đều tăng. Cụ thể, mức độ quan tâm và lượng tin đăng bất động sản của Long An tăng lần lượt 11% và 66%. Chỉ số này của Khánh Hòa lần lượt là 17% và 56%.
Tại thị trường Hà Nội, mức độ quan tâm bất động sản 7 tháng đầu năm 2022 gần như không có sự thay đổi, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng tin đăng bất động sản tăng 11%. Phân khúc bất động sản duy nhất tại Hà Nội có mức độ quan tâm tăng là chung cư. So với cùng kỳ năm 2021, lượng quan tâm các phân khúc cao cấp, trung cấp, bình dân lần lượt tăng 2%, 9% và 3%.
Trong khi đó, các phân khúc đất, đất nền dự án, biệt thự liền kề, nhà riêng đều ghi nhận lượt tìm kiếm giảm từ 5 - 32% so với cùng kỳ năm 2021. Về mặt bằng giá rao bán căn hộ, so với cùng kỳ năm trước, mặt bằng giá rao bán căn hộ tại Hà nội tăng từ 6 - 13%, tại TP.HCM tăng từ 4 - 8%.
Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, ông Nguyễn Quốc Anh nhìn nhận, Hà Nội đang làm tốt về quy hoạch hạ tầng và đẩy mạnh các tuyến đường giao thông. Hà Nội đã sẵn sàng đón các luồng đầu tư, trong đó có đầu tư bất động sản.
Giao dịch đất nền và thổ cư đang diễn biến khá chậm, nguồn cung hạn chế và chưa có dấu hiệu gia tăng rõ trong thời gian tới. Thanh khoản của đất nền và nhà thổ cư phụ thuộc nhiều vào chính sách nới tín dụng của Nhà nước. Khi tháo gỡ được nút thắt tín dụng, thị trường sẽ có cơ hội để chuyển đổi từ giai đoạn chờ đợi sang hành động.
TP HCM đền bù gần cao nhất hơn 800 triệu đồng/m2 đất khi thu hồi đất
UBND TP HCM vừa ban hành quyết định số 28/QĐ-UBND về việc quy định hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, lấy ý kiến của người dân có đất bị thu hồi trên địa bàn trong năm 2022.
Theo đó, đất ở TP.Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè có hệ số điều chỉnh giá đất cao nhất, gấp 15 lần bảng giá đất hiện hành của Nhà nước.
Tất cả các quận huyện trên địa bàn đều có hệ số điều chỉnh giá tăng 2-15 lần, trong khi đất nông nghiệp có mức tăng từ 5-35 lần, theo bảng giá mới được TP HCM công bố. Các vị trí, đơn giá đất các vị trí đất nông nghiệp được áp dụng theo quy định về Bảng giá đất trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2020-2024. Các quận 1, 3, 4, 5, 6, 10 và 11 có hệ số giá đất nông nghiệp cao nhất.
Về đất phi nông nghiệp, hệ số điều chỉnh giá đất sản xuất, kinh doanh không phải là đất thương mại, dịch vụ; đất sử dụng vào các mục đích công cộng có mục đích kinh doanh; đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp được bằng 60% giá đất ở liền kề.
Đối với đất ở không phải là đất ở thương mại, dịch vụ được tính bằng 80% giá đất ở liền kề. Còn đất nghĩa trang, nghĩa địa, giáo dục, y tế, tôn giáo, tín ngưỡng dân gian tính bằng 60% giá đất ở liền kề.
Các loại hình đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sẽ được bồi thường theo vị trí. Cụ thể, vị trí 1 là đất mặt tiền đường áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có ít nhất 1 mặt giáp với đường được quy định trong bảng giá đất. Vị trí 2 áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có ít nhất 1 mặt tiếp giáp với hẻm rộng từ 5m trở lên thì tính bằng 0,5 của vị trí 1.
Vị trí 3 áp dụng các thửa đất như vị trí 2 nhưng hẻm có độ rộng từ 3 đến dưới 5m tính bằng 0,8 vị trí 2. Các thửa đất còn lại là vị trí 4, tính bằng 0,8 của vị trí 3.
Theo hệ số điều chỉnh mới, giá đất thương lượng bồi thường ở một số con đường tiêu biểu tại TP HCM sẽ tăng.
Đơn cử như đất ở đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi sẽ có giá thương lượng bồi thường khoảng 648-810 triệu đồng/m2, thay vì giá Nhà nước 162 triệu đồng/m2 như trước đây. Đây cũng là mức giá cao nhất đối với đất ở tại TP HCM.