TP.HCM: Cách nào gỡ vướng cho hàng loạt dự án đang ‘mắc cạn’?

Theo khảo sát, hiện nay ở TP.HCM có hàng trăm dự án đang vướng mắc khiến nguồn cung. Từ những doanh nghiệp địa ốc tên tuổi cho đến những doanh nghiệp nhỏ đều đang gặp vô số những khó khăn tại dự án đang triển khai hoặc nắm trong tay quỹ đất nhiều mà không làm gì được.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, trong 5 năm trở lại đây, một số quy định chồng chéo của Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Đất đai đã khiến cho hàng trăm dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội ở TP.HCM bị vướng mắc, gặp khó trong quá trình triển khai thực hiện.

5 năm qua, giá nhà ở TP.HCM đã tăng chóng mặt và hiện nay những người có nhu cầu ở thực khó lòng sở hữu nhà ở với mức giá dưới 2 tỷ đồng. Đồng thời các doanh nghiệp cũng "khó thở", nhất là ở thời điểm dòng vốn tắc nghẽn.

Hiện nay ở TP.HCM có hàng trăm dự án đang vướng mắc khiến nguồn cung.
Hiện nay ở TP.HCM có hàng trăm dự án đang vướng mắc khiến nguồn cung.

Như dự án Khu dân cư Phước Long B, TP. Thủ Đức của Công ty CP Thế kỷ 21 cũng rơi vào tình trạng vướng đất công xen kẹt nên vẫn chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư. Làm cho doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do chi phí phát sinh và phải chịu các khoản bồi thường cho đối tác, đồng thời cũng "chôn" số vốn đã sử dụng để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tạo lập quỹ đất dự án.

Theo tìm hiểu, ngày 8/11/2019, Tập đoàn Keppel Land Việt Nam đã tổ chức lễ động thổ dự án Saigon Sports City, khu đô thị thể thao phức hợp và thông minh với diện tích 64 ha tại TP. Thủ Đức. Dự án này đã có quyết định 1/500 và có tổng mức đầu tư lên đến 500 triệu USD.

Dự án dự kiến xây dựng vào quý II/2020 và hoàn thành năm 2027, sẽ cung cấp cho thị trường 4.300 căn hộ. Tuy nhiên, đến nay là 3 năm, dự án vẫn "bất động".

Về phía chủ đầu tư, đơn vị đã hoàn thành công tác san lấp mặt bằng và đang trong quá trình thiết kế hệ thống cơ sở hạ tầng. Dự án vẫn đang hoàn thành các phê duyệt cần thiết cho việc xây dựng và phát triển các hạng mục khác trong khu đô thị. Nhưng thời gian để triển khai các hạng mục chính thức như: Khu thể dục thể thao, khu nhà ở cũng chưa cụ thể.

Ngoài ra, còn 1 dự án gần 30 năm vẫn chưa được bàn giao là Saigon Centre-IV và V tại quận 1. Theo thông tin báo chí, năm 1993, Bộ KH&ĐT đã cấp phép đầu tư dự án Saigon Center tại quận 1 cho Công ty TNHH FPSL Watco. Sau đó, công ty này được chia thành 5 công ty con tương ứng Keppel Land Watco I, II, III, IV, V để thực hiện 5 dự án Saigon Center I, II, III, IV và V.

Thế nhưng, đến nay, các dự án Saigon Center I, II, III đã hoàn thành thì 2 dự án Saigon Center IV, V chưa được bàn giao đất để triển khai. Được biết, 2 dự án này đã nhiều lần điều chỉnh giấy phép đầu tư và được thực hiện bởi liên danh phía Singapore là Tập đoàn Keppel Land và phía Việt Nam là Tổng Công ty Đường sông Việt Nam và Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn.

Nguyên nhân dẫn đến 2 dự án kéo dài hàng thập kỷ đó là 2 tổng công ty phía Việt Nam mới góp được 816 m2/3.376 m2 đất dự án Saigon Center IV, khoảng 5.247 m2 đất dự án Saigon Center V chưa bàn giao. Trong khi, Gamuda Land thì lại gặp rắc rối tại dự án Celadon City tại quận Tân Phú, quy mô hơn 900.000 m2.

Từ năm 2017, dự án này đã bị "đứng hình" sau khi Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi 514 tỷ đồng bởi hàng loạt sai phạm. Phía Gamuda Land cho biết, do kiến nghị của Thanh tra Chính phủ nên UBND TP.HCM đã yêu cầu các Sở, ban, ngành không thực hiện cấp giấy phép xây dựng, chuyển nhượng dự án, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho các hộ dân tại dự án…

Căn cứ vào báo cáo, Phó Thủ tướng lúc bấy giờ là ông Trương Hòa Bình đã giao Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Tài chính để có văn bản hướng dẫn UBND TP.HCM. Bộ TN&MT cũng đã có công văn gửi UBND TP.HCM. Sau đó, UBND TP.HCM đã giao cho Sở TN&MT TP.HCM chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Thanh tra, Cục Thuế TP.HCM nghiên cứu đề xuất báo cáo trong tháng 1/2022. Dẫu vậy, đến nay, DN vẫn chưa tiếp tục thực hiện các thủ tục hành chính tại dự án.

Dưới ở góc độ chính quyền, hồi đầu tháng 7, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, thời gian tới, TP.HCM sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc cho 118 dự án BĐS trên địa bàn. Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp để thúc đẩy mạnh hơn chương trình xây dựng nhà ở xã hội, phấn đấu đến năm 2025 giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở đang khó khăn như hiện nay.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống