Tin nóng bất động sản tuần qua (31/5 - 5/6/2021)

Thị trường nhà phố tiếp tục “điêu đứng” vì dịch bệnh, nhà đầu tư “đỏ mắt” tìm căn hộ dưới 2 tỷ, những thông tin dự báo về những cơn sốt đất có thể xảy ra trong thời gian tới, Hải Phòng tăng cường quản lý đất đai và kiểm soát sốt đất ảo, Phát Đạt chính thức sở hữu Bình Dương Tower, LDG Group tiếp tục hoãn ĐHĐCĐ thường niên 2021 vì dịch bệnh, cá nhân 8x thành lập “siêu công ty” vốn điều lệ 500.000 tỷ,… là những thông tin được quan tâm nhất tuần qua.

Thị trường nhà phố tiếp tục “điêu đứng” vì dịch bệnh.

Năm 2020 là giai đoạn cực kỳ khó khăn với thị trường cho thuê mặt bằng nhà phố, mọi chuyện tưởng sẽ tươi sáng hơn khi dấu hiệu khởi sắc nhen nhóm trong quý I/2021. Tuy nhiên, trong vài tuần đầu tháng 5, từ khi dịch Covid-19 bùng phát lại, tình hình chuyển biến xấu hơn so với hồi tháng 3 và 4/2021.

Chỉ riêng 3 tháng đầu năm nay, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do ảnh hưởng khó khăn dịch bệnh kéo dài cùng với sự phát triển nhanh của thương mại điện tử khiến hơn 8.700 doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại tiếp tục rời thị trường, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 khiến nhiều hộ kinh doanh chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động. Ngoài ra, xu hướng kinh doanh trực tuyến cũng khiến cho mặt bằng nhà phố tại TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác thêm khó khăn trong việc tìm khách thuê.

Tin nóng bất động sản tuần qua (31/5 - 5/6/2021) - Ảnh 1

Theo tìm hiểu, giá thuê nhà mặt phố thời điểm tháng 2/2021 khi đợt dịch thứ ba bùng phát ghi nhận mức giảm lên đến 50%. Xu hướng này có thể còn nặng nề thêm do tác động của đợt dịch mới, nghiêm trọng hơn trong tháng 5/2021. Giá thuê nhà mặt phố giảm phụ thuộc rất lớn vào biến số Covid-19. Nếu đại dịch sớm được kiểm soát và niềm tin vaccine mạnh dần lên, thị trường nhà phố cho thuê có thể khó khăn thêm 3-6 tháng, sau đó sẽ vượt qua thách thức và hồi phục dần với tốc độ chậm. Tuy nhiên, nếu các đợt dịch vẫn tái bùng phát, tâm lý khách thuê nhà phố mặt tiền để kinh doanh sẽ ngày càng xuống thấp, dẫn đến giá thuê chưa dứt được mạch giảm.

“Đỏ mắt” tìm căn hộ dưới 2 tỷ thời điểm này

Chia sẻ về thị trường căn hộ tại TP Hồ Chí Minh trong nửa đầu năm 2021, bà Võ Khánh Trang – PGĐ bộ phận thị trường Savills Việt Nam nhìn nhận, thành phố đang ngày càng khan hiếm nguồn cung nhà ở, nhất là sản phẩm nhà ở trung cấp, bình dân. Lượng căn hộ đang chào bán trên thị trường có giá trị từ 2 tỷ trở xuống hiện chỉ chiếm khoảng 10% tổng nguồn cung thị trường. Đáng chú ý là nhu cầu với loại hình căn hộ dưới 2 tỷ đang ngày càng gia tăng, nhất là từ nhóm gia đình trẻ và người độc thân. Tình trạng khan hiếm dòng sản phẩm này đang diễn ra phổ biến tại TP Hồ Chí Minh.

Theo khảo sát, tính riêng 5 tháng đầu năm 2021, TP Hồ Chí Minh có khoảng 12 dự án chung cư chào bán, giá tầm 90-100 triệu/m2. Gần 70% các dự án còn lại đều thuộc phân khúc trung – cao cấp, giá bán trên 45 triệu/m2. Dòng sản phẩm giá 37-40 triệu/m2 hiện chỉ còn vài dự án tập trung ở khu Tây và một số huyện ngoại thành phía Nam như Bình Tân, Bình Chánh, quận 12 và nguồn cung cũng không còn nhiều.

“Sốt đất” liệu có tiếp tục xảy ra trong thời gian tới?

Nếu như cơn sốt đất từng sục sôi khắp các địa phương trong quý 1/2021 thì hiện tại, sang tháng 5, sức nóng đã lắng xuống. Trong quý 1/2021, mức độ quan tâm tăng mạnh ở loại hình đất nền, đất nền dự án. Một số khu vực ghi nhận mức tăng mạnh cả về giá bán và mức quan tâm so với quý trước như: Ba Vì – Hà Nội (mức độ quan tâm tăng 33%, giá rao bán tăng 76%), Thái Nguyên (mức độ quan tâm tăng 50%, giá rao bán tăng 15%), Bắc Ninh (mức độ quan tâm tăng 37%, giá rao bán tăng 10%), Hưng Yên (mức độ quan tâm tăng 32%, giá rao bán tăng 26%), Hòa Bình (mức độ quan tâm tăng 35%, giá rao bán tăng 102%)…

Tin nóng bất động sản tuần qua (31/5 - 5/6/2021) - Ảnh 2

Về khả năng xảy ra sốt đất trong thời gian tới, mới đây, bà Đỗ Thu Hằng – Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội dự báo, sốt đất sẽ không xảy ra trong thời gian sắp tới, ít nhất là ngắn hạn.

Các nhà đầu tư chưa tham gia ngay mà còn chờ thị trường tự điều chỉnh xuống ngưỡng hợp lý. Sốt đất đã nhiều lần xảy ra nhưng dường như “sức nặng” của những thông tin cảnh báo và những bài học nhãn tiền từ những nhà đầu tư “ôm bom” vẫn không thắng được sức hút của lợi nhuận. Do đó, nhà đầu tư khi muốn tham gia cần tìm hiểu kỹ.

Hay như Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam từng chia sẻ, khi so sánh với giá bất động sản trong giai đoạn vừa qua, nếu mức tăng giá chỉ vài phần trăm thì có thể coi là xu thế đang tăng. Nhưng nếu biên độ tăng quá lớn, lên đến vài chục phần trăm thì nhà đầu tư phải cân nhắc trước khi tham gia vì điều này trái với quy luật thị trường.

Hải Phòng tăng cường quản lý đất đai và kiểm soát sốt đất ảo

Trước tình trạng giá đất ảo xảy ra trên địa bàn gây khó khăn cho công tác quản lý, UBND TP. Hải Phòng đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, về giá đất trên địa bàn thành phố.

Theo đó, gần đây trên địa bàn TP. Hải Phòng xuất hiện nhiều giao dịch về đất đai, có hiện tượng làm giá, mua đi bán lại nhiều lần tại cùng một thửa đất, một vị trí khiến giá giao dịch trở nên cao bất thường, điển hình là tại các quận, huyện: Dương Kinh, Hải An, Thủy Nguyên, An Dương, An Lão, Kiến Thụy…

Đối tượng tham gia lĩnh vực này khá đa dạng, có cả cá nhân và doanh nghiệp không chuyên trong lĩnh vực bất động sản. Đây là hoạt động “làm thị trường” để tạo sốt đất của một nhóm nhà đầu tư có tổ chức, có kịch bản đã chuẩn bị sẵn, hoạt động bài bản, lợi dụng các thông tin về quy hoạch nhằm tạo cơn sốt đất ảo để kiếm lời.

Tình trạng này gây nên nhiều hệ lụy cho xã hội, làm mất cân bằng thị trường, khó khăn cho công tác quản lý, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư trên địa bàn thành phố, đồng thời kéo theo các tiêu cực như mất an ninh trật tự, tín dụng đen. Để tình trạng này không tiếp diễn kéo dài, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với UBND cấp huyện công bố công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định…

Hoàn tất thương vụ M&A, Phát Đạt chính thức sở hữu Bình Dương Tower

Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã CK: PDR) đã hoàn tất nhận chuyển nhượng 99,5% phần vốn góp của các cổ đông Công ty Cổ phần Bất động sản Đầu tư và Phát triển cao ốc Bình Dương để chính thức sở hữu dự án Bình Dương Tower.

Tin nóng bất động sản tuần qua (31/5 - 5/6/2021) - Ảnh 3

Theo tìm hiểu, Bình Dương Tower (bao gồm hai dự án Bình Dương Tower 1 và Bình Dương Tower 2) tọa lạc tại trung tâm đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Thuận Giao, TP. Thuận An; giao nối với Quốc lộ 13, và cách TP Hồ Chí Minh chỉ 20km.

Đây cũng là dự án bất động sản thứ 2 được Phát Đạt triển khai tại Bình Dương. Trước đó, đầu năm 2020, Phát Đạt cũng đã phát triển Dự án Khu phức hợp thương mại & Căn hộ cao cấp Astral City tại vị trí mặt tiền Quốc lộ 13, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương, với diện tích xấp xỉ 3,73 ha.

Bầu Thụy chi gần 1.000 tỷ đồng “gom” hơn 32 triệu cổ phiếu LPB

Theo nhiều nguồn tin, ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) – Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank vừa đăng ký mua vào 32,54 triệu cổ phiếu LPB. Thời gian thực hiện từ 8/6-8/7, theo hình thức thỏa thuận và khớp lệnh.

Ông Nguyễn Đức Thụy, còn được biết đến nhiều hơn với cái tên “bầu Thụy” và là người sáng lập CTCP Thaiholdings chính thức được giới thiệu là cổ đông lớn của LienVietPostBank hồi tháng 2 năm nay.

Hiện tại, bầu Thụy đang trực tiếp nắm giữ hơn 20,36 triệu cổ phiếu LPB, tương đương 1,895% vốn. Nếu giao dịch này thực hiện thành công, bầu Thụy sẽ nâng tỷ lệ sở hữu ở LPB lên 4,92%. Tạm kết phiên sáng 2/6, cổ phiếu LPB có giá 30.300 đồng/cp, tăng 139% từ đầu năm. Ước tính, ông Thụy sẽ cần chi hơn 985 tỷ đồng để mua lượng cổ phiếu đăng ký.

LDG Group tiếp tục hoãn ĐHĐCĐ thường niên 2021 vì dịch bệnh

Theo thông tin từ phía LDG Group ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 lần hai của công ty tiếp tục không thể tổ chức do phải chấp hành chỉ đạo của TP Hồ Chí Minh về thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 kể từ 0h ngày 31/5/2021.

Theo đó, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần hai dự kiến tổ chức vào 14h30 ngày 7/6 sắp tới sẽ được tạm hoãn và dời sang thời điểm thích hợp đến khi có thông báo mới. Trước đó, vào ngày 15/4, LDG Group đã hủy ĐHĐCĐ 2021 lần thứ nhất do không đủ điều kiện tiến hành.

Cụ thể, Theo dự kiến ĐHĐCĐ thường niên lần 1 năm 2021 của CTCP Đầu tư LDG (mã LDG) sẽ được tổ chức vào ngày 15/4/2021. Tuy nhiên sự kiện đã phải hủy bỏ do không đủ điều kiện tổ chức.

Cá nhân 8x thành lập “siêu công ty” vốn điều lệ 500.000 tỷ, liệu có sự nhầm lẫn?

Theo tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong ngày 20/5, tại TP Hồ Chí Minh bất ngờ xuất hiện một doanh nghiệp thành lập với vốn điều lệ lên tới 500.000 tỷ đồng.

Cụ thể, CTCP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động toàn cầu (Auto Investment Group) có trụ sở chính tại tầng 46, Tòa nhà Bitexco Financial Tower (quận 1) với vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng và CTCP Tập đoàn Kinh doanh tự động Toàn cầu (GAB Group) có vốn 25.000 tỷ đồng, trụ sở tại tầng 72, Toàn nhà Landmark 81 (quận Bình Thạnh). Trong đó, quy mô vốn của Auto Investment Group vượt xa các doanh nghiệp hàng đầu thị trường hiện nay. Trên sàn chứng khoán, những doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất như Vingroup hay Vietcombank cũng chỉ gần 400.000 tỷ đồng.

Công ty có ngành nghề kinh doanh chính là lập trình máy vi tính do 3 cổ đông sáng lập nắm giữ 100% vốn. Trong đó, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (sinh năm 1986), Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật nắm 99,996% vốn, tương đương 499.998 tỷ đồng. 0,004% vốn, tương đương 2 tỷ đồng còn lại chia đều cho hai cá nhân khác là bà Nguyễn Thị Diễm Hằng và ông Lưu Thiện Hữu.  Cả ba cổ đông đều có địa chỉ thường trú tại phường Phước Bình, TP Thủ Đức. Trong đó, ông Quốc Anh và bà Hằng có địa chỉ cùng đường, chỉ khác số nhà.

Vốn số vốn điều lệ đăng ký thì đây là doanh nghiệp có mức vốn điều lệ lớn nhất từ trước đến nay, thậm chí vượt cả vốn điều lệ của 29 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất (đã công bố báo cáo tài chính) đến hết quý I/2021. Mức vốn điều lệ của Auto Investment Group còn vượt xa các ông lớn nhà nước như Tập đoàn PVN, Viettel, VNPT.

Bảo Châu

Theo Kinh doanh & phát triển