Tin nhanh BĐS tuần qua (26/4 – 30/4/2021)
“Sốt đất” hạ nhiệt khắp cả nước, giá nhà đất có dấu hiệu đi ngang, Vinhomes đạt doanh thu gấp đôi cùng kỳ, Thaiholdings thoát lỗ nhờ bán nhà máy xi măng, Bắc Giang duyệt nhiệm vụ quy hoạch KĐT sinh thái hơn 400 ha của FLC,… là những thông tin được quan tâm nhất tuần qua.
“Sốt đất” đã hạ nhiệt?
Tại họp báo thường kỳ quý I/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường sáng 28/4, ông Mai Văn Phấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai đã thông tin về tình hình sốt đất ở các địa phương. Theo đó tình trạng sốt đất đã bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt.
Thực tế cho thấy, sau khi có dư luận về tình trạng sốt đất, Tổng cục Quản lý Đất đai đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố nhằm chấn chỉnh tình trạng sốt đất, trong đó có yêu cầu các địa phương phải công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất. Sau khi các địa phương công khai thông tin, tình trạng sốt đất có dấu hiệu hạ nhiệt.
“Ở đây có bài học về công tác quản lý thị trường bất động sản. Do công tác này được triển khai chưa thấu đáo nên xuất hiện tình trạng môi giới lợi dụng, gây nóng thị trường. Chúng tôi tiếp thu bài học này để trong cơ chế chính sách cũng như tổ chức thực hiện phải có sự kiểm tra, giám sát tốt hơn”, ông Phấn nói.
Tại cuộc họp báo, ông Phấn cũng thông tin thêm, Tổng cục Quản lý Đất đai cũng đã lập kế hoạch kiểm tra vấn đề quản lý đất đai tại 26 tỉnh thành. Trong đó tại 13 tỉnh gồm Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Hà Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Bình Định, Kon Tum, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An sẽ kiểm tra trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép; việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa; việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thực hiện các dự án tại địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ trước 1/7/2014.
Giá nhà đất Bắc Giang đang đi ngang sau thời gian “đu đỉnh”
Giai đoạn 2015-2018, Bắc Ninh đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản. Năm 2018 giá đất khu vực thành phố – nơi tập trung đông đảo các chuyên gia nước ngoài sinh sống tăng 50-100% so với cuối năm 2015 với các điểm nóng là đường Ngọc Hân Công Chúa (phường Võ Cường) và K15 (phường Ninh Xá), Khả Lễ, Bồ Sơn. Ở những điểm nóng này, vị trí đắc địa giá chạm ngưỡng 80-100 triệu đồng/m2. Các vị trung bình giá cũng dao động từ 30-40 triệu đồng/m2.
Cùng với đó, Bắc Ninh chứng kiến sự thay đổi cơ cấu sản phẩm khi hàng loạt chung cư cao cấp được chào bán trên thị trường, sự du nhập của các loại hình mới như condotel, shophouse và sự bùng nổ nguồn cung đất nền ở các huyện như Từ Sơn, Yên Phong, Thuận Thành, Tiên Du…
Tuy nhiên, giai đoạn 2019-2020, thị trường Bắc Ninh có dấu hiệu chững lại sau giai đoạn phát triển nóng. Thị trường bình lặng, đôi khi được khuấy đảo bởi vài cơn sốt cục bộ, nhỏ lẻ rải rác ở một số nơi. Thế nhưng đến đầu năm 2021, trong cơn sốt đất nền như “lên đồng” của thị trường cả nước, Bắc Ninh lại trở thành điểm nóng với hiện tượng giá nhảy múa ở nhiều nơi, nhiều khu vực. Nguồn cơn cho sự nóng sốt của Bắc Ninh giai đoạn này là thông tin Bắc Ninh tiến tới trở thành thành phố trực thuộc T.Ư vào năm 2022 và thông tin thị xã Từ Sơn trở thành TP. Từ Sơn trực thuộc tỉnh.
Hải Phòng “sốt ảo”, môi giới rao bán cả dự án thu hồi để kiếm lời
Ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng cho biết, sự tăng nóng của thị trường bất động sản Hải Phòng hiện nay là một hiện tượng bất bình thường. Thông thường, biến động về giá đất đai có 3 nguyên nhân: Do quá trình điều chỉnh giá của nhà nước; do tác động của quan hệ cung – cầu hoặc tác động của môi trường đầu tư.
“Trong các nguyên nhân này thì yếu tố về cung – cầu đang bất thương thích so với thực tế. Vì theo quy luật phát triển chung, khi nguồn cung hoặc cầu có sự chênh lệch khá lớn có thể dẫn đến sự thay đổi về giá. Tuy nhiên nguồn cung trên thị trường hiện nay của Hải Phòng là rất lớn. Hải Phòng có rất nhiều dự án phát triển, quỹ đất và quỹ nhà rất lớn nhưng nhu cầu chưa phải đã tăng vọt so với thực tế”, ông Thành cho biết.
Cơn sốt đất lúc đầu chỉ nhen nhóm ở một số địa phương, giờ lan rộng ra toàn TP Hải Phòng, đặc biệt là những nơi mới được công bố quy hoạch để phát triển lên đô thị. Bên cạnh một số khu đất “sốt thật” tại Hải Phòng cũng có nhiều khu đất “sốt ảo”, “ăn theo”. Nhiều trường hợp là do giới đầu cơ, môi giới “phù phép” tạo ra sự khan hiếm giả, làm rối loạn thị trường để đẩy giá lên cao; thậm chí còn rao bán cả những dự án đã bị thu hồi để kiếm lời.
Điển hình như dự án Hoa Phượng Residence (phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng) đã từng được rao bán rầm rộ với hàng trăm lô nhà phố liền kề, biệt thự hoành tráng vào tháng 3/2021 vừa qua.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Dũng – Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng, Hoa Phượng Residence thực chất chỉ là một cái tên mới được giới “cò” đất đặt cho dự án khu đô thị mới Ngọc Xuyên. Dự án trước đây do Công ty TNHH MTV Tổng Công ty 28 làm chủ đầu tư nhưng đã bị TP Hải Phòng ra quyết định thu hồi vào tháng 6/2020. Việc rao bán này được coi là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong kinh doanh bất động sản.
Thực tế, thị trường đất đai tại Hải Phòng cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giá đất tăng từ thực tế phát triển quy hoạch, mở mang TP Hải Phòng là thật nhưng sẽ không nhiều và đột biến như hiện nay. Mức tăng từ những giá trị thực chỉ chiếm một phần trong cơn “sốt” đất, còn lại là do các hành vi thổi giá, rao bán dự án “ảo”.
Do vậy, người dân cần cẩn trọng để tránh được những rủi ro không đáng có khi thực hiện các giao dịch liên quan đến đất, đặc biệt là dự án đã bị thu hồi.
Sốt đất đầu năm: vùng đất bình lặng nhất cũng sốt
Ngày 24/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030. Theo Quyết định này, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Ngay lập tức, thông tin này đã kích thích thị trường bất động sản Thừa Thiên Huế vốn bình lặng và hiếm khi bị xáo động bởi các cuộc làm sóng thị trường trên diện rộng của môi giới, đầu cơ.
Một đặc điểm tính cách nổi bật của người Huế là sự kín đáo và trầm lặng. Trong đầu tư bất động sản, người dân nơi đây có xu hướng chọn sự an toàn là đầu tư lâu dài. Họ mua đất như của để dành, để đó, chờ quá trình phát triển đô thị hóa, đất thiết lập mặt bằng giá mới và bán đi. Họ không quen hoặc chưa quen với những cuộc đầu tư chớp nhoáng, lướt sóng bán kiếm lời như giới đầu tư đến từ các thành phố mà thị trường bất động sản vốn sôi động lâu nay như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa). Thế nhưng cách thức tạo nên cơn sốt đầu năm ăn theo thông tin Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có bóng dáng của những cuộc lướt sóng chớp nhoáng với sự góp mặt đông đảo của các nhà đầu tư đến từ các vùng lân cận và các nhà đầu tư ở địa phương.
Tâm điểm của cơn sốt đất là khu vực thành thị. Đất ở khu vực thành phố Huế ghi nhận sự tăng giá mạnh so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, mức tăng so với các vùng nóng sốt khác trên cả nước thời điểm đầu năm cũng “hiền hòa” hơn. Thay vì tăng “dựng đứng” lên tới 100%, 200%, mức tăng phổ biến ở thành phố Huế dao động chủ yếu từ 20-30%.
Bắc Giang duyệt nhiệm vụ quy hoạch KĐT sinh thái hơn 400 ha của FLC
UBND tỉnh Bắc Giang vừa có quyết định phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết 1/500 xây dựng Khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí hồ Hố Cao – Bắc Giang, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang. Theo đó, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính của xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang.
Ranh giới cụ thể như sau: Phía Bắc giáp đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn; phía Nam giáp đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp; phía Đông giáp khu dân cư và đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp; phía Tây giáp khu dân cư và đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp.
Dự án có diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 426,38 ha. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí và các công trình chức năng cấp đơn vị ở.
Cần Thơ sắp có Khu tái định cư hơn 100 ha tại phường Long Hòa
UBND TP Cần Thơ vừa có quyết định về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Khu tái định cư phường Long Hòa (Khu 2), quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Mục tiêu của dự án nhằm tạo nền tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng bởi các dự án và tái định cư tại chỗ trên địa bàn quận Bình Thủy.
Đồng thời, dự án đảm bảo việc xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch được duyệt, đáp ứng nhu cầu phát triển, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội; sắp xếp, bố trí ổn định dân cư cho các khu vực bị ảnh hưởng thiên tai (khu vực chịu ảnh hưởng sạt lở), nhằm ổn định và nâng cao đời sống người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai.
Khu tái định cư phường Long Hòa (Khu 2), quận Bình Thủy có diện tích gần 102 ha với khoảng 700 nền tái định cư. Các hạng mục đầu tư gồm: San lấp mặt bằng; xây dựng hệ thống đường giao thông; hệ thống thoát nước; hệ thống chiếu sáng; hệ thống cấp điện; hệ thống cây xanh; cắm mốc nền tái định cư…
Chủ đầu tư dự án là Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Cần Thơ; Viện Quy hoạch Xây dựng Cần Thơ là đơn vị tổ chức khảo sát, thiết kế cơ sở, lập dự án. Dự án thuộc nhóm B, loại công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, cấp III. Thời hạn sử dụng của công trình chính theo thiết kế hơn 50 năm.
Bầu Hiển muốn làm khu du lịch, sân golf 615 ha tại Quảng Trị
CTCP Tập đoàn T&T vừa có văn bản đề xuất UBND tỉnh Quảng Trị giao nghiên cứu khảo sát, lập quy hoạch và thực hiện dự án Khu tổ hợp du lịch – dịch vụ – đô thị và sân golf Cam Lộ. Theo đó, doanh nghiệp đã trình phương án lập quy hoạch dự án tại thị trấn Cam Lộ và xã Cam Thành, huyện Cam Lộ với quy mô khoảng 615 ha.
Trước đó, vào ngày 12/10, Tập đoàn T&T đã khởi công dự án Khu dịch vụ – du lịch Gio Hải tại xã Gio Hải, huyện Gio Linh, thuộc Khu dịch vụ – du lịch Cửa Việt, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 4.470 tỷ đồng.
Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 1/2000 siêu dự án gần 4.000ha tại Lâm Đồng
Dự án Khu du lịch quốc gia Đan Kia – Suối Vàng có diện tích gần 4.000ha, thuộc TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương. Hồi tháng 2/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng công bố Quyết định số 1771/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Đan Kia – Suối Vàng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, Khu du lịch quốc gia Đan Kia – Suối Vàng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang, hồ Đan Kia, hồ Suối Vàng; kết nối chặt chẽ với TP Đà Lạt, Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm và các điểm du lịch trọng điểm khác của tỉnh Lâm Đồng.
Quý I/2021: Vinhomes đạt doanh thu gấp đôi cùng kỳ
Công ty Cổ phần Vinhomes (Mã: VHM) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2021. Theo đó, trong quý đầu năm nay, tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt gần 13.000 tỷ đồng, tăng 99% so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể: trong tháng I/2021, tổng doanh thu thuần hợp nhất của VHM đạt 12.986 tỷ đồng, tăng 99% so với cùng kỳ năm 2020 (6.519 tỷ đồng) chủ yếu nhờ tăng trưởng doanh thu bán lẻ và bán lô lớn bất động sản.
Trong đó, doanh thu chuyển nhượng bất động sản 10.016 tỷ đồng, tăng 75%; doanh thu dịch vụ tổng thầu xây dựng và giám sát thi công ghi nhận tăng đột biến đạt hơn 1.826 tỷ đồng, các hoạt động dịch vụ quản lý bất động sản đem về 478 tỷ đồng, tăng 31%; dịch vụ cho thuê 354 tỷ đồng, tăng 27%.
Thaiholdings thoát lỗ nhờ bán nhà máy xi măng gần 600 tỷ đồng
Cụ thể, Quý I/2021, Thaiholdings đạt gần 1.087 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp 6,7 lần cùng kỳ năm 2020. Trong kỳ, các chi phí đặc biệt là chi phí lãi vay và tới 89 tỷ đồng đã ăn mòn lợi nhuận của Thaiholdings khiến doanh nghiệp lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 81 tỷ đồng.
Thaiholdings cho biết trong tháng 3, công ty đã thực hiện chuyển nhượng toàn bộ dự án nhà máy xi măng Minh Tâm công suất 4,5 triệu tấn/năm ở Bình Phước của Tập đoàn Thaigroup – CTCP cho CTCP Xi măng Xuân Thành Bình Phước. Giá trị chuyển nhượng là 680 tỷ đồng và lợi nhuận từ việc chuyển nhượng dự án được ghi nhận trên báo cáo kết quả kinh doanh cộng ngang của tập đoàn là 571 tỷ đồng.