Tổng cầu bất động sản suy giảm, doanh nghiệp cần chủ động thoát hiểm

Kể từ khi nền kinh tế rơi vào khó khăn thì bất động sản cũng đã bị kéo vào vòng xoáy bấp bênh, tăng trưởng thấp, ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác nhau. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chủ động chọn giải pháp tiết giảm chi phí, thu gọn quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ buộc phải dừng hoạt động hoặc phá sản.

Tổng cầu suy giảm, doanh nghiệp phải chủ động ứng phó

Theo Tổng cục Thống kê, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10 cả nước có 1.067 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, mỗi tháng có 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường. Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới trong 10 tháng qua cũng giảm 50,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Vấn đề của nền kinh tế Việt Nam hiện nay nằm nhiều ở sự suy yếu của tổng cầu. Hoạt động xuất - nhập khẩu hiện phụ thuộc rất nhiều vào sự phục hồi của các nền kinh tế lớn nhập khẩu hàng hoá dịch vụ từ Việt Nam. Cho đến thời điểm này, thị trường xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những tín hiệu tích cực nhưng chưa đủ để đưa tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trở lại như năm 2022.

Tổng cầu bất động sản suy giảm, doanh nghiệp cần chủ động thoát hiểm - Ảnh 1

Điều này cũng gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản qua biểu hiện về sự trầm lắng của thị trường khi giao dịch kém, nguồn cung thì hạn chế. Đặc biệt ở phân khúc nhà ở, nhà cho thuê trong thời gian qua là một trong số những nguyên nhân khiến tổng cầu suy giảm và ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng GDP.

Trong khi đó, niềm tin của thị trường cũng chưa hoàn toàn phục hồi, nhiều dự án vẫn trong tình trạng chờ gỡ vướng pháp lý nên chưa thể triển khai.

Bên cạnh đó, khó khăn về dòng tiền cũng kìm hãm doanh nghiệp do tồn kho tăng cao, không có người mua nhà và không tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng.

Đưa ra khuyến cáo với các doanh nghiệp bất động sản, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp bất động sản, không nên trông chờ nhiều vào tín dụng ngân hàng, chờ được nới room hay tăng room, bởi lượng tín dụng đổ vào bất động sản đang khá cao và vẫn trong xu hướng tăng. Với tình trạng hiện nay, kể cả có room riêng cho bất động sản, các doanh nghiệp chưa chắc đã tiếp cận được vì không đáp ứng các điều kiện cho vay từ phía ngân hàng. Nếu bất động sản vẫn tiếp tục trông mong vào tín dụng hỗ trợ thì sẽ tạo ra rủi ro hệ thống rất lớn.

Để có thể tiến tới thời kỳ tăng trưởng và phát triển bền vững, các doanh nghiệp bất động sản cần tái cấu trúc để sống sót qua giai đoạn này bằng mọi giá, kể cả xả hàng cắt lỗ để cơ cấu nợ. Từ đó doanh nghiệp làm sạch hồ sơ tiếp cận nguồn vốn tín dụng và trái phiếu và nguồn vốn từ tiền đặt trước của khách hàng. Bên cạnh đó, các nhà phát triển dự án cũng cần cơ cấu lại sản phẩm đầu tư, không thể chỉ mãi chạy theo phân khúc cao cấp mà phải xác định theo đuổi phân khúc giá phù hợp với thu nhập của người dùng. Đồng thời khai thác nhu cầu thực tế của số đông chứ không phải mục đích đầu cơ của một nhóm nhỏ, tạo ra sự xáo trộn trên thị trường.

Thị trường sẽ ấm dần lên

Bằng sự nỗ lực gỡ vướng từ các chính sách cho thị trường bất động sản, một số khó khăn, vướng mắc dần dần được tháo gỡ cùng với sự chủ động ứng phó của doanh nghiệp, dự báo trong thời gian không xa, thị trường sẽ ấm dần lên từ những tín hiệu tích cực.

Thị trường sẽ ấm dần lên trong thời gian tới
Thị trường sẽ ấm dần lên trong thời gian tới

Trong đó, tiến độ giải quyết các dự án chậm tiến độ được đẩy nhanh. Kết quả ghi nhận, Hà Nội đã giải quyết được 419 dự án, tương đương 58,8% số lượng dự án gặp khó khăn. TP.HCM tháo gỡ được 67 dự án tương đương 37,2% số lượng dự án có vướng mắc.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, các địa phương còn lại đang tiếp tục giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp. Các dự án đang được tháo gỡ sẽ góp phần đảm bảo nguồn cung, thúc đẩy thị trường trong thời gian tới.

Nhiều chuyên gia lạc quan dự báo, quý 3/2023 sẽ là bước đệm cho sự chuyển mình của thị trường. Bức tranh toàn cảnh thị trường bất động sản sẽ có thêm những điểm sáng và ấm dần trong năm 2024.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia nhận định, thị trường bất động sản hiện nay có cơ hội nhiều hơn thách thức, bởi đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và chuyển sang phục hồi. Cụ thể, đến quý 2/2023 đã xuất hiện chào bán trở lại của hơn 200 sản phẩm bất động sản với khoảng 3.700 giao dịch thành công. Quý 3/2023, số giao dịch thành công đã đạt hơn 5.000 cùng 300 dự án mở bán. Điều này cho thấy, niềm tin của các nhà đầu tư và lượng giao dịch bất động sản đang quay trở lại.

Tương tự, Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services cho biết, khi chạm đến đáy thì sớm hay muộn cũng phải đến thời điểm thị trường bất động sản phục hồi trở lại. Mặc dù, quý 3/2023 thị trường bất động sản chưa có tăng trưởng đột biến, nhưng chắc chắn có tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ. Với nhiều thông tin chuyển biến tích cực thì hoàn toàn có cơ sở để dự báo thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên từ cuối quý 3/2023 và sẽ phục hồi rõ nét hơn vào năm 2024./.

HÀ THU

Theo Kinh doanh và Phát triển