Tin nóng bất động sản tuần qua (10 - 15/5)

Phó Thủ tướng ra chỉ đạo nóng về tình trạng “sốt đất” thời gian qua; Cơn “sốt đất” đầu năm “hạ nhiệt”, hàng loạt nhà đầu tư đứng ngồi không yên; thị trường bất động sản Đà Nẵng khởi sắc sau thời kỳ dài “ngủ đông”; chuyên gia “mách nước” cách đầu tư an toàn thời kỳ dịch bệnh,… là những thông tin được quan tâm nhất tuần qua.

 Tin nóng bất động sản tuần qua (10 - 15/5) - Ảnh 1

Đề xuất trị sốt đất, hạ giá nhà: Bộ Tài chính lên tiếng

Bộ Tài chính vừa phản hồi về đề xuất các giải pháp đặc trị sốt đất, sốt giá nhà của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA).

Trả lời vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, hệ thống chính sách thuế, phí và lệ phí đối với BĐS hiện hành được ban hành khá đầy đủ, bao gồm: Thuế sử dụng đất nông nghiệp; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Thuế thu nhập đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS; Lệ phí trước bạ và các khoản phí, lệ phí liên quan khác (như lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…).

Bộ Tài chính đánh giá, các chính sách thu này đã bao quát đầy đủ quá trình hình thành, sở hữu, sử dụng và chuyển nhượng BĐS, từng bước được hoàn thiện, góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng BĐS tiết kiệm, hiệu quả, từng bước hạn chế đầu cơ BĐS, sử dụng lãng phí đất đai.

Bộ Tài chính khẳng định, để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bất động sản thì việc nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách thuế liên quan là cần thiết. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực có tác động lớn, nhiều nội dung mang tính kỹ thuật đòi hỏi sự tham gia của nhiều bộ, ngành địa phương, vì vậy, cần phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành vào thời điểm thích hợp để đảm bảo tính khả thi, tính đồng thuận cao, góp phần hạn chế đầu cơ BĐS.

Lợi dụng thông tin “thổi” giá đất, Phó Thủ tướng ra chỉ đạo nóng

Cụ thể, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa yêu cầu Bộ Xây dựng tham mưu, cùng các địa phương xử lý nghiêm những hành vi, đối tượng môi giới lợi dụng thông tin về đầu tư dự án, quy hoạch… để đẩy giá đất lên cao nhằm thu lợi bất chính.

Liên quan đến việc thị trường mất cân đối về cơ cấu sản phẩm khi nguồn cung phân khúc cao cấp dồi dào còn nhà ở thương mại giá thấp lại ít và nằm xa trung tâm, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, trình Chính phủ chính sách để tăng nguồn cung, nhất là khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp.

Ngoài ra, lãnh đạo Chính phủ cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch; kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi chuyển mục đích sử dụng đất trái luật, sử dụng đất sai quy hoạch. Đồng thời tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về đất đai, công khai thông tin quy hoạch, thực hiện nghiêm quy định về đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất… Ngoài ra, Bộ này cũng cần có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Cơn “sốt đất” đầu năm “hạ nhiệt”, hàng loạt nhà đầu tư đứng ngồi không yên

Khi những cơn sốt bất động sản đầu năm dần lắng xuống, những môi giới kiêm nhà đầu tư cũng lao đao với sóng đất. Chính những môi giới kiêm nhà đầu tư này góp phần tạo nên một thị trường rối loạn về giá. Và cuối cùng, trong vòng xoáy của lòng tham, nhiều người trong số họ cũng phải gánh hậu quả khi cơn sốt đi qua.

Tin nóng bất động sản tuần qua (10 - 15/5) - Ảnh 2

Nhà đầu tư mắc cạn, chết chìm hay vỡ nợ…là những cụm từ xuất hiện dày đặc trên nhiều mặt báo sau mỗi cơn sốt đất. Những cụm từ này phản ánh tình trạng của rất nhiều người lao vào ôm đất đầu cơ trong cơn sốt với hi vọng kiếm lời nhanh chóng. Tuy nhiên, khi cuộc chơi hạ nhiệt, cứ 100 người sẽ có đến 80 người thất bại. Trước khi có cơn sốt đất ăn theo thông tin xin đề xuất nghiên cứu dự án sân bay Téc Ních ở huyện Hớn Quản, Bình Phước. Đất đai ở đây chủ yếu là đất nông nghiệp được người dân dùng để trồng cao su, tiêu, điều và một số cây hàng năm.

Thị trường bất động sản Đà Nẵng khởi sắc sau thời kỳ dài “ngủ đông”

Năm 2020 là một năm đầy biến động và khó khăn đối với Đà Nẵng. Sống chủ yếu nhờ vào hoạt động du lịch, dịch vụ vậy mà đại dịch đi qua đã khiến thị trường này gần như “ngủ đông” trong suốt một năm liền.

Trước những khó khăn từ năm cũ, cùng diễn biến dịch bệnh có thể còn kéo dài, Chính phủ và chính quyền TP. Đà Nẵng đã có nhiều chính sách nhằm cải thiện đầu tư, phát triển thị trường bất động sản thích nghi trong bối cảnh mới.

Theo số liệu từ Batdongsan.com.vn, trong quý I/2021 nhu cầu tìm kiếm, đầu tư bất động sản tại Đà Nẵng tăng 32% so quý IV/2020. Đây là điểm sáng đầu tiên, đặt nền móng cho những phục hồi về sau. Nhiều chuyên gia cũng dự báo, bất động sản Đà Nẵng sẽ phục hồi lại tính thanh khoản và tăng nhiệt trở lại ngay từ quý II năm 2021. Đặc biệt, “hộ chiếu” vaccine đã được thông qua, sẽ là một bước thúc đẩy lớn cho sự hồi phục và phát triển kinh tế, giúp bồi đắp giá trị bất động sản tại Đà Nẵng.

Đất nền Hòa Lạc lại “ngáo ngơ” sau sốt đất?

Những năm gần đây, đất ở Quốc Oai, Thạch Thất, Sơn Tây có mức giá chỉ từ 3-4 triệu đồng/m2 thì nay giá đất được rao bán lên tới 15-25 triệu đồng/m2. Những vị trí đẹp, mặt tiền đường, giá bị đẩy lên 30-40 triệu đồng/m2. Suốt 3 năm qua, Hòa Lạc đã trải qua nhiều đợt sốt. Mỗi đợt lại ăn theo một thông tin tích cực của hạ tầng, quy hoạch. Một thực tế là đất nền Hòa Lạc khan hiếm những dự án có quy hoạch 1/500 chuẩn chỉnh. Phần lớn các sản phẩm được chào bán ra thị trường trong 3 năm qua là những khu đất có diện tích lớn, được giới đầu cơ, đầu tư mua lại hoặc có sẵn từ trước, khi thấy thị trường có sóng liền phân lô bán nền. Kế đó, một số sàn tham gia thị trường với việc làm truyền thông, quảng cáo đẩy mạnh việc bán hàng.

Giá căn hộ “lập đỉnh” bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19

Báo cáo mới đây nhất về thị trường bất động sản quý I/2021 của Bộ Xây dựng cho thấy, giá căn hộ tiếp tục thiết lập mặt bằng mới. Cá biệt, có dự án tung ra mức giá được rao bán tới 300 triệu đồng/m2.

Theo Bộ Xây dựng, loại hình căn hộ bình dân (có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2) tại các đô thị lớn, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ với mức giá dưới 25 triệu/m2 rất ít, hầu như chỉ có ở các khu vực xa trung tâm. Các dự án dạng này trước đây có mức giá khoảng trên dưới 20 triệu/m2 đã tăng lên khoảng trên dưới 25 triệu/m2.

Trong khi đó, tại Hà Nội đa số dự án chung cư mới được đầu tư xây dựng thuộc phân khúc trung cấp và có giá bán dao động từ 30 đến trên 40 triệu đồng, tập trung nhiều tại các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Gia Lâm… Tại TP.HCM chung cư phân khúc trung cấp có giá cao hơn tại thị trường Hà Nội dao động từ khoảng 35 – 45 triệu đồng/m2.

Đối với loại hình căn hộ cao cấp (có mức giá trên 50 triệu đồng), mức giá liên tục leo thang. Tại Hà Nội, TP.HCM có nhiều dự án mới được đầu tư xây dựng với chất lượng cao, trang thiết bị hạng sang thiết lập mức giá rất cao, cụ thể như: Chung cư cao cấp The Nine – Phạm Văn Đồng có giá khoảng 50 triệu đồng/m2, chung cư The Matrix One có giá 55 – 60 triệu đồng/m2, dự án D’. Le Roi Soleil – Quảng An có giá khoảng 80 triệu đồng/m2, dự án Grandeur Palace Giảng Võ có giá khoảng 80 triệu đồng/m2…; dự án chung cư The Tresor – quận 4 có giá khoảng 60 – 70 triệu đồng/m2, dự án Saigon Royal – quận 4 có giá khoảng 90 triệu đồng/m2, dự án chung cư Sadora – quận 2 giá khoảng 70 triệu đồng/m2…

Siêu dự án 1.000 ha của Vingroup tại Đà Nẵng được bàn giao mặt bằng lần 2

Vừa qua, UBND quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) và Công ty CP Vinpearl (công ty con của Tập đoàn Vingroup) đã tổ chức ký kết giao nhận mặt bằng (đợt 2) dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân (P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu). Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân nằm ở chân đèo Hải Vân, được quy hoạch trên diện tích đất gần 1.000 ha. Công ty CP Vinpearl (Vingroup) làm chủ đầu tư với vốn đầu tư dự kiến 35.000 tỉ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD).

Đồng Nai phê duyệt quy hoạch đô thị Nhơn Trạch gần 2.000 ha

UBND tỉnh Đồng Nai vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 phân khu 4 theo điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quyết định phê duyệt, quy hoạch phân khu 4, đô thị mới Nhơn Trạch có diện tích hơn 1.900 ha, nằm tại các xã Phú Hội, Phước Thiền, Long Thọ và thị trấn Hiệp Phước. Phân khu 4 sẽ là khu dân cư đô thị và nông thôn hiện hữu cải tạo chỉnh trang; nâng cấp từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị mới Nhơn Trạch trong tương lai. Dự báo, dân số đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2035 là khoảng 90.000 người.

5 tỉnh đề xuất làm đường trên cao 135.000 tỷ đồng

Theo Quyết định 1287 phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài khoảng 98km đi qua địa phận TP Hà Nội (56,5km), Hưng Yên (20,3km), Bắc Ninh (21,2km). Hai tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Giang nằm ngoài phạm vi đầu tư xây dựng nhưng có vị trí tiếp giáp với điểm đầu và điểm cuối tuyến vành đai 4.

Chủ tịch TP Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc cho rằng việc đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô lúc này là hết sức cần thiết, cần tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện.

Do đó, lãnh đạo cả 5 tỉnh thống nhất đề xuất sẽ triển khai đầu tư nối thông toàn tuyến, không chia nhỏ thành các đoạn nhằm đảm bảo tính kết nối.

Đặc biệt, các lãnh đạo địa phương còn đề xuất sẽ nghiên cứu thêm phương án quy hoạch xây dựng phần đường cao tốc là cầu cạn trên cao thay cho việc đi bằng với quy mô 4 – 6 làn xe cao tốc

Uyển Nhi

Theo Kinh doanh & Phát triển