Tín dụng bất động sản tăng gần 15%, NHNN lý giải nguyên nhân doanh nghiệp khó tiếp cận vốn
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước thừa nhận thực tế nhiều doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng vẫn cón nhiều khó khăn, mặc dù được hưởng các chính sách hỗ trợ của ngân hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân dẫn tới tình trạng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay có một số lý do sau: Một là, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 kéo dài khiến kết quả kinh doanh sụt giảm, số lượng doanh nghiệp bị dừng hoạt động lớn, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cho hệ thống.
Hai là, phương án kinh doanh mới để khôi phục sản xuất - kinh doanh phụ thuộc nhiều yếu tố của thị trường, chính sách phát triển thị trường của các ngành, nhưng chưa bền vững.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó khăn về tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng càng khó khăn hơn do các nguyên nhân nội tại của doanh nghiệp nhỏ và vừa (tài sản đảm bảo có giá trị thấp, tính minh bạch của hoạt động kinh doanh hạn chế, trình độ quản lý kém,…); các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn thông qua bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua chưa đạt được như kỳ vọng.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, thời gian qua đã điều hành các giải pháp tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất-kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng.
Bên cạnh các giải pháp điều hành tín dụng, để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động triển khai nhiều giải pháp.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên chỉ đạo tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức; Tiếp tục triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; Phát triển mạng lưới tổ chức tín dụng, các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân...
Với hệ thống các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 7/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 11,48 triệu tỷ đồng, tăng 9,93% so với cuối năm 2021 và tăng 16,76% so với cùng kỳ năm 2021 do cầu tín dụng tăng ngay từ đầu năm, phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế.
Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong GDP; Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt, cao hơn cùng kỳ năm trước, một số lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung; Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 7/2022, tín dụng ngành nông, lâm, thủy sản tăng 7,31% so với cuối năm 2021; tín dụng công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%; ngành thương mại, dịch vụ tăng 10,73%.
Cùng thời điểm, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 14,69% so với cuối năm 2021, chiếm 20,81% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.
Trong đó, tín dụng với bất động sản kinh doanh tăng 6,6%; bất động sản mục đích tự sử dụng tăng 19,03%. Đáng lưu ý, tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm 28,71%, chiếm 0,35%. Tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống (tín dụng tiêu dùng) tăng 14,99%, chiếm 20,9%.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng đang chịu nhiều áp lực
Lạm phát có xu hướng tăng, lạm phát so với cùng kỳ tại thời điểm cuối năm 2022 dự kiến vượt 4% gây thách thức đối với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm 2023.
Việc điều hành giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn do: Lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng tăng; các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh; cầu tín dụng gia tăng; tỷ giá chịu nhiều sức ép; IMF khuyến nghị việc triển khai hỗ trợ phục hồi kinh tế thời gian tới của Việt Nam cần dựa chủ yếu vào chính sách tài khóa, trong khi chính sách tiền tệ cần thận trọng...
Áp lực lên vốn tín dụng ngân hàng tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế cần vốn để phục hồi nhưng các nguồn vốn khác diễn biến không thuận lợi.
Thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung cấp vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế; so với cùng kỳ năm 2021, đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối có xu hướng giảm.
Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính. Các tổ chức quốc tế (IMF, WB), tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đều cảnh báo về tỷ lệ này của Việt Nam.
Trước các áp lực với chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới tiếp tục chủ đồng, linh hoạt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thích ứng kịp thời với thị trường trong nước và ngoài nước.
Đồng thời, điều hành tín dụng an toàn, hiệu quả, phù hợp với diễn biến vĩ mô, tình hình lạm phát. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...