Tin bất động sản nổi bật trong tuần: TP HCM đền bù hơn 800 triệu đồng/m2 khi thu hồi đất ở, Hà Nội sắp cho tách thửa trở lại?

TP HCM đền bù hơn 800 triệu đồng/m2 khi thu hồi đất ở; Yêu cầu báo cáo thanh tra việc chuyển đổi đất công sang dự án nhà ở; Hà Nội sắp cho tách thửa trở lại?... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong tuần qua.

Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: NHNN 'bật đèn xanh' về khả năng điều chỉnh room tín dụng ngân hàng

Yêu cầu báo cáo thanh tra việc chuyển đổi đất công sang dự án nhà ở

Mới đây, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương báo cáo kết quả thanh tra việc chuyển đổi đất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2021.

Cụ thể, yêu cầu các đơn vị báo cáo nêu rõ các nội dung: Tình hình, kết quả chuyển đổi mục đích sử dụng đất (gồm tổng số vị trí, diện tích đất của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa đã thực hiện chuyển đổi sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở); Tổng số vị trí, diện tích đất đai chuyển đổi theo hình thức giao đất, cho thuê đất có thông qua và không qua đấu giá; báo cáo rõ số cuộc thanh tra đã thực hiện, số cuộc đã và chưa ban hành kết luận thanh tra.

Tin bất động sản nổi bật trong tuần: TP HCM đền bù hơn 800 triệu đồng/m2 khi thu hồi đất ở, Hà Nội sắp cho tách thửa trở lại? - Ảnh 1
Tin bất động sản nổi bật trong tuần: Yêu cầu báo cáo thanh tra việc chuyển đổi đất công sang dự án nhà ở

Về nghĩa vụ tài chính, yêu cầu báo cáo kết quả thanh tra việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai, tổng số tiền phải thu, số đã thu, số tiền còn nợ (chưa thu được) trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất sản xuất kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở.

Đặc biệt, Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu báo cáo kết quả thanh tra phải tổng hợp được những vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra, trong đó có vi phạm của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, chủ dự án, tổng hợp vi phạm về kinh tế, tài chính, đất đai. Đồng thời, đưa ra kiến nghị xử lý về kinh tế, tài chính, đất đai; xử lý kỷ luật hành chính, hình sự, chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra và kiến nghị về hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Xôn xao “đề xuất lạ” hoán đổi căn hộ Hà Nội Times Tower và MHD Trung Văn

Ngày 13/8/2022, Công ty cổ phần Đầu tư PVR Hà Nội (PVR) –  Chủ đầu tư Dự án Tổ hợp chung cư cao tầng và dịch vụ thương mại CT10-11 Văn Phú (tên thương mại là toà nhà Hanoi Time Tower) đã có văn bản gửi đến khách hàng mua căn hộ tại dự án Hanoi Time Tower.

Trong công văn gửi khách hàng, PVR cho biết, căn cứ vào tình hình thực tế, Dự án Tòa nhà Hanoi Time Towers chưa biết khi nào mới tái khởi động trở lại do thiếu vốn, dự án bị đình chỉ… Thời gian qua, Công ty đàm phán được với CĐT dự án Tòa nhà căn hộ chung cư thuộc Dự án Tòa nhà MHD Trung Văn có địa chỉ tại số 29 Tố Hữu, Hà Nội.

Theo đó, Công ty Cổ phần MHD Hà Nội đã đồng ý nhận chuyển đổi Hợp đồng mua bán căn hộ chung tại dự án Tòa nhà Hanoi Time Towers của khách hàng với điều kiện khách hàng sẽ ký Hợp đồng mua căn hộ chung cư tại Dự án Tòa nhà MHD Trung Văn theo giá bán trên thị trường hiện nay.

Đề xuất này gây xôn xao giới đầu tư bất động sản, bởi thực tế các căn hộ tại dự án MHD Trung Văn đang được rao bán với giá trung bình khoảng 36 triệu đồng/m2. Trong khi đó, các khách hàng mua căn hộ tại Hà Nội Times Tower trước đây với giá 22,5 triệu đồng/m2, thậm chí để thoả thuận gia hạn tiến độ dự án với khách hàng, chủ đầu tư từng chấp nhận giảm bán từ 22,5 triệu đồng/m2 xuống còn 18,5 triệu đồng/m2.

Như vậy, so với mức giá ban đầu dự án Hanoi Times Tower, giá bán trung bình căn hộ tại dự án MHD Trung Văn cao hơn lên đến hơn 14 triệu đồng/m2. Mức chênh quá cao khiến nhiều khách hàng mua căn hộ tại Hanoi Times Tower “chùn chân”, khó có thể đáp ứng.

Xem thêm: Căn hộ Hà Nội Times Tower và MHD Trung Văn chênh nhau 14 triệu đồng/m2: PVR đưa ra đề xuất lạ! 

Tin bất động sản nổi bật trong tuần: TP HCM đền bù hơn 800 triệu đồng/m2 khi thu hồi đất ở, Hà Nội sắp cho tách thửa trở lại? - Ảnh 2
Tin bất động sản nổi bật trong tuần: Xôn xao “đề xuất lạ” hoán đổi căn hộ Hà Nội Times Tower và MHD Trung Văn

Hơn nữa, động thái này của chủ đầu tư trong bối cảnh giá nhà đất tại Hà Nội đang “neo cao” và không ngừng tăng giá khiến nhiều khách hàng đặt câu hỏi liệu CĐT PVR đang có toan tính gì? Có phải doanh nghiệp muốn “loại” bỏ khách hàng cũ để thay tên, đổi họ dự án Hanoi Time Towers, lột xác thành một dự án mới để dễ dàng bán căn hộ và huy động được nguồn vốn “hồi sinh” dự án?...

TP HCM đền bù hơn 800 triệu đồng/m2 khi thu hồi đất ở

Ngày 22/8, UBND TP HCM cho biết, vừa ban hành quyết định số 28/QĐ-UBND về việc quy định hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, lấy ý kiến của người dân có đất bị thu hồi trên địa bàn trong năm 2022.

Theo đó, đất ở TP Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè có hệ số điều chỉnh giá đất cao nhất, gấp 15 lần bảng giá đất hiện hành của Nhà nước.

Tất cả các quận huyện trên địa bàn đều có hệ số điều chỉnh giá tăng 2-15 lần, trong khi đất nông nghiệp có mức tăng từ 5-35 lần, theo bảng giá mới được TP HCM công bố. Các vị trí, đơn giá đất các vị trí đất nông nghiệp được áp dụng theo quy định về Bảng giá đất trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2020-2024. Các quận 1, 3, 4, 5, 6, 10 và 11 có hệ số giá đất nông nghiệp cao nhất.

Về đất phi nông nghiệp, hệ số điều chỉnh giá đất sản xuất, kinh doanh không phải là đất thương mại, dịch vụ; đất sử dụng vào các mục đích công cộng có mục đích kinh doanh; đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp được bằng 60% giá đất ở liền kề.

Đối với đất ở không phải là đất ở thương mại, dịch vụ được tính bằng 80% giá đất ở liền kề. Còn đất nghĩa trang, nghĩa địa, giáo dục, y tế, tôn giáo, tín ngưỡng dân gian tính bằng 60% giá đất ở liền kề; Các loại hình đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sẽ được bồi thường theo vị trí.

Theo hệ số điều chỉnh mới, giá đất thương lượng bồi thường ở một số con đường tiêu biểu tại TP HCM sẽ tăng.

Hà Nội sắp cho tách thửa trở lại?

Hà Nội đang lấy ý kiến về dự thảo quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách đối với từng loại đất trên địa bàn.

Theo đó, dự thảo quy định điều kiện tách thửa đối với thửa đất ở, thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất. Với các phường thuộc 4 quận nội thành Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng, diện tích đất tối thiểu được tách không nhỏ hơn 30m2.

Với các phường thuộc thị xã Sơn Tây và 8 quận còn lại (Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Tây Hồ), thửa đất hình thành từ việc tách phải không nhỏ hơn 40m2.

Xem thêm: Yêu cầu báo cáo kết quả thanh tra dự án nhà ở chuyển đổi từ đất doanh nghiệp nhà nước

Tin bất động sản nổi bật trong tuần: TP HCM đền bù hơn 800 triệu đồng/m2 khi thu hồi đất ở, Hà Nội sắp cho tách thửa trở lại? - Ảnh 3
Tin bất động sản nổi bật trong tuần: Hà Nội sắp cho tách thửa trở lại

Không ít ý kiến cho rằng, có dự thảo mới đồng nghĩa với việc Hà Nội sắp cho phép phân lô, tách thửa trở lại khi được thông qua. Đây thực chất là việc quy định lại về diện tích thửa đất. Có thể thấy từ đầu năm đến nay nhiều địa phương đã dừng phân lô tách thửa khiến thị trường có dấu hiệu chững lại. Việc Hà Nội sắp cho phân lô tách thửa được cho là tín hiệu vui của thị trường đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân trong khi nguồn cung nhà đất khan hàng, giá chung cư tăng mạnh thời gian qua.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, với quy định đưa ra tại dự thảo 8 quận (Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Tây Hồ) và thị xã Sơn Tây được đề xuất thửa đất nâng lên 40m2 mới được tách thửa giá nhà sẽ bị đẩy lên cao khiến nhiều người khó khăn trong việc mua nhà trong thời gian tới…

Viva Land chính thức là chủ đầu tư Siêu dự án Saigon One Tower

Vừa qua, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Viva Land (Viva Land) chính thức công bố là chủ đầu tư và phát triển dự án Saigon One Tower tại 34 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM, đồng thời đổi tên thành IFC One Saigon.

Theo tìm hiểu, Saigon One Tower từng được cho là "siêu" dự án với chiều cao công trình theo thiết kế là 185m, gồm 180 cao ốc văn phòng, căn hộ chung cư, trung tâm thương mại, nằm cạnh sông Sài Gòn, với tổng diện tích 6.672 m2, tại giao lộ Tôn Đức Thắng-Hàm Nghi (quận 1, TP HCM).

Dự án được khởi công xây dựng lần đầu vào năm 2007 và dự kiến hoàn thành vào năm 2009, nhưng khi đã hoàn thành 80% thì bất ngờ ngưng trệ từ 2011 đến khi được mua lại.

Sau một thời gian dài "đắp chiếu", dự án được thế chấp cho một khoản vay hơn 7.000 tỷ đồng, trở thành khoản nợ xấu thuộc một vụ án hình sự.

Sau đó dự án này được Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thu giữ để xử lý và thu hồi nợ của Công ty CP Sài Gòn One Tower. Đầu tháng 3/2018, VAMC công bố bán đấu giá dự án này với giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng nhưng không ai mua. Do đấu giá không thành công, VAMC đã bàn giao lại tài sản khoản nợ cho phía ngân hàng xử lý.

Đến nay, sau nhiều lần đấu giá thất bại, dự án đã về tay chủ mới. Hiện tại, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Viva Land đã mua lại dự án Saigon One Tower đồng thời đổi tên thành IFC One Saigon.

Xem thêm: Dự án Khu nhà Đoàn Nguyên "về tay" chủ cũ Khang Điền, giá tăng từ 1.380 tỷ lên gần 3.200 tỷ đồng

Ngọc Lan

Theo Sở hữu trí tuệ