Tin bất động sản hôm nay ngày 26/8: Nha Trang bác bỏ đề xuất giữ lại khu nghỉ mát chắn biển Ana Mandara

Nha Trang bác bỏ đề xuất giữ lại khu nghỉ mát chắn biển Ana Mandara; Dự án Hamubay của Công ty Trường Phúc Hải bị thu hồi và hủy bỏ biên bản giao đất; Hơn 3,3 tỉ USD vốn ngoại FDI chảy vào bất động sản; Chỉ báo đáng lo ngại về thanh khoản của các doanh nghiệp bất động sản; Nhiều vi phạm về phí bảo trì tại dự án nhà ở xã hội Becamex tại Bình Dương là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 26/8.

Nha Trang bác bỏ đề xuất giữ lại khu nghỉ mát chắn biển Ana Mandara

Theo thông tin từ báo Khánh Hòa, chiều 25/8, UBND TP. Nha Trang đã có văn bản phản hồi thông tin 'Nha Trang đề xuất giữ lại khu resort chắn biển Ana Madara'. Theo đó, UBND TP. Nha Trang khẳng định không đề xuất giữ lại khu nghỉ mát Ana Mandara (phía Đông đường Trần Phú, Nha Trang) như một số báo đã đăng.

Trong văn bản phản hồi gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông Khánh Hòa, UBND TP. Nha Trang cho rằng, nội dung các bài báo này được cắt ghép từ văn bản số 5800/UBND-QLĐT ngày 17-8-2022 về việc giải quyết kiến nghị của Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa về phương án sau khi dừng đón khách lưu trú tại Khu nghỉ mát Evason Ana Mandara Nha Trang.

Tuy nhiên, tựa đề và tinh thần bài viết dễ gây hiểu nhầm và tạo dư luận xấu đối với công tác quản lý của các cơ quan nhà nước. Thực tế, nội dung văn bản số 5800/UBND-QLĐT là ý kiến góp ý của UBND TP. Nha Trang về quy hoạch và phương án đề xuất của Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa về việc xem xét trong quá trình tháo dỡ di dời Khu nghỉ mát Evason Ana Mandara được giữ lại một số hạng mục công trình phù hợp cho việc tổ chức các điểm dịch vụ công cộng đan xen trong không gian công viên để cung cấp dịch vụ và tiện ích cho người sử dụng bãi tắm, sử dụng công viên, tăng sự sống động và tần suất sử dụng công viên, nhưng vẫn không chia cắt không gian, đảm bảo khả năng liên kết liên tục dọc theo công viên. Trong văn bản này, không có nội dung nào liên quan đến việc đề xuất giữ lại Khu nghỉ mát Evason Ana Mandara.

Khu nghỉ mát Evason Ana Mandara.  
Khu nghỉ mát Evason Ana Mandara.  

Dự án Hamubay của Công ty Trường Phúc Hải bị thu hồi và hủy bỏ biên bản giao đất

Dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại khu dân cư và chỉnh trang đô thị (Hamubay Phan Thiết) của Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải bị thu hồi và hủy bỏ Biên bản bàn giao đất tại thực địa do việc giao và cho thuê của UBND tỉnh Bình Thuận là chưa đúng trình tự, thủ tục quy định.

Việc thu hồi và hủy bỏ Biên bản bàn giao đất này có thể xuất phát từ kết luận trước đó của Thanh tra Chính phủ về dự án này vì chỉ ra nhiều sai phạm. Theo Thanh tra Chính phủ, đối với dự án này thay vì giao mặt nước biển để nhà đầu tư xây dựng kè và thực hiện lấn biển theo quy định, thì UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định giao và cho thuê đối với 26,9 ha đất mặt nước ven biển cho Công ty Trường Phúc Hải. Cho nên việc giao và cho thuê của UBND tỉnh Bình Thuận là chưa đúng trình tự, thủ tục quy định.

Còn tại thông báo số:17/TB-CCQLĐĐ do Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận ban hành thì lý do thu hồi và hủy bỏ Biên bản giao đất trên thực địa của Chi cục Quản lý đất đai chỉ nêu ngắn gọn là do việc bàn giao đất trên thực địa chưa phù hợp với quy định tại Khoản 3, Điều 68 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.

Cụ thể: Dự án Hamubay Phan Thiết của Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải có tổng điện tích 129,9ha (tại phường Đức Long, xã Tiến Lợi và xã Tiến Thành, TP Phan Thiết), được UBND tỉnh Bình Thuận giao, cho thuê đợt 1 đối với phần diện tích lấn biển tại Quyết định số 590/QĐ-UBND ngày 27/2/2018 với diện tích 269.915,2m2.

Ngày 9/3/2018, Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đã chủ trì, phối hợp cùng với các đơn vị liên quan tiến hành bàn giao đất tại thực địa theo Quyết định số 590/QĐ-UBND 27/2/2018 của UBND tỉnh Bình Thuận.

Đến ngày 18/3/2018, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 734/QĐ-UBND về việc điều chỉnh một số nội dung tại Quyết định số 590/QĐ-UBND 27/2/2018 của UBND tỉnh Bình Thuận (đính chính tại Công văn số 850/UBND-ĐTQH ngày 22/3/2018), đến nay biên bản giao đất tại thực địa dự án Hamubay Phan Thiết ngày 9/3/2018 cho công ty Trường Phúc Hải không còn phù hợp.

Vào tháng 3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an phối hợp với VKSND Tối cao và các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã tiến hành kiểm tra thực địa dự án Lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long – Tp.Phan Thiết (dự án Hamubay) để làm căn cứ điều tra vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Cũng trong tháng 3/2022, UBND thành phố Phan Thiết cũng quyết định hủy bỏ Quyết định 2824/QĐ-UBND ngày 28/5/2020 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị (tên thương mại là Hamubay) phường Đức Long (Phan Thiết) và những hồ sơ, bản vẽ kèm theo.

Tháng 9/2021, Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận cho biết dự án “lấn biển, bố trí khu sắp xếp lại khu dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long, Phan Thiết” (tên thương mại là Hamubay) do Công ty TNHH đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải làm chủ đầu tư vẫn đang bị phong tỏa, không cho phép chuyển nhượng theo đề nghị của Bộ Công an.

Hơn 3,3 tỉ USD vốn ngoại FDI chảy vào bất động sản

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/8 tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt gần 16,8 tỉ USD, bằng 87,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, có 1.135 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tương đương cùng kỳ năm trước nhưng tổng vốn đăng ký lại giảm gần 44% so với cùng kỳ, chỉ đạt 6,35 tỉ USD.

Tuy vốn đầu tư đăng ký mới giảm, nhưng cả vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ.

Theo đó, có 676 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 5,8% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 7,5 tỉ USD, tăng gần 51% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó còn có 2.425 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt trên 2,9 tỉ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 10,7 tỉ USD, chiếm 63,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,3 tỉ USD, chiếm 19,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ; thông tin truyền thông với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 620,8 triệu USD và 518,9 triệu USD.

Nếu xét về số lượng dự án mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30,3%, 25,3% và 16,1% tổng số dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, dù vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021, song vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tăng lần lượt là 50,7% và 3,6%. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 12,8 tỉ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính lũy kế đến ngày 20/8, cả nước có 35.539 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên trên 430 tỉ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 264,4 tỉ USD, bằng 61,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Chỉ báo đáng lo ngại về thanh khoản của các doanh nghiệp bất động sản

Trong báo cáo chuyên đề về thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới đây, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fiin Ratings đánh giá đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp bất động sản hiện cơ bản ổn định nhưng năng lực tín dụng đang trên đà suy yếu do suy giảm doanh số và triển khai dự án chậm.

Theo dữ liệu tổng hợp từ kết quả kinh doanh của 54 doanh nghiệp bất động sản nhà ở đang niêm yết của Fiin Ratings, tính đến cuối quý 1/2022, tỷ lệ đòn bẩy nợ/vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp này là 0,47 lần, trong khi tỷ lệ bao phủ lãi vay là 5,69 lần. Cả 2 chỉ số quan trọng đo lượng năng lực tài chính của doanh nghiệp đều thấp hơn so với cuối năm 2021 lần lượt là 0,48 và 7,05 lần.

Dữ liệu trên cho thấy khả năng vay và trả nợ của các doanh nghiệp này vẫn tương đối ổn định. Tuy nhiên, theo Fiin Ratings, tình hình dịch bệnh và vấn đề pháp lý làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án, qua đó khiến việc tiếp cận nguồn vốn từ các kênh khác gặp hạn chế.

Đáng chú ý, thời gian quay vòng hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản đã tăng lên ở mức rất cao, lên mức trên 1.497 ngày tại thời điểm cuối tháng 6/2022. Điều này đồng nghĩa với việc với tốc độ triển khai và bán hàng như diễn ra trong quý 2 vừa qua thì phải mất hơn 4 năm các doanh nghiệp mới giải phóng lượng hàng tồn kho này. Fiin Ratings đánh giá đây là mức cao đáng báo động cho các doanh nghiệp bất động sản.

Vấn đề trên càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản niêm yết chứng kiến doanh thu thuần giảm 49% và lợi nhuận sau thuế giảm 72,5% trong quý 2/2022 và dự kiến năm 2022 đi ngang (với mức lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng chỉ 2%).

Bình Dương: Nhiều vi phạm về phí bảo trì tại dự án nhà ở xã hội Becamex

Theo Kết luận thanh tra số 71/KL-TTr của Thanh tra Bộ Xây dựng, chủ đầu tư dự án Nhà ở xã hội Becamex - Khu 1 Định Hòa đã không mở tài khoản gửi kinh phí bảo trì theo quy định tại khoản 1, Điều 36 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ.

Chủ đầu tư bàn giao căn hộ nhưng chưa thu số tiền phí bảo trì trên 488 triệu đồng từ người mua nhà.

Chủ đầu tư không nộp kinh phí trên cho Ban Quản trị, vi phạm khoản 2, Điều 36 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP.

Sau khi làm việc với đoàn thanh tra, chủ đầu tư đã chuyển trên 509 triệu đồng (tiền gốc và lãi) cho Ban Quản trị. Chủ đầu tư cam kết sẽ làm việc với Ban Quản trị để chuyển đầy đủ phần tiền lãi kinh phí bảo trì phát sinh theo đúng quy định.

Chủ đầu tư chậm bàn giao cho Ban Quản trị phần kinh phí bảo trì chủ đầu tư phải nộp cho các căn hộ chủ đầu tư đã bàn giao là chưa thu kinh phí báo trì vi phạm khoản 1, Điều 109 Luật Nhà ở năm 2014.

Dự án Nhà ở xã hội Becamex - Khu 1 Định Hòa.  
Dự án Nhà ở xã hội Becamex - Khu 1 Định Hòa.  

Đối với các hợp đồng mua bán sau ngày 2/4/2016, nội dung trong hợp đồng không ghi danh mục phần sở hữu chung theo quy định của Luật Nhà ở và phần sở hữu chung của nhà chung cư phải được sử dụng đúng mục đích, đúng công năng thiết kế được phê duyệt theo quy định, vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 7 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD.

“Những vi phạm nêu trên trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư - Tổng Cty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP” - kết luận nêu rõ.

Đáng chú ý, chủ đầu tư đã bàn giao và đưa vào sử dụng 12 block nhà chung cư thuộc Khu 1 - Định Hòa khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu đối với công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng. Trách nhiệm thuộc về Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương và chủ đầu tư.

Bảo Châu (t/h)

Theo Chất lượng và Cuộc sống