Tin bất động sản hôm nay ngày 25/11: TP.HCM thanh tra đột xuất lĩnh vực đất đai
TP.HCM thanh tra đột xuất lĩnh vực đất đai; Đông Anh sắp đấu giá 27 lô đất vàng; Giá đất bồi thường dự án đường Vành đai 3 là cao nhất hơn 40 triệu đồng/m2; Lâm Đồng lập quy hoạch chung đô thị Liên Nghĩa mở rộng với diện tích hơn 46.000 ha; Đắk Lắk đề xuất nâng cấp sân bay Buôn Ma Thuột thành cảng hàng không quốc tế là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 25/11.
TP.HCM thanh tra đột xuất lĩnh vực đất đai
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 1179/QĐ-STNMT-TTr về việc thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức sử dụng đất trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ làm trưởng đoàn thanh tra và Phó giám đốc sở Võ Trung Trực sẽ là người giám sát hoạt động của đoàn thanh tra này.
Thời kỳ thanh tra là từ khi tổ chức được giao đất, cho thuê đất đến nay. Thời gian thanh tra 30 ngày theo quy định từ khi công bố quyết định thanh tra.
Nhiệm vụ của đoàn thanh tra là xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo UBND TP.HCM xem xét, quyết định.
Theo ông Thắng, mục đích việc thanh tra giúp công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn thành phố hiệu quả hơn, tránh lãng phí. Quá trình thanh tra sẽ xem xét công tác chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất của các tổ chức được giao đất, cho thuê đất. Nếu phát hiện sai phạm, sẽ xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Trao đổi về lĩnh vực đất đai, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn từng trường hợp cụ thể đối với các đề xuất liên quan đến việc cho phép TP.HCM thí điểm thực hiện áp dụng căn cứ để giao đất, cho thuê đất là văn bản phê duyệt kết quả trúng đấu giá, đấu thầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các quỹ đất được chấp thuận chủ trương, thanh toán cho các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Các cơ chế đặc thù cho phép TP.HCM thí điểm gia hạn sử dụng đất đối với các trường hợp cụ thể và việc thí điểm bổ sung hình thức sử dụng đất khác không phải là đất ở đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại...
Đông Anh sắp đấu giá 27 lô đất vàng
Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 - Quốc gia mới đây đã có thông báo mời tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở đối với các thửa đất trong ô đất LK5, LK6, LK7, LK8 thuộc dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất X7, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh.
Theo đó, tài sản đấu giá gồm 27 thửa đất có diện tích từ 113,74 m2 đến 218,54 m2. Giá khởi điểm dao động từ 58 triệu đồng/m2 đến 64 triệu đồng/m2, bước giá 500.000 đồng/m2. Thời gian tổ chức đấu giá dự kiến vào chiều 26/11 tại Hội trường Trung tâm chính trị huyện Đông Anh.
Trước đó, chiều 19/11, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở trong các ô đất LK1, LK2, LK3, LK4 thuộc dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất X7, xã Uy Nỗ. Đây được coi là khu "đất vàng" do nằm ngay trung tâm hành chính của huyện Đông Anh.
Cụ thể, có 27 thửa đất với tổng diện tích hơn 3.364 m2. Các thửa đất có diện tích từ 115,26 m2 đến 227,89 m2 được đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất để làm nhà ở lâu dài. Giá khởi điểm dao động từ 58 triệu đồng/m2 đến 69 triệu đồng/m2 (tuỳ theo diện tích và vị trí), bước giá áp dụng tại tất cả các thửa đất là 500.000 đồng/m2.
Kết quả, giá trúng đấu giá cao nhất là 168,5 triệu đồng/m2 (gấp hơn 2 lần giá khởi điểm), giá trúng đấu giá thấp nhất là 78,5 triệu đồng/m2.Tổng giá trúng đấu giá thu về gần 409 tỷ đồng.
Giá đất bồi thường dự án đường Vành đai 3: Cao nhất hơn 40 triệu đồng/m2
Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa gửi cho chủ đầu tư tài liệu tuyên truyền vận động công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3.
Theo đó, diện tích đất phải giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP là 397,3ha, ảnh hưởng đến 1.670 trường hợp. Có 663 trường hợp có nhà, đất bị giải tỏa trắng, trong đó có 410 trường hợp đủ điều kiện tái định cư.
Theo dự toán của các địa phương, giá bồi thường mỗi mét vuông đất ở tạm tính từ 18.720.000 đồng đến 40.190.000 đồng. Giá bồi thường và hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với đất trồng cây lâu năm từ 3.840.000 đồng đến 8.208.000 đồng/m2.m. Giá bồi thường và hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với đất trồng cây hàng năm từ 3.200.000 đồng đến 6.000.000 đồng/m2.
Dự án xây dựng đường Vành đai 3 đi qua địa bàn TPHCM với chiều dài 47,51km, qua 4 địa phương là thành phố Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh và ảnh hưởng tới 2.377 hộ dân.
Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự kiến là hơn 25.000 tỷ đồng. Dự kiến, dự án thi công trong 36 tháng và hoàn thành toàn bộ vào năm 2026. Dự kiến tuyến đường vành đai 3 sẽ được khởi công giữa năm 2023.
Lâm Đồng lập quy hoạch chung đô thị Liên Nghĩa mở rộng với diện tích hơn 46.000 ha
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt nhiệm vụ và dự toán lập quy hoạch chung đô thị Liên Nghĩa (mở rộng), huyện Đức Trọng đến năm 2035.
Theo đó, khu vực lập quy hoạch có diện tích 46.550 ha gồm toàn bộ địa giới hành chính thị trấn Liên Nghĩa và 7 xã Hiệp An, Hiệp Thạnh, Liên Hiệp, Phú Hội, Tân Hội, Tân Thành và Ninh Gia.
Mục tiêu quy hoạch nhằm quy hoạch và phát triển đô thị Liên Nghĩa (mở rộng) đạt tiêu chí đô thị loại 4 vào năm 2025 và loại 3 vào năm 2035; là vùng đô thị quan trọng của tỉnh chia sẻ chức năng chức năng cấp vùng với thành phố Đà Lạt; đầu mối giao thông về đường bộ và đường hàng không của vùng và quốc gia, trở thành khu vực nội thị của thị xã Đức Trọng trong tương lai.
Quy hoạch còn có mục tiêu phát triển các trung tâm chuyên ngành cấp vùng gồm thương mại – dịch vụ, dịch vụ phi thuế quan, dịch vụ du lịch, văn hóa – thể dục, thể thao, công nghiệp công nghệ cao.
Bên cạnh đó là phát triển theo chiến lược tăng trưởng xanh, trở thành một đô thị hiện đại, sinh thái với các Làng đô thị xanh và đặc thù cảnh quan của một đô thị cao nguyên.
Tính chất đô thị xác định đây là đô thị hiện đại, tổng hợp; trung tâm dịch vụ - thương mại hỗn hợp, trung tâm văn hóa thể thao; trung tâm công nghệ cao và khu phi thuế quan; trung tâm dịch vụ du lịch hỗn hợp cấp vùng, chia sẻ chức năng với thành phố Đà Lạt.
Đây còn là trung tâm chính trị - hành chính của huyện Đức Trọng, khu vực nội thị của thị xã Đức Trọng trong tương lai; cửa ngõ giao thương quốc tế của vùng Tây Nguyên và quốc gia; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của vùng Tây Nguyên.
Đắk Lắk đề xuất nâng cấp sân bay Buôn Ma Thuột thành cảng hàng không quốc tế
UBND tỉnh Đăk Lăk mới đây đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất quy hoạch Buôn Ma Thuột là cảng hàng không quốc tế và thu hút đầu tư mở rộng theo hình thức xã hội hóa.
Tỉnh Đắk Lắk nêu rõ mục tiêu thu hút khách du lịch cao cấp và tổ chức sự kiện cấp vùng, quốc gia và quốc tế, đồng thời phát triển mạnh dịch vụ liên quan đến cà phê, xây dựng hình ảnh "thành phố cà phê của thế giới".
Do đó, tỉnh đề xuất được đầu tư nâng cấp sân bay Buôn Ma Thuột để phục vụ nhu cầu đón khách nước ngoài.
Trước đó, trong dự thảo quy hoạch mạng cảng hàng không toàn quốc đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Bộ GTVT đề xuất mở rộng sân bay Buôn Ma Thuột với quy mô gần gấp đôi hiện nay với diện tích là 464 ha, công suất đón 5 triệu khách đến năm 2030 và năm 2050 là 7 triệu. Tuy nhiên Bộ GTVT vẫn xác định cơ sở tại Buôn Ma Thuột là sân bay quốc nội.
Tỉnh Đắk Lắk nêu ý kiến, cho rằng con số tăng trưởng này sẽ bao gồm lượng lớn khách ngoại quốc, nên việc mở rộng hạ tầng và nâng cấp sân bay thành càng hàng không quốc tế là cần thiết.
Nếu đề xuất được chấp thuận, tỉnh Đắk Lắk sẽ khẩn trương triển khai xây dựng Đề án, gửi Bộ GTVT xem xét, trình Tổ công tác nghiên cứu xã hội hóa khai thác sân bay của Chính phủ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Hiện tại, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk cấp sân bay cấp 4C với 5 vị trí đỗ máy bay, nhà ga hành khách đáp ứng công suất khai thác 2 triệu hành khách/năm. Năm 2019, sân bay này đón hơn 1 triệu khách; dự kiến năm 2022 sẽ phục vụ khoảng 1,4 triệu khách. Sân bay này đang khai thác các đường bay đi và đến bảy tỉnh, thành gồm TP.HCM, Hà Nội, Vinh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thanh Hóa và Cần Thơ; chưa khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ.
Bên cạnh đó, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột chưa có nhà ga hàng hóa trong khi năm 2019 sản lượng hàng hóa thông qua cảng lên tới 6.634 tấn.