Tin bất động sản hôm nay ngày 17/8: Đà Lạt bác bỏ việc xem xét dự án Robin Hill

Đà Lạt bác bỏ việc xem xét dự án Robin Hill; Giá căn hộ sơ cấp tăng mạnh; Quảng Ninh thông tin về dự án Dự án Ao Tiên; Thống nhất vị trí xây cầu Mễ Sở vượt sông Hồng trên đường vành đai 4; Khởi công đường Vành đai 3 Tp.HCM vào tháng 6/2023 là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 17/8.

Đà Lạt bác bỏ việc xem xét dự án Robin Hill

UBND TP Đà Lạt vừa có văn bản số 5170 gửi UBND tỉnh Lâm Đồng để báo cáo về việc Công ty TNHH MTV Bất động sản Nhà Vui đề xuất đầu tư dự án Khu căn hộ cao cấp Robin Hill (dự án Robin Hill) tại đường Đống Đa, phường 3.

Theo đề xuất của doanh nghiệp, quy mô dự án trên diện tích 1,1 ha (đã nhận chuyển nhượng đất từ các hộ dân được khoảng 70% diện tích dự án) với tầng cao khoảng 12 tầng, mật độ xây dựng 70%.

UBND TP Đà Lạt hoan nghênh đề xuất đầu tư dự án của Công ty TNHH MTV Bất động sản Nhà Vui. Tuy nhiên, việc đầu tư dự án phải phù hợp quy hoạch và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan. Trong đó, theo Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ thì địa điểm thực hiện dự án được xác định là đất du lịch hỗn hợp.

Còn căn cứ bản đồ quy hoạch sử dụng đất thành phố Đà lạt được phê duyệt tại Quyết định số 1409 ngày 27/6/2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng thì vị trí đề xuất dự án thuộc phạm vi quy hoạch đất nông nghiệp.

Đối với quy mô dự án với số tầng cao theo đề xuất 12 tầng là chưa phù hợp với Quyết định số 704/QĐ-TTg (trong đó số tầng cao 3-5 tầng, mật độ xây dựng 50-70%).

Một góc TP Đà Lạt.  
Một góc TP Đà Lạt.  

Về quy hoạch phân khu, vị trí lô đất nằm trong kế hoạch lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của tỉnh và được xác định là phân khu Khu vực đường Triệu Việt Vương – An Bình – Đống Đa (Khu D2). UBND thành phố Đà Lạt giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Đà Lạt làm chủ đầu tư thực hiện quy hoạch.

Nhiệm vụ và dự toán quy hoạch phân khu Khu D2 đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt tại Quyết định số 781 ngày 26/3/2021 với diện tích quy hoạch là 72h a. Đến nay Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng đang hoàn thiện đồ án quy hoạch để trình duyệt.

Do đó quy hoạch phân khu Khu D2 là cơ sở để triển khai quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư theo quy định. Đến nay quy hoạch phân khu D2 chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt nên chưa có cơ sở để lập các dự án đầu tư, kể cả Khu căn hộ cao cấp Robin Hill theo đề nghị của Công ty TNHH MTV Bất động sản Nhà Vui.

Ngoài ra, tại khu vực quy hoạch phân khu D2 trước đây cũng có trường hợp kiến nghị lập quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư. UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Văn bản số 5986 ngày 20/8/2021 với nội dung không thống nhất.

Lý do được đưa ra là “khu vực đề nghị phê duyệt quy hoạch chi tiết hiện nay UBND TP đang tổ chức lập quy hoạch phân khu Khu D2. Việc quản lý quy hoạch xây dựng tại khu vực này thực hiện theo đồ án quy hoạch phân khu được phê duyệt”.

Bên cạnh đó việc đề xuất dự án Robin Hill của Công ty TNHH MTV Bất động sản Nhà Vui không nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025.

Do đó việc công ty xin đề xuất đầu tư dự án Robin Hill là chưa có cơ sở để xem xét.

Giá căn hộ sơ cấp tăng mạnh

Sáu tháng đầu năm 2022, thị trường chứng kiến sự nổi lên nhanh chóng của căn hộ cao cấp, trung cấp, trong khi căn hộ bình dân gần như biến mất. Đi cùng với sự thay đổi đó, giá bán bất động sản liên tiếp lập đỉnh mới.

CBRE ước tính, nửa đầu năm 2022, thị trường Hà Nội tung ra khoảng 8.000 căn. Thị trường TP.HCM có sự phục hồi tốt hơn với khoảng 16.000 căn, vượt qua cung của cả năm 2021.

Về phân khúc, căn hộ cao cấp hoàn toàn áp đảo. Tại Hà Nội, căn hộ trung cấp những năm qua luôn chiếm tỷ trọng cao, từ 65-70% tổng nguồn cung thị trường. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, nguồn cung cao cấp ngày càng tăng, hiện đã chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung.

Tại TP.HCM, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn khi căn hộ cao cấp thường xuyên chiếm 85-90% tổng nguồn cung thị trường.

Trong khi đó, sự xuất hiện của căn hộ bình dân ngày càng thưa thớt. Tại Hà Nội, năm nay không còn căn hộ bình dân. Còn tại TPHCM, căn hộ bình dân đã biến mất trong 3 năm trở lại đây, và theo dự báo của CBRE, phân khúc này trong 3 năm tới cũng không xuất hiện trở lại.

Về vị trí dự án mới, tại Hà Nội, các dự án trước đây tập trung ở phía tây thành phố. Tuy nhiên, từ năm 2022, nguồn cung bắt đầu dịch chuyển về phía đông thành phố, với khoảng 63% từ đầu năm 2022 đến nay. Tại TP.HCM, 83% nguồn cung bất động sản vẫn tập trung tại khu vực sôi động nhất là TP Thủ Đức.

Tại Diễn đàn bất động sản 2022: Những vùng đất tiềm năng do Theleader tổ chức, bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, cho biết giá sơ cấp căn hộ tăng mạnh do nguồn cung mới tập trung ở phân khúc trung và cao cấp.

Nguồn cung tập chung ở phân khúc trung và cao cấp dẫn đến giá bán sơ cấp căn hộ tăng mạnh.  
Nguồn cung tập chung ở phân khúc trung và cao cấp dẫn đến giá bán sơ cấp căn hộ tăng mạnh.  

Tại Hà Nội, trong vòng 5 năm qua, mức giá bình quân đã tăng 7%/năm, còn tại TP.HCM là 14%/năm.

Theo bà Dung, việc nguồn cung hạn chế dẫn tới mức hấp thụ các sản phẩm bất động sản rất cao.

Tại thị trường Hà Nội, trong nửa đầu năm nay, số lượng căn hộ bán được vượt nguồn cung chào bán mới. Tại TP.HCM, tỷ lệ hấp thụ có sụt giảm đôi chút, nhưng vẫn cao, ở mức 70-75%.

“Việc tỷ lệ hấp thụ sụt giảm đến từ nguyên nhân các sản phẩm định vị cao cấp, giá quá cao, có thể “chưa tương xứng” với vị trí của dự án”, bà Dung cho biết.

Quảng Ninh thông tin về Dự án Ao Tiên

Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Đồn, quy hoạch Khu vực Ao Tiên được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1296/QĐ-TTg ngày 19-8-2009 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 266/QĐ-TTg ngày 17-2-2020.

Tin bất động sản hôm nay ngày 17/8: Đà Lạt bác bỏ việc xem xét dự án Robin Hill - Ảnh 1

Dự án Khu đô thị mới Ao Tiên được UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho nhà đầu tư triển khai đầu tư xây dựng từ năm 2004. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tại khu đô thị này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã xúc tiến, kêu gọi đầu tư được 2 công trình tổ hợp khách sạn, du lịch thương mại đạt tiêu chuẩn 5 sao theo đúng quy hoạch được duyệt, bao gồm: Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn với diện tích 2,6 ha, với 5 tòa có chiều cao từ 28 đến 33 tầng, tổng vốn đầu tư 3.612 tỉ đồng; Tổ hợp khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Ao Tiên - Cát Linh Vân Đồn có diện tích 2,3 ha với 5 khối tháp có chiều cao từ 26 đến 34 tầng, tổng vốn đầu tư 3.910 tỉ đồng.

Hiện nay, theo tỉnh Quảng Ninh, 2 dự án trên đang được các nhà đầu tư tích cực triển khai thi công, hứa hẹn sớm đem lại cho Khu kinh tế Vân Đồn diện mạo mới mẻ, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Thống nhất vị trí xây cầu Mễ Sở vượt sông Hồng trên đường vành đai 4

Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND TP Hà Nội về vị trí cầu Mễ Sở thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, Bộ GTVT thống nhất về nguyên tắc vị trí cầu Mễ Sở theo phương án đề xuất của UBND TP Hà Nội tại văn bản số 2340/UBND-ĐT ngày 22/7/2022 do phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường vành đai 4 được Quốc hội thông qua, phù hợp và kết nối đồng bộ với hướng tuyến đường vành đai 4 trên địa phận tỉnh Hưng Yên, không ảnh hưởng đến khu di tích quốc gia và không phải di dời đường điện 500 Kv, 200 Kv trong khu vực.

Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội nghiên cứu và quyết định vị trí cầu Mễ Sở trong dự án theo thẩm quyền, phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

“Trong các bước triển khai tiếp theo, UBND TP Hà Nội cần tiếp tục khảo sát chi tiết, nghiên cứu so sánh cụ thể các phương án thiết kế để chuẩn xác vị trí cầu Mễ Sở bảo đảm kinh tế - kỹ thuật, mỹ thuật, phát huy hiệu quả đầu tư công trình; cập nhật vị trí cầu Mễ Sở được quyết định trong dự án vào quy hoạch TP Hà Nội đang triển khai lập theo Luật Quy hoạch và các quy hoạch khác có liên quan; thỏa thuận thống nhất với UBND tỉnh Hưng Yên về vị trí cầu Mễ Sở”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.

Tại văn bản số 2340, UBND TP Hà Nội cho biết là cầu Mễ Sở là công trình giao thông trên tuyến đường vành đai 4 kết nối TP Hà Nội và Hưng Yên đã được xác định trong định hướng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, vị trí cầu thể hiện trong các đồ án quy hoạch còn chưa có sự thống nhất.

Cụ thể, theo Định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 và Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2016, cầu Mễ Sở được xác định tại vị trí cách trạm bơm Hồng Vân khoảng 200m về phía hạ lưu.

Theo phương án này, đường vành đai 4 đầu cầu đoạn trên địa phận TP Hà Nội sẽ cắt qua khu di tích quốc gia Chùa Xâm Động, nằm trong hành lang an toàn tuyến điện cao thế 500Kv và 220 Kv hiện có, phải di dời cột điện khi thi công xây dựng tuyến đường. Đặc biệt, vị trí cầu theo phương án này không khớp nối được với đường đầu cầu phía Hưng Yên đã triển khai cắm mốc giới và quy hoạch các dự án đầu tư hai bên đường.

Trong khi đó, theo Quy hoạch chi tiết đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn phía Nam đường 18 được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, cầu Mễ Sở được xác định tại vị trí cách trạm bơm Hồng Vân khoảng 600m về phía hạ lưu.

Vị trí cầu Mễ Sở này cũng đã được cập nhật, xác định thống nhất trong các hồ sơ: Điều chỉnh quy hoạch xây dựng dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 06/5/2016; Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021; hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội tại Tờ trình số 208/TTr-CP ngày 23/5/2022, được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 và phù hợp với định hướng quy hoạch, mốc giới tuyến đường vành đai 4 trên địa phận tỉnh Hưng Yên.

“Sau khi xem xét các phương án vị trí cầu Mễ Sở nêu trên, UBND TP Hà Nội thống nhất với phương án vị trí cầu Mễ Sở trong hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô do Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) lập, phù hợp với các quy hoạch có liên quan nêu trên đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và khớp nối thống nhất với vị trí, hướng tuyến đường vành đai 4 trên địa phận tỉnh Hưng Yên”, công văn số 2340 nêu rõ.

Để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống các đồ án quy hoạch của thành phố Hà Nội, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo các đơn vị cập nhật, chuẩn hóa vị trí cầu Mễ Sở trong các đồ án Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đang triển khai nghiên cứu điều chỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.

“Do tiến độ cấp bách của Dự án, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ GTVT sớm xem xét, có ý kiến thống nhất với vị trí cầu Mễ Sở theo phương án chọn nêu trên để UBND Thành phố có cơ sở triển khai các công việc tiếp theo”,văn bản số 2340 nêu rõ.

Khởi công đường Vành đai 3 Tp.HCM vào tháng 6/2023

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP, triển khai Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Tp.HCM.

Nghị quyết nêu rõ, dự án phải bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, tiến độ, chất lượng công trình, quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Tp.HCM (Dự án) đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022, chia thành 8 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đầu tư công, đi qua địa bàn 3 tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Long An) và Tp.HCM, trong đó có 4 dự án thành phần bồi thường hỗ trợ tái định cư. Mỗi dự án là một dự án thu hồi đất trên địa bàn của 1 tỉnh mà không phải là dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại khoản 1 Điều 87 Luật Đất đai năm 2013.

An Nhiên (t/h)

Theo Chất lượng và Cuộc sống