Tin bất động sản nổi bật trong tuần: Quảng Nam tiếp tục 'gỡ vướng' cho dự án khu nghỉ dưỡng 4 tỷ USD

Quảng Nam tiếp tục ‘gỡ vướng’ cho dự án khu nghỉ dưỡng 4 tỷ USD; Hà Nội xin điều chỉnh, bổ sung các dự án thu hồi đất và chuyển đổi đất lúa; Địa ốc Đại Quang Minh làm dự án 530 ha tại Lâm Đồng; Hà Nội rà soát dự án nghìn tỷ của ‘trùm BOT’ Tasco; Hòa Bình dừng xem xét 5 dự án lớn của FLC và Tân Hoàng Minh;…là những thông tin nổi bật tuần qua.

Quảng Nam tiếp tục ‘gỡ vướng’ cho dự án khu nghỉ dưỡng 4 tỷ USD

Ông Nguyễn Hồng Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa chủ trì cuộc họp nghe báo cáo kết quả thực hiện các hồ sơ pháp lý liên quan và xây dựng, thẩm định, trình phê duyệt phương án giá đất cụ thể các khu tái định cư (TĐC) đầu tư theo Luật Nhà ở phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An.

Theo đó, do công tác bồi thường, hỗ trợ TĐC dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (thuộc địa phận 2 xã Duy Hải, Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên và xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) kéo dài qua nhiều năm nên cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ TĐC thay đổi. Từ đó, nhiều tồn tại, vướng mắc phát sinh nên đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án.

Tin bất động sản nổi bật trong tuần: Quảng Nam tiếp tục 'gỡ vướng' cho dự án khu nghỉ dưỡng 4 tỷ USD - Ảnh 1

Trước tình hình trên, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu các ngành, địa phương, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kỳ Hà – Chu Lai Quảng Nam (viết tắt Công ty Kỳ Hà Chu Lai, đơn vị thực hiện công tác GPMB dự án) cần tập trung quyết liệt xử lý hoặc tham mưu cấp thẩm quyền kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hồ sơ pháp lý, triển khai bố trí TĐC và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân di dời do bị ảnh hưởng dự án.

Tính đến cuối năm 2020, tổng diện tích đã thực hiện xong công tác bồi thường GPMB là 481,64ha. Diện tích đất bàn giao cho nhà đầu tư: 389,74ha. Diện tích đã bồi thường GPMB nhưng chưa bàn giao: 91,90ha.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2021, công tác bồi thường GPMB Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An và đầu tư xây dựng các khu TĐC phải tạm dừng bởi nhà đầu tư không bố trí vốn để chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân của các phương án bồi thường, hỗ trợ và TĐC đã được UBND các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên phê duyệt trong năm 2020.

Hà Nội xin điều chỉnh, bổ sung các dự án thu hồi đất và chuyển đổi đất lúa

UBND Thành phố Hà Nội vừa có Tờ trình gửi HĐND Thành phố về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất năm 2022; dự án chuyển đổi mục đích đất trồng lúa năm trên TP Hà Nội.

Theo UBND TP Hà Nội ngày 10/12/2021, HĐND TP có Nghị quyết số 35/NQ-HĐND thông qua danh mục các dự án thu hồi đất năm 2022; dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2022 thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND TP, trong đó: Thông qua danh mục 2.497 dự án thu hồi đất với diện tích 8.523,9 ha (trong đó số dự án thu hồi đất năm 2021 chuyển tiếp sang danh mục thu hồi đất năm 2022 là 1.717 dự án, với diện tích 6.138,73ha); Thông qua danh mục 717 dự án chuyển mục đích đất trồng lúa với diện tích 1.265,51ha.

Kết quả thực hiện công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất ước đến hết ngày 30/6/2022 là 1.225 dự án với diện tích 3.851,1 ha, đạt 49,06% kế hoạch, cụ thể: Số dự án thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất là: 116 dự án với diện tích 131,1ha; Số dự án Sở Tài nguyên- Môi trường triển khai thủ tục cắm mốc giới phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đang thực hiện thu hồi đất là 1.109 dự án với diện tích 3.684ha.

Đối với các dự án chuyển tiếp từ năm 2021 sang năm 2022, kết quả thực hiện công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất là 1.101 dự án với tổng diện tích khoảng 3.652 ha, đạt khoảng 64,1%.

Theo UBND TP Hà Nội, lý do điều chỉnh, bổ sung các dự án tại Nghị quyết số 35/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 có 29 quận, huyện, thị xã có Tờ trình đề nghị điều chỉnh các dự án thu hồi đất, dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2022, cụ thể: Điều chỉnh giảm các dự án đã được xác định tại Nghị quyết số 35 là 16 dự án thu hồi đất năm 2022 với diện tích 59,13ha và 2 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2022 với diện tích 1,65 ha do một số dự án trên địa bàn cấp huyện trong năm 2022 không được ưu tiên bố trí vốn thực hiện hoặc phải làm thủ tục rà soát, điều chỉnh về dự án đầu tư, quy hoạch xây dựng nên UBND cấp huyện đề nghị đưa ra khỏi danh mục tại Nghị quyết 35.

Giá chung cư tại Hà Nội đang liên tục tăng

Câu chuyện tăng giá chung cư tại thị trường Hà Nội trở thành tiêu điểm trong các nghiên cứu, báo cáo thị trường bất động sản thời gian gần đây. Hiện tại, tốc độ tăng giá của chung cư Hà Nội đã vượt TP.HCM, theo báo cáo của Batdongsan.com.vn. Số liệu thị trường tháng 5 mà website này vừa công bố cho thấy, giá bán chung cư tại Hà Nội tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó, tỷ lệ này ở TP.HCM là 5%.

Trong báo cáo thị trường tháng 4, website này cũng đưa thông tin giá rao bán trung bình của chung cư Hà Nội tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021, còn tại TP.HCM, mức tăng được ghi nhận là 3,4%.

Tin bất động sản nổi bật trong tuần: Quảng Nam tiếp tục 'gỡ vướng' cho dự án khu nghỉ dưỡng 4 tỷ USD - Ảnh 2

Báo cáo thị trường quý I của Bộ Xây dựng cũng cho biết, giá căn hộ Hà Nội tăng khoảng 4-5%, cao hơn so với TP.HCM (ở mức tăng 1-2% so với cùng kỳ).

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội, đánh giá thị trường căn hộ tại Hà Nội ghi nhận xu hướng tăng giá từ quý I/2019 đến nay. Tính đến hết quý I, giá căn hộ trung bình tại Hà Nội đạt mức 1.840 USD/m2 (tương đương 43 triệu đồng/m2).

Theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam, tính từ 2017 đến nay, chung cư ở Hà Nội ghi nhận mức tăng giá nhanh hơn TP.HCM, khoảng cách giá giữa 2 thị trường thu hẹp khoảng 15% mỗi năm. Ông Tuấn nhìn nhận, nếu nguồn cung thị trường Hà Nội tiếp tục khan hiếm như hiện tại, trong 2-3 năm nữa, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP.HCM sẽ ngang nhau.

Không chỉ các dự án mới, các chung cư đã đi vào hoạt động trong khoảng thời gian 2-5 năm ở Hà Nội cũng ghi nhận mức tăng giá cao chưa từng thấy. Chẳng hạn, một căn căn hộ 85 m2 tại chung cư Bohemia đường Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân chứng kiến mức tăng giá từ 2,9 tỷ đồng lên 3,3 tỷ đồng, còn loại căn hộ 127 m2 tăng từ 4,7 tỷ đồng lên 5,1 tỷ đồng trong vòng 1 năm.

Địa ốc Đại Quang Minh làm dự án 530 ha tại Lâm Đồng

Vào ngày 10/6/2022 vừa qua, ông Trần Đức Quận – Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng và ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì buổi làm việc với Công ty cổ phần địa ốc Đại Quang Minh về ý tưởng quy hoạch Khu đô thị mới phía Đông thành phố Đà Lạt, phương án thiết kế quy hoạch khu vực Đồi Dinh và một số dự án đầu tư do Đại Quang Minh thực hiện trên địa bàn Lâm Đồng.

Theo đó, đối với phương án thiết kế quy hoạch khu vực Đồi Dinh và khu vực Chợ đêm Đà Lạt – Công viên Ánh Sáng, UBND tỉnh thống nhất phương án thiết kế quy hoạch khu vực Đồi Dinh như đề xuất của Đại Quang Minh và đơn vị tư vấn. Để chuẩn bị nội dung báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đại Quang Minh hoàn thiện phương án, thông qua Sở Xây dựng, trong tháng 7.2022.

Ngoài ra, liên quan đến Khu trung tâm Hòa Bình, UBND tỉnh cũng đề nghị Đại Quang Minh nghiên cứu phương án khu vực Chợ đêm dời về phía khu vực Công viên Ánh Sáng (công viên kết hợp bãi đậu xe ngầm và Chợ đêm…).

Chủ tịch tỉnh đã giao cho UBND thành phố Đà Lạt chủ động phối hợp với Đại Quang Minh để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện ý tưởng quy hoạch Công viên Ánh Sáng, đảm bảo tính kết nối và hoạt động lâu dài. Sở Xây dựng phối hợp các đơn vị liên quan, UBND thành phố Đà Lạt cùng với Đại Quang Minh hoàn thành phương án thiết kế quy hoạch để UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, làm cơ sở phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết, hoàn thành trong tháng 7.2022.

Hà Nội rà soát dự án nghìn tỷ của ‘trùm BOT’ Tasco

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri quận Nam Từ Liêm về việc đề nghị UBND TP xem xét chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đơn vị ở 2,3 do Công ty CP Tasco (HUT) làm chủ đầu tư – dự án Khu đô thị sinh thái Xuân Phương (tên thương mại Foresa Villa) tại phường Xuân Phương đã dừng nhiều năm nay chưa được triển khai, khiến người dân có nhà ở thuộc dự án này không cải tạo, sửa chữa được, dẫn đến nhà xuống cấp, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân.

UBND TP Hà Nội cho biết, ngày 4/2/2008, UBND TP có Quyết định số 603 thông qua đề xuất dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương theo hình thức hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT). Công ty CP Tasco (Tasco) là nhà đầu tư thực hiện dự án.

Theo đó, Tasco được UBND TP đối ứng cho 70ha đất, gồm: 30ha đất tại dự án đơn vị ở số 1 phường Xuân Phương, 3.000m2 đất tại 48 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) và 38ha đất tại đơn vị ở 3 và một phần đơn vị ở 2 Khu đô thị mới Xuân Phương (nay là dự án Khu đô thị sinh thái Xuân Phương).

Tin bất động sản nổi bật trong tuần: Quảng Nam tiếp tục 'gỡ vướng' cho dự án khu nghỉ dưỡng 4 tỷ USD - Ảnh 3Nhiều biệt thự tại dự án Khu đô thị sinh thái Xuân Phương của Tasco bị bỏ hoang.

Đến ngày 15/6/2016, UBND TP đã ban hành Quyết định số 3105 về việc cho phép Tasco tiếp tục sử dụng 370.440m2 đất (37,4ha) tại phường Xuân Phương, để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở sinh thái Xuân Phương – giai đoạn 1.

Theo báo cáo của Tasco, dự án triển khai đảm bảo tiến độ được phê duyệt, trong đó giai đoạn 1 gồm 567 căn triển khai từ năm 2015-2018, giai đoạn 2 gồm 246 căn còn lại triển khai từ năm 2019-2025.

“Hiện UBND TP đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đề xuất giải quyết đối với các đơn vị chậm triển khai, có giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án”, văn bản trả lời của UBND TP Hà Nội cho biết.

Được biết, dự án có tổng mức đầu tư 2.850 tỷ đồng gồm các khu chức năng như khu cây xanh, hồ nước, các công trình nhà ở thấp tầng, công trình công cộng, đơn vị ở và công trình hạ tầng xã hội.

Hình ảnh của dự án hiện tại là hàng loạt căn biệt thự đã xây dựng bị bỏ hoang nhiều năm, cỏ dại mọc um tùm. Nhiều tuyến đường xung quanh dự án trở thành bãi tập kết rác thải sinh hoạt, xây dựng.

Hòa Bình dừng xem xét 5 dự án lớn của FLC và Tân Hoàng Minh

UBND tỉnh Hòa Bình vừa có Công văn số 1040 gửi các đơn vị liên quan về việc giải quyết các dự án trên địa bàn tỉnh Hòa Bình do một số doanh nghiệp đề xuất và đang triển khai thực hiện.

Theo đó, đối với các dự án liên quan đến Tập đoàn FLC, tỉnh này dừng xem xét việc nghiên cứu, khảo sát, lập thủ tục đầu tư đối với 4 đề xuất dự án.

Cụ thể, gồm: Khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí Yên Thủy với diện tích sử dụng đất khoảng 704,8 ha tại xã Hữu Lợi và thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy; Khu trung tâm đa chức năng Quỳnh Lâm, TP Hòa Bình với diện tích đề xuất khoảng 19 ha tại phường Quỳnh Lâm; Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Tòng Đậu với diện tích sử dụng đất khoảng 118 ha tại xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu; Khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí Thung Nai với diện tích sử dụng khoảng 981,1 ha tại xã Thung Nai, huyện Cao Phong và xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc.

Tin bất động sản nổi bật trong tuần: Quảng Nam tiếp tục 'gỡ vướng' cho dự án khu nghỉ dưỡng 4 tỷ USD - Ảnh 4

Còn với dự án Quần thể du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Yên Thủy tại xã Hữu Lợi và thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy (đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 9/3/2022), Tập đoàn FLC có trách nhiệm thực hiện dự án theo tiến độ, mục tiêu, quy mô dự án,… Trường hợp tiến độ thực hiện không đảm bảo hoặc nhà đầu tư không thực hiện các nội dung đã yêu cầu tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND tỉnh sẽ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xử lý theo quy định hiện hành.

Đối với các dự án liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh đề xuất, tỉnh dừng xem xét giải quyết dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Tân Hoàng Minh tại xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc với diện tích đất đăng ký sử dụng khoảng 355,97 ha.

Tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xử lý các thủ tục liên quan đến cho phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thủ tục liên quan đến đất đai theo quy định, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 1/7/2022. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao xử lý các nội dung liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 1/7/2022.

Tự ý đặt tên dự án là Căn hộ cao cấp Tecco Felice Homes, An Phú Land bị phạt

Thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, Thanh tra Sở đã ban hành Quyết định số 41 đối với Công ty TNHH Đầu tư bất động sản An Phú Land (Công ty An Phú Land). Công ty An Phú Land là chủ đầu tư dự án chung cư An Phú tại phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Theo Thanh tra Sở, Công ty An Phú Land đã có hành vi vi phạm hành chính là đặt tên hoặc điều chỉnh tên dự án đầu tư xây dựng nhà ở không đúng quy định hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Cụ thể, Công ty An Phú Land đặt tên dự án đầu tư xây dựng là “Căn hộ cao cấp Tecco Felice Homes” tại bảng thông tin công trình, thông tin dự án tại dự án chung cư An Phú.

Tin bất động sản nổi bật trong tuần: Quảng Nam tiếp tục 'gỡ vướng' cho dự án khu nghỉ dưỡng 4 tỷ USD - Ảnh 5

Vì vậy, Thanh tra Sở Xây dựng quyết định xử phạt Công ty An Phú Land số tiền 90 triệu đồng theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 63 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh đó, yêu cầu Công ty An Phú Land phải thực hiện đặt tên hoặc điều chỉnh tên các khu vực trong dự án theo quy định và báo cáo kết quả thực hiện về Thanh tra Sở Xây dựng.

Trước đó, hồi tháng 1/2021, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã ra Quyết định số 11 xử phạt Công ty An Phú Land số tiền 40 triệu đồng vì đã tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng.

Minh Thu (T/H)

Theo Kinh doanh và phát triển