Tình hình cuộc đua M&A ngành bất động sản cuối năm 2023

Các doanh nghiệp địa ốc trong nước đang bị thất thế trong cuộc đua M&A (mua bán và sáp nhập) ngay trên chính sân nhà vì không đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Cuối năm 2023 diễn ra sự kiện M&A “khủng” 

Một trong những sự kiện đáng chú ý nhất trong lĩnh vực bất động sản những ngày giữa tháng 12/2023 là việc UBND tỉnh Bình Dương vừa cho phép Becamex IDC chuyển nhượng dự án khu đô thị Tân Thành Bình Dương tại TP. Thủ Dầu Một cho CapitaLand.

Dự án vừa được CapitaLand mua lại rộng 18,9ha, trong đó tổng diện tích xây dựng gần 593.000m2. Với tổng mức đầu tư 13.645 tỷ đồng, dự kiến cung cấp 462 căn biệt thự và khoảng 3.300 căn hộ. Quy mô dân số khoảng 12.000 người. Giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 5.085 tỷ đồng.

Gần như cùng thời điểm, CapitaLand cũng là nhân vật chính trong thỏa thuận hợp tác với United Overseas Limited Australia (UOA) - đại gia địa ốc có trụ sở tại Malaysia, để đầu tư dự án trị giá 247,1 triệu USD (khoảng 6.000 tỷ đồng) tại Việt Nam, theo Deal Street Asia.

Theo thỏa thuận, UOA Việt Nam sẽ nắm giữ 30% cổ phần, còn thành viên của CapitaLand nắm giữ phần vốn góp còn lại (70%). Như vậy, phần vốn của UOA Vietnam BDC trị giá 74,13 triệu USD.

Trước đó không lâu, CapitaLand gây ấn tượng khi đàm phán mua lại khối tài sản trị giá 1,5 tỷ USD của Vinhomes. Hiện, chủ sở hữu, người đại diện pháp luật của Công ty Ánh Sao - đơn vị sở hữu một phần dự án Vinhomes Smart City Tây Mỗ - đã được thay đổi sang CapitaLand.

Dễ nhận thấy, CapitaLand chính là một trong những cái tên nổi bật trong cuộc đua M&A ngành bất động sản Việt thời gian qua. Không ít người còn ví ông lớn đến từ Singapore như một “kẻ đi săn” lắm tiền, nhiều của sẵn sàng nhảy vào các dự án tiềm năng.

Khu đất vàng Becamex IDC chuyển nhượng cho CapitaLand   
Khu đất vàng Becamex IDC chuyển nhượng cho CapitaLand   

Nhiều “đại bàng” ngoại quốc chăm chỉ săn dự án Việt

Không chỉ có CapitaLand, nhiều đại gia ngoại khác cũng đang đẩy mạnh săn tìm những dự án tốt tại Việt Nam. Hai hình thức phổ biến nhất là thu mua quỹ đất của những doanh nghiệp bất động sản trong nước hoặc tự thành lập doanh nghiệp bất động sản để phát triển sản phẩm riêng.

Như Keppel Group (Singapore) đã chi 50,4 triệu USD mua 65% cổ phần công ty nắm giữ một dự án bất động sản thương mại tại Hà Nội. Công ty này cũng mua 49% cổ phần hai dự án dân cư ở TP.HCM từ Công ty CP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền với tổng giá trị 136 triệu USD.

Hay Gamuda (Malaysia) đã thông báo việc công ty con là Gamuda Land đạt được thỏa thuận mua lại toàn bộ cổ phần của 3 cá nhân trong CTCP Bất động sản Tâm Lực với giá trị hơn 7.200 tỷ đồng.

Có thể thấy, trong bối cảnh khối nội gặp khó, các đại gia nước ngoài đang chớp thời cơ để thâu tóm dự án. Điều này phần nào chỉ ra gió lại một lần nữa dần đảo chiều trong cuộc đua M&A, khi trong 5 năm qua, các doanh nghiệp nội đã nắm thế chủ động, nay vị thế thuộc về khối ngoại.

Theo thông tin từ tạp chí vnbusiness, bà Nguyễn Thị Vân Khanh, chuyên gia của JLL Việt Nam, đánh giá thâu tóm hay hợp tác là hai mảng của M&A. M&A hiện tại không chỉ là một “game" thu gom tài sản đơn thuần, vì vậy, các doanh nghiệp nội có thể coi đây như giải pháp để nâng cao nội lực, tăng sức cạnh tranh.

Trong bối cảnh thị trường gặp khó, dòng vốn ngoại từ mua bán, sáp nhập được kỳ vọng sẽ trở thành “lối thoát hiểm”, giúp các doanh nghiệp địa ốc hồi phục nhanh hơn. Những cái “bắt tay tỷ đô” giữa khối nội và khối ngoại cũng là cơ hội để tăng nguồn cung cho thị trường.

Phương Uyên

Theo Chất lượng và Cuộc sống