TP. HCM chặn sốt đất: Công khai quy hoạch để chặn cò đất thổi giá
Công khai, minh bạch chính sách, quy hoạch được xem là biện pháp căn cơ để ngăn chặn nạn đầu cơ, thổi giá gây sốt nhà đất.
Thị trường bất động sản (BĐS) TP HCM thời gian qua liên tục ghi nhận những vụ lừa đảo trong mua bán nhà đất, cũng như hiện tượng cò đất, môi giới tung tin đồn "thổi" giá đất khiến thị trường chao đảo. Thực trạng này buộc UBND TP phải ra công văn chỉ đạo các sở ngành liên quan rà soát, sàng lọc các đối tượng cung cấp thông tin sai lệch về các dự án nhà đất để xử lý theo quy định.
Một cán bộ thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hóc Môn (điểm nóng về xây dựng trái phép thời gian qua) thừa nhận mỗi lần có thông tin về việc hình thành đại lộ ven sông Sài Gòn, điều chỉnh quy hoạch,... là giá đất trên địa bàn huyện lại tăng, giao dịch nhộn nhịp hẳn. Cò đất, giới đầu cơ đưa rất nhiều thông tin ảo về giá cả, quy hoạch lên mạng.
Tuy nhiên, theo luật sư Trần Đình Dũng, trung ương Hội Trung tâm tư vấn pháp luật TP HCM, trung ương Hội Luật gia Việt Nam, rất khó để xử lý hình sự cò đất tung tin thất thiệt trừ khi hành vi của họ gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc lừa đảo. Họ sẽ dựa vào lý do biến động thị trường, thuận mua vừa bán để biện minh cho hành động của mình nên rất khó cáo buộc vì không có luật điều chỉnh. Một chuyên gia BĐS khác cũng nhận định việc TP HCM chỉ đạo công an xử lý các đối tượng cò đất, đẩy giá đất là khó khả thi.
"Tôi lấy ví dụ khi rục rịch có thông tin di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) lập tức giá đất ở đường Kênh Nước Đen, phường Bình Hưng Hòa A lên đến 100 triệu đồng/m2. Nói ra để thấy một yếu tố quyết định thị trường BĐS hiện nay chính là công khai quy hoạch. Một khi thông tin rõ đất nào được phép cấp sổ đỏ, được phép chuyển đổi, cò đất không thể lợi dụng đầu cơ, rồi tung tin đồn thổi giá được" - ông Hùng nói.
Ông Phan Trường Sơn, Trưởng Phòng Phát triển nhà và Thị trường BĐS - Sở Xây dựng TP HCM, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, sắp tới Sở Xây dựng sẽ phối hợp các sở ngành khác đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cũng như công khai thông tin về quy hoạch, chủ trương và tiến độ các dự án đầu tư lớn để người dân, doanh nghiệp được rõ, không để cò đất mượn cớ tung tin đồn thổi giá.
Đồng tình với quan điểm này, luật sư Trần Đình Dũng cho rằng không có cách nào tốt hơn là tuyên truyền cho người dân hiểu được thị trường ở từng khu vực đang như thế nào, biến động ra sao, tránh mắc vào "vòng xoáy" của các nhà đầu tư, tạo sốt ảo. Đối với nhà đầu tư, nhà nước cần có chính sách ổn định thị trường, như can thiệp về nguồn vốn; hỗ trợ lượng giao dịch; có chính sách, quy hoạch cụ thể, rõ ràng cho BĐS thương phẩm chứ không thể can thiệt bằng biện pháp hành chính vì sẽ không có tác dụng mạnh.
Theo ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP BĐS DKRA Việt Nam, vấn đề hiện nay là nhà nước cần minh bạch hóa về quy hoạch, làm sao để dân, doanh nghiệp có thể kiểm tra thông tin dễ dàng. Ví dụ quy hoạch đất ở khu vực nào, để người mua cảm thấy an tâm khi bỏ tiền vào, còn người bán cũng khó đưa ra thông tin lừa dối, từ đó việc điều tiết giá bán sẽ dễ dàng hơn.
Ngoài ra, theo ông Lâm, nhà nước không thể thả nổi các sàn môi giới BĐS hoạt động tràn lan, vô tôi vạ như hiện nay. "Trước đây, các giao dịch nhà đất phải thực hiện qua sàn, nhân viên môi giới phải có chứng nhận nhưng hiện nay ai cũng có thể làm môi giới, cũng được lập công ty, tạo ra một lực lượng mà không ai kiểm soát được. Dẫn tới tình trạng lộn xộn, ai cũng tranh thủ cơ hội dễ dẫn đến làm liều. Cũng do chế tài quá yếu nên nếu công ty này mất uy tín, họ dẹp đi và lập công ty khác để lừa khách hàng" - ông Lâm nêu thực trạng.
Theo vị chuyên gia này, môi giới tác động đến tâm lý người mua rất lớn. Họ quảng cáo sai, tung tin thổi giá nhà đất nhưng không bị xử lý nặng, trong khi ở các quốc gia phát triển, khách hàng có quyền kiện nếu môi giới nói sai. "Tôi cho rằng cần có quy chuẩn vận hành đối với môi giới để họ đi vào hoạt động chuyên nghiệp, bền vững. Nếu nhà nước kiểm soát chặt các nhân viên môi giới, thị trường BĐS chắc chắn sẽ ổn định hơn" - ông Lâm đề nghị.
Siết giao dịch chuyển nhượng bất động sản
Đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai TP HCM (Sở Tài nguyên và Môi tường TP HCM) cho biết sắp tới sẽ siết chặt các hoạt động giao dịch, chuyển nhượng bất động sản để tránh hiện tượng đầu cơ, thổi giá. Thống kê cho thấy chỉ trong nửa năm 2018, TP đã có gần 10.000 giao dịch nhà đất thành công, tăng đột biến hơn 30% so với cùng kỳ năm 2017.