Tin nhanh bất động sản hôm nay (16/6): TP Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư 197 dự án gần 43 tỷ USD
TP Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư 197 dự án gần 43 tỷ USD; Hà Nội siết chặt quy định đấu giá đất cần tránh tạo ra thị trường ‘ảo’; Diễn biến mới ở dự án Khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng của Trung Quý – Bắc Ninh; Đà Nẵng xử lý các trường hợp xây dựng trái phép trên Bán đảo Sơn Trà;…là những thông tin đáng chú ý.
TP Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư 197 dự án gần 43 tỷ USD
UBND TP.HCM vừa chấp thuận danh mục dự án kêu gọi đầu tư của TP.HCM năm 2022 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đề xuất gồm 197 dự án với tổng vốn đầu tư 943.937 tỷ đồng, tương đương 42,897 tỷ USD.
Khu đô thị Hiệp Phước tại huyện Nhà bè với diện tích 1.354ha. Mục tiêu dự án đáp ứng yêu cầu di dời hệ thống cảng trên sông Sài Gòn, góp phần sắp xếp lại, xây dựng mới và phát triển hệ thống cảng biển TP.HCM phù hợp với sự phát triển chung của thành phố; Xây dựng khu đô thị gắn với cảng biển, phát triển không gian đô thị và cơ sở hạ tầng, kết nối với toàn thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo điều kiện mở rộng không gian đô thị TP.HCM ra biển.
Khu phức hợp trung tâm thương mại, dân cư, công viên phía Bắc đường Tạ Quang Bửu, phường 4, quận 8 với diện tích 14,7ha. Tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.
Dự án khu phức hợp 621 Phạm Văn Chí, phường 7, quận 6, với diện tích 22,78ha bao gồm căn hộ, thương mại – dịch vụ và các hoạt động dịch vụ khác. Tổng mức đầu tư 16.382 tỷ đồng.
Khu nhà ở cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ (khu 701/2 Kinh Dương Vương, phường 12, quận 6) với tổng mức đầu tư 359 tỷ đồng.
Khu nhà ở thương mại dịch vụ gồm 7 lô đất thuộc Khu chức năng số 3 (lô 4-3, 4-4,4-5,4-12,4-13,4-14,4-17) tại Thành phố Thủ Đức với diện tích 61.218m2.
Dự án khu trung tâm thương mại và dân cư khu vực phía Tây thành phố tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh với diện tích 239,9ha.
Dự án xây dựng nhà ở Điện lực Bình Chánh tại huyện Bình Chánh với diện tích 18,79ha gồm nhà ở xã hội và nhà ở thương mại.
Dự án đầu tư xây dựng khu trung tâm dân cư Tân Tạo – khu B, phường tân tạo A, Bình Tân với diện tích 145,68ha.
Xây dựng khu dân cư đô thị mới, dịch vụ thương mại, kết hợp du lịch giải trí – khu dân cư đô thị xã Tân Hiệp huyện Hóc Môn với diện tích 290,18ha.
UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư của TP.HCM năm 2022 và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định.
Hà Nội siết chặt quy định đấu giá đất: Tránh tạo ra thị trường ‘ảo’
Theo Quyết định số 24/2022/QĐ-UBNND của UBND thành phố Hà Nội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2020/QĐ-UBND ngày 18/11/2020 của UBND thành phố Hà Nội, người tham gia đấu giá đất phải nộp tiền đặt trước (tiền đặt cọc) bằng 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá.
Cụ thể, kể từ ngày nhận được quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá của UBND cấp có thẩm quyền, trong thời hạn 5 ngày, cơ quan thuế Hà Nội gửi thông báo nộp tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất bằng văn bản cho người trúng đấu giá. Thời hạn nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.
Đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức đấu giá chủ động xác định, đề xuất thời hạn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cụ thể tại phương án đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng không được quá thời gian quy định tại Điều 18 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.
Trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền theo đúng quy định thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan thuế của Hà Nội có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lập hồ sơ trình UBND cấp có thẩm quyền ban hành quyết định hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo thời hạn quy định.
Hồ sơ trình ban hành quyết định hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất.
Khoản tiền đặt cọc (theo quy định tại khoản 5 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản) của người bị hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 điều này được nộp vào ngân sách nhà nước sau khi trừ các khoản chi phí đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật.
Diễn biến mới ở dự án Khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng của Trung Quý – Bắc Ninh
UBND tỉnh Hải Dương vừa có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu Khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng, huyện Bình Giang, tỷ lệ 1/2.000 do CTCP Đầu tư Trung Quý – Bắc Ninh (Trung Quý – Bắc Ninh) làm chủ đầu tư.
Cụ thể, diện tích nghiên cứu quy hoạch được điều chỉnh tăng 26,6ha, lên 246,54ha. Trong đó, diện tích đất quy hoạch khu công nghiệp được điều chỉnh tăng 21,07ha, lên 235,64ha.
Theo tìm hiểu, chủ trương đầu tư dự án Khu công nghiệp (KCN) Phúc Điền mở rộng được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 3/2021 với quy mô 214,57ha, tổng vốn đầu tư 1.802 tỉ đồng.
Trung Quý – Bắc Ninh còn là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị phục vụ công nghiệp Thuận Thành III, phân khu B, quy mô 70ha.
KCN Thuận Thành III có diện tích 300ha, được Thủ tướng phê duyệt từ tháng 9/2008, có tổng vốn đầu tư 1.357 tỉ đồng. Dự án này bao gồm hai phân khu chính. Trong đó, như đã nêu, Trung Quý – Bắc Ninh làm chủ đầu tư phân khu B; CTCP Khai Sơn (Khai Sơn) làm chủ đầu tư phân khu A.
Đà Nẵng xử lý các trường hợp xây dựng trái phép trên Bán đảo Sơn Trà
Theo thông tin của UBND quận Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng), có 68 trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích xây dựng lán, trại, lều tạm, kinh doanh trái phép trên bán đảo Sơn Trà. Qua rà soát, các trường hợp trên đều là các hộ tự ý xây dựng trái phép, kinh doanh trái phép trên đất được giao khoán theo hồ sơ giao khoán đất để trồng rừng.
Về các biện pháp để xử lý các trường hợp xây dựng trái phép trên Bán đảo Sơn Trà, ông Hoàng Công Thanh – Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho hay, UBND quận đã ban hành Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 28/4/2021 xử lý các trường hợp xây dựng quán tạm, lán trại và kinh doanh trái phép trên bán đảo Sơn Trà; chỉ đạo UBND phường Thọ Quang cùng các phòng, ngành liên quan phối hợp Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn kiểm tra hồ sơ giao khoán đất trồng rừng, lập biên bản hiện trạng toàn bộ 68 trường hợp vi phạm. Từ năm 2017 đến nay, UBND quận Sơn Trà đã kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều trường hợp cơi nới hoặc xây dựng mới trên bán đảo Sơn Trà.
UBND quận Sơn Trà tiếp tục chỉ đạo UBND phường Thọ Quang và các phòng, ban, ngành của quận phối hợp với Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn tổ chức vận động, tuyên truyền, hỗ trợ các chủ hộ xây dựng, kinh doanh trái phép tự tháo dỡ công trình vi phạm. Đến nay, các đơn vị chức năng đã tháo dỡ 7/68 trường hợp (trong đó 6 trường hợp lực lượng hỗ trợ hộ dân tháo dỡ và 1 trường hợp cưỡng chế tháo dỡ theo quy định).
Hải Phòng thúc tiến độ các tuyến đường bộ ven biển đoạn qua thành phố trị giá hơn 3.600 tỉ đồng
Lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng mới đây đã có buổi kiểm tra tình hình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo hình thức đối tác công tư (Dự án BOT) và Dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng từ ĐT.353 đến cầu Thái Bình (Dự án đầu tư công).
Lãnh đạo thành phố nhấn mạnh, đây là 2 dự án giao thông rất quan trọng, nhưng cho đến thời điểm này, vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa bảo đảm yêu cầu về tiến độ.
Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu 2 huyện Tiên Lãng và Kiến Thụy sớm giải quyết dứt điểm về mặt bằng; đồng thời yêu cầu các Sở, ngành, Ban Quản lý dự án, doanh nghiệp dự án, liên danh nhà thầu tháo gỡ các vướng mắc trong cả công tác GPMB, nguồn vốn và tổ chức thi công, bảo đảm hoàn thành các dự án theo đúng tiến độ đã cam kết.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển theo hình thức BOT, lãnh đạo thành phố yêu cầu doanh nghiệp dự án tập trung chỉ đạo, điều hành, bố trí nguồn lực khẩn trương thi công; lãnh đạo doanh nghiệp dự án phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và đồng chí Bí thư Thành ủy thành phố Hải Phòng nếu không bảo đảm tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 30.5.2023.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển mở rộng (sử dụng vốn đầy tư công), yêu cầu Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về tiến độ thực hiện.
Ban Quản lý dự án cần rà soát tiến độ của Dự án BOT, báo cáo hàng ngày với UBND thành phố diễn biến trên công trường về lao động, phương tiện thi công trên toàn tuyến. Cùng với đó, xây dựng mốc tiến độ cho từng giai đoạn để kiểm tra, quản lý, áp dụng biện pháp phạt hợp đồng nếu chủ đầu tư không hoàn thành theo kế hoạch.
Đối với đoạn tuyến 9km trên địa bàn tỉnh Thái Bình (thuộc Dự án BOT) đề nghị địa phương sớm hoàn thành công tác GPMB, phục vụ thi công dự án.
Theo báo cáo, tính đến thời điểm này, đối với dự án đường bộ ven biển theo hình thức BOT, doanh nghiệp dự án đã thực hiện đạt giá trị hơn 1.150 tỉ đồng trong tổng số hơn 3.000 tỉ đồng, tương đương 38% giá trị hợp đồng BOT.
Dự án đường ven biển mở rộng giá trị thực hiện ước đạt 219 tỉ đồng trong tổng số hơn 683 tỉ, tương ứng 32% giá trị hợp đồng. Về mặt bằng, dự án còn vướng 2 hộ của dự án BOT, trong đó huyện Kiến Thụy 1 hộ và huyện Tiên Lãng 1 hộ.
Hà Nam kêu gọi đầu tư hai dự án hơn 6.200 tỉ đồng tại Kim Bảng
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam vừa công bố danh mục dự án để đầu tư đối với Khu nhà ở dân cư tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng.
Dự án có diện tích khoảng 6,5ha; Quy mô dân số dự kiến khoảng 688 người.
Theo quy hoạch phân khu 1/2000 Khu trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khu du lịch tại thị trấn Ba Sao thuộc Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, huyện Kim Bảng và đề xuất thực hiện dự án với quy mô dự kiến các hạng mục, công trình như: Công trình hạ tầng kỹ thuật; Công trình nhà ở gồm khoảng 44 căn nhà ở liên kế mặt phố dọc tuyến đường gom quốc lộ 21 (tuyến đường D1) với tổng diện tích khoảng 5.515m2; Mật độ xây dựng 80%-100%, tầng cao 3 tầng.
Sơ bộ chi phí thực hiện dự án là 166,8 tỉ đồng.
Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2025. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.
Hiện trạng đất chưa giải phóng mặt bằng.
Thời hạn để nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án là ngày 15.7.2022.
Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam cũng vừa công bố Dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Ba Sao để mời gọi nhà đầu tư. Dự án cũng thuộc huyện Kim Bảng, với tổng chi phí thực hiện dự kiến 6.225,5 tỉ đồng, tổng diện tích 177,41ha, thời gian thực hiện từ năm 2022 – 2025, thời gian hoạt động 50 năm. Dự kiến, quy mô dân số của Dự án khoảng 14.629 người.
Mục tiêu của Dự án là hình thành khu đô thị kết hợp nghỉ dưỡng sinh thái, vui chơi giải trí, thương mại dịch vụ… được bố trí hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc phong cách truyền thống tại thị trấn Ba Sao, thuộc Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, huyện Kim Bảng.