Tin nhanh BĐS nổi bật tuần qua: “Sốt đất” vẫn tiếp tục “nổ”, Novaland chuẩn bị ra mắt hai dự án, FLC xin dừng triển khai dự án hơn 600 ha tại Hạ Long

Giá nhà đất Ba Vì tăng “chóng mặt”, “sốt đất” tiếp tục nổ ra tại Thanh Hóa, Novaland chuẩn cho ra mắt hai dự án trong năm nay, dự án hơn 250.000m2 về tay Văn Phú – Invest, Tập đoàn FLC xin dừng nghiên cứu lập quy hoạch dự án hơn 600 ha tại Hạ Long,… là những thông tin BĐS được quan tâm nhất tuần qua (5/4 – 9/4/2021).

Tin nhanh BĐS nổi bật tuần qua: “Sốt đất” vẫn tiếp tục “nổ”, Novaland chuẩn bị ra mắt hai dự án, FLC xin dừng triển khai dự án hơn 600 ha tại Hạ Long - Ảnh 1

Tin nhanh thị trường BĐS tuần qua

Sốt đất tại Ba Vì: mảnh đất vốn chẳng có giá, nay đã chạm ngưỡng tiền tỷ

Kể từ sau “sơn sốt” năm 2010, thị trường BĐS Ba Vì gần như bị “đóng băng”. Tuy nhiên kể từ thời điểm sau Tết Tân Sửu, giá nhà đất nơi này bỗng “sốt nóng” trở lại, có nơi tăng 3,4 lần. Theo tìm hiểu, một mảnh đất trên địa bàn có diện tích khoảng 1.000m2, vốn có giá 450 triệu đồng thì nay đã lên tới 2,4 tỷ đồng. Hay những thửa đất nằm ở các tuyến đường lớn có giá giao dịch từ 800 triệu đến trên 1 tỷ đồng/mét dài. Chiều dài phụ thuộc vào từng thửa đất, có thửa dài chục mét, có thửa dài ba, bốn chục mét. Do đó giá cả của các thửa đất phụ thuộc vào địa thế rất nhiều. Còn đối với các thửa đất nằm ở đường làng, giá thường dao động từ 150 triệu đến 200 triệu đồng/mét dài.

Theo một môi giới đất tại xã Ba Trại (Ba Vì, Hà Nội) cho biết, một thửa đất tại thôn 4, Ba Trại nằm ở mặt đường hơn 3m, rộng hơn 3.000m2 có giá 3 tỷ 200 triệu đồng. Được biết mức giá này đã tăng 30% so với năm ngoái. Hay như một mảnh đất vườn rộng 1.700m2, mặt đường 2,5m có giá 1 tỷ đồng, nay đã bán được 1 tỷ 400 triệu đồng cho khách đầu tư.

Ngoài ra, đất vườn tại Ba Vì cũng đã tăng gấp 4,5 lần, dao động trong khoảng 250 – 350 triệu đồng/sào đất (360m2), trong khi 1 năm trước, mức giá chỉ khoảng 50 triệu đồng/sào.

“Sốt đất” tại Thanh Hóa, một tuần giá tăng chênh lệch hàng tỷ đồng

Kể từ thời điểm đầu năm 2021, đặc biệt là từ tháng 3 tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã ghi nhận sự tăng đột biến về giá nhà đất. Có nơi chạm ngưỡng chênh lệch hàng tỷ đồng. Điều này khiến cho thị trường BĐS Thanh Hóa đang “nóng” hơn bao giờ hết.

Theo tìm hiểu, tại TP Thanh Hóa một khu đất có diện tích 160m2 được rao bán với giá 850 triệu đồng.  Được biết cũng tại khu đất này trước đây chỉ được rao bán với giá 600 triệu đồng. Đáng chú ý, chỉ trong vòng 1 tuần sau, giá tại mảnh đất 160m2 này đã lên tới mức 1,3 – 1,5 tỷ đồng (tức chênh lệch gấp đôi so với giá ban đầu là 600 triệu).

Cách đó không xa, tại phường Quảng Thành, giá đất thổ cư dao động từ 400 – 600 triệu đồng/100m2 tùy vị trí. Còn đối với loại đất mặt bằng, cùng thời điểm này năm trước có giá khoảng 800 triệu đồng/100m2 thì năm nay đã lên hơn 1 tỷ đồng. Và hiện tượng nhảy giá tại các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Bứt phá mạnh mẽ về hạ tầng, BĐS Phan Thiết đang “nóng” trở lại

Trong vài năm trở lại đây, Bình Thuận đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không. Đây sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế tỉnh này ngày càng mạnh. Theo đó Bình Thuận dần trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng.

Trong vài năm trở lại đây, Bình Thuận đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không. Đây sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế tỉnh này ngày càng mạnh. Theo đó Bình Thuận dần trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng.

“Sốt đất” kéo dài, giá nhà đất vùng ven tăng đột biến

Chia sẻ về giá bán của các tỉnh thành phía Nam, ông Nguyễn Quốc Anh Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, tại TP Hồ Chí Minh, thông tin về việc quy hoạch lên quận tại 5 huyện ngoại thành khiến giá BĐS tại các khu vực này tăng nóng. Cụ thể, giá đất tại Cần Giờ, nơi đang diễn ra cơn sốt săn đất đô thị biển ghi nhận tăng đến 23% chỉ trong 3 tháng ngắn ngủi. Bốn huyện còn lại là Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi đều có giá tăng trung bình từ 15- 20%.

Tin nhanh BĐS nổi bật tuần qua: “Sốt đất” vẫn tiếp tục “nổ”, Novaland chuẩn bị ra mắt hai dự án, FLC xin dừng triển khai dự án hơn 600 ha tại Hạ Long - Ảnh 2

Ở khu vực các tỉnh giáp ranh, giá đất nền, nhà phố tại Bình Dương, Đồng Nai cũng nhảy múa theo biến động sức mua. Trên địa bàn TP. Biên Hòa, các nền nhà phố được chào bán với giá tăng hơn 15% so với cuối năm 2020. Tương tự, khu vực Nhơn Trạch, giá đất nền cũng nhích thêm đến 16%. Hai địa phương có nhu cầu tìm kiếm nhà đất cao của Bình Dương là Tân Uyên và Dầu Tiếng có giá đất nền nhảy múa đột biến, cao hơn từ 7-16% so với giá chào bán 3 tháng trước đó. Cá biệt, giá đất nền tại huyện Bàu Bàng có xu hướng điều chỉnh tăng đến 103%, dẫn đầu mức tăng của khu vực.

Tin nhanh dự án nổi bật tuần qua

Siêu dự án hơn 250.000m2 tại Thanh Hóa về tay Văn Phú – Invest như thế nào?

Vừa qua Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest (VPI) đã công bố thông tin về việc nhận chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH MTV Đầu tư Hùng Sơn (tương ứng 100% vốn điều lệ của công ty Hùng Sơn). Theo đó, dự án Khu biệt thự Hùng Sơn – Nam Sầm Sơn, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa do Công ty Hùng Sơn làm chủ đầu tư sẽ chính thức “về tay” VPI.

Theo tìm hiểu, Khu biệt thự Hùng Sơn được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 4038/QĐ-CT ngày 15/12/2004. Dự án nằm ở 2 xã Quảng Hùng và Quảng Đại, huyện Quảng Xương (nay là TP. Sầm Sơn), tỉnh Thanh Hóa. Dự án có quy mô 266 ha, tổng vốn khoảng 210 tỷ đồng.

Novaland rót 1 tỷ USD thâu tóm quỹ đất, chuẩn bị ra mắt hai dự án mới

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2021 của Novaland vừa được công bố, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2021 đạt gần 27.500 tỷ đồng, gấp 5,5 lần so với kết quả đạt được trong năm 2020. Lợi nhuận sau thuế dự kiến 4.100 tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với thực hiện năm trước.

Novaland cũng hoạch định sẵn kế hoạch đầu tư trong thời gian tới. Cụ thể doanh nghiệp sẽ tiến hành đầu tư 23 dự án, trong đó có 15 dự án tại TP Hồ Chí Minh và các dự án còn lại ở Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận và Khánh Hòa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sẽ triển khai hai dự án mới tại khu Đông TP Hồ Chí Minh và một dự án tại một trong ba tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận hoặc Lâm Đồng.

Thaiholdings chuẩn bị triển khai dự gần 10.000 tỷ tại Phú Quốc

Thông tin từ Thaiholdings cho biết, trong năm nay công ty dự kiến tăng vốn điều lệ từ 3.500 tỷ đồng lên 7.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Được biết, mục đích tăng vốn nhằm đầu tư tài chính vào các doanh nghiệp có cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh và các đơn vị có tiềm năng phát triển trong tương lai.

Được biết, song song với việc thực hiện các thương vụ chuyển nhượng, Thaiholdings cũng đang đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Đơn cử như dự án Tổ hợp khu nghỉ dưỡng Enclave Phú Quốc.

Dự án Tổ hợp khu nghỉ dưỡng Enclave Phú Quốc tại Hòn Thơm có quy mô 352 ha với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu vào khoảng 9.800 tỷ đồng, Thaiholdings dự kiến sẽ đầu tư tại đây khoảng 40 – 80% tổng mức vốn đối ứng. Dự án do CTCP Enclave Phú Quốc (công ty con do Thaiholdings nắm 98% vốn) làm chủ đầu tư.

Vừa được thay đổi vị trí, Tập đoàn FLC lại xin dừng nghiên cứu lập quy hoạch siêu dự án hơn 600ha tại Hạ Long

ngày 6/4, Tập đoàn FLC đã có văn bản gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh, Thành ủy TP Hạ Long, UBND TP Hạ Long về việc xin dừng nghiên cứu lập Quy hoạch phân khu Khu đô thị Đại học, tổ hợp văn hóa đa năng kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng sân golf tại phường Hoành Bồ, xã Lê Lợi (TP Hạ Long) và đề nghị giới thiệu địa điểm mới để nghiên cứu, lập quy hoạch.

Lý do mà Tập đoàn FLC đưa ra để xin dừng nghiên cứu lập Quy hoạch là do trong ranh giới mà TP Hạ Long đã giới thiệu để nghiên cứu lập quy hoạch, có nhiều khu vực đã được giao cho đơn vị, doanh nghiệp khác nghiên cứu, khảo sát đầu tư. Đồng thời, Tập đoàn FLC đề nghị nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND TP Hạ Long giới thiệu địa điểm khác, phù hợp hơn tại địa bàn TP Hạ Long cho Tập đoàn FLC nghiên cứu lập quy hoạch phân khu Khu đô thị Đại học, tổ hợp văn hóa đa năng kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng sân golf, để Tập đoàn FLC có thể khởi công dự án Trưởng đại học FLC và các hạng mục trọng điểm khác trong năm 2021.

Ngoài ra FLC khẳng định, cam kết sẽ tự nguyện bỏ kinh phí nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng đồ án và tuân thủ đúng các trình tự, thủ tục theo quy định hiện hành.

Quang Anh

Theo Kinh doanh & Phát triển