TP. HCM: Còn tắc huy động trái phiếu xanh
TP. HCM cần hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm để đầu tư, tuy nhiên nguồn vốn được huy động từ trái phiếu xanh lại chiếm tỷ trọng rất thấp.
Dòng vốn xanh chảy chậm
Trái phiếu xanh sẽ tăng cường trách nhiệm xã hội trong các dự án đầu tư. Đây được coi là công cụ tài chính để huy động vốn cho các dự án đem lại lợi ích cho môi trường. Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam vẫn còn đối mặt nhiều thách thức.
Đại diện Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE) cho hay, trong thời gian qua, nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường trái phiếu xanh đã được đơn vị này hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện như: công bố thông tin và minh bạch hóa các hoạt động về tài chính xanh; khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán thực hiện báo cáo tài chính, báo cáo thường niên đề cập đến phát triển bền vững, phát triển xanh.
HoSE cũng tích cực xây dựng các biện pháp để hiện thực hóa việc thu hút vốn đầu tư vào thị trường trái phiếu xanh Việt Nam. Trong đó, khuyến khích đa dạng hóa nhà đầu tư, tạo kênh vốn cạnh tranh, hỗ trợ tối đa cho cho các dự án đầu tư có trách nhiệm xã hội, nỗ lực chống biến đổi khí hậu, xem như đây là công cụ huy động vốn thiết yếu cho Việt Nam thực hiện các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, năng lượng mặt trời hay đầu tư hệ thống xử lý chất thải, giảm thiểu tác động xấu lên môi trường.
Tuy nhiên, phát hành trái phiếu xanh chính thức vẫn chưa được thực hiện do khuôn khổ pháp lý và hướng dẫn báo cáo nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững chưa đầy đủ, việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế còn hạn chế, thiếu tổ chức độc lập có đủ năng lực để đánh giá về các chỉ số phát triển bền vững cho các công ty. Bên cạnh đó, chi phí ban đầu cho các dự án xanh thường có nhu cầu vốn cao, rủi ro về chi phí vốn lớn.
Theo đại diện của Sở Tài chính TP. HCM, hằng năm thành phố phải huy động khoảng trên 35.000 – 40.000 tỷ đồng để đầu tư. Trong đó, nhu cầu đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố khoảng 10.000 – 12.000 tỷ đồng. Việc huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu xanh có tỷ trọng rất thấp. Cụ thể, năm 2016 chỉ có 11 dự án trái phiếu xanh thuộc lĩnh vực môi trường, tổng mức đầu tư trên 2.619 tỷ đồng (nguồn vốn từ trái phiếu xanh là 523 tỷ đồng). Năm 2017, có 7 dự án trái phiếu xanh thuộc lĩnh vực môi trường, tổng mức đầu tư là 2.915 tỷ đồng (nguồn vốn từ trái phiếu xanh là 339 tỷ đồng).
“Trái phiếu xanh là trái phiếu do chính phủ, chính quyền địa phương, hay doanh nghiệp phát hành nhằm huy động vốn cho dự án xanh, được ban hành kèm theo các điều khoản đặc biệt về cơ chế trả nợ, truy đòi hoặc miễn truy đòi từ tổ chức phát hành. Hiện nay, do yêu cầu cấp thiết của thị trường, doanh nghiệp chúng tôi rất cần phát hành trái phiếu xanh để chuyển đổi sản xuất xanh. Tuy nhiên, vấn đề làm như thế nào doanh nghiệp tiếp cận được việc phát hành còn khó khăn trong thẩm định, đánh giá quản lý rủi ro môi trường, thiếu thống nhất về danh mục và ngành xanh nên thiếu cơ sở, căn cứ để làm các thủ tục phát hành”, bà Lệ Thảo, giám đốc nguồn vốn của một doanh nghiệp bất động sản tại TP. Thủ Đức, chia sẻ.
Vận dụng Nghị quyết 98 để huy động trái phiếu xanh
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp sốt ruột việc triển khai tài chính xanh, trái phiếu xanh. Bởi giờ không “xanh” thì doanh nghiệp không xuất hàng đi đâu được. Chuyển đổi xanh hiện nay là yêu cầu cấp bách của doanh nghiệp. Mà để doanh nghiệp chuyển đổi xanh thì cần phải có nguồn tài chính dài hạn, lãi suất hợp lý. Doanh nghiệp mong muốn được hướng dẫn, sớm có định chế để sớm được tiếp cận dòng vốn này. Còn để tự thân mỗi doanh nghiệp đứng ra phát hành trái phiếu xanh để huy động vốn là điều rất khó, vì hiện nay, phần lớn doanh nghiệp của TP. HCM là nhỏ và vừa.
T. Trần Văn, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển kinh tế số (IDS) cho rằng, TP. HCM có thể vận dụng các quy định của Nghị quyết 98 để huy động trái phiếu xanh của chính quyền địa phương, khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh phục vụ cho các mục tiêu, chương trình, dự án xanh đáp ứng đủ các tiêu chí phát triển xanh.
“TP. HCM có Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù thì những công trình xanh, dự án phát triển bền vững phù hợp là đối tượng để phát hành trái phiếu xanh. Thành phố có thể phát hành trái phiếu của chính quyền thành phố, trái phiếu xanh, đầu tư trực tiếp hoặc hỗ trợ một phần cho doanh nghiệp theo hình thức PPP”, TS Trần Văn nói.
Để giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp cũng như triển khai rộng rãi tài chính xanh, TS Trần Văn kiến nghị TP. HCM cần ban hành các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, đòn bẩy kinh tế cho thị trường trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh để động viên, khuyến khích sự tham gia của người dân và doanh nghiệp thông qua việc giảm lãi suất, cam kết mua lại trái phiếu…
Về phía lãnh đạo TP. HCM, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố nhận định, lực lượng quyết định đến thành công của chuyển đổi xanh là doanh nghiệp. Thành phố xác định nguồn lực để thực hiện việc này là tài chính xanh, nhân lực chất lượng cao. Một số trụ cột khác của khung chiến lược chuyển đổi xanh, phát triển bền vững của TP. HCM là hạ tầng. Hiện năng lượng sạch chỉ chiếm 14%, đến năm 2030 cũng chỉ tối đa 30%. Bởi vậy, mặt bằng pháp lý cần nghiên cứu hoàn thiện hơn cho tài chính xanh.
“TP. HCM làm sao để các doanh nghiệp tiếp cận được tài chính xanh để chuyển đổi sản xuất, tiếp cận được thị trường và phát triển bền vững. Vì vậy, thời gian tới, thành phố sẽ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh”, vị Chủ tịch thành phố cho hay.
Cụ thể, TP. HCM có thể bắt đầu bằng việc công bố danh mục các dự án xanh với đầy đủ thông tin, tổng mức đầu tư, đánh giá của các định chế tài chính, tư vấn độc lập, cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn xanh, việc huy động vốn, ấn định lãi suất, thời hạn trả nợ trên cơ sở hiệu quả tổng hợp đầu ra của dự án… từ đó lên kế hoạch huy động vốn bằng trái phiếu chính quyền xanh hay trái phiếu xanh do doanh nghiệp dự án phát hành. Trong việc này, nhận thức của người dân và cộng đồng doanh nghiệp về phát triển xanh, chấp nhận cam kết đấu tranh bảo vệ hệ sinh thái, môi trường, với biến đổi khí hậu, tự giác mong muốn, chủ động tham gia có ý nghĩa quyết định.
Theo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế và các cơ quan chức năng của Việt Nam, Việt Nam là quốc gia có thể chịu tổn thất khoảng 15 tỷ USD/năm do biến đổi khí hậu, tương đương 5% GDP và 20% dân số chịu tác động bởi sự gia tăng 1m của mực nước biển, diện tích đất canh tác trong nông nghiệp bị thu hẹp cho ngập lụt và xâm mặn, chi phí sản xuất của ngành công nghiệp tăng bởi thiếu hụt nguồn nguyên liệu và năng lượng. Vì vậy, trái phiếu xanh đang được xem như một kênh thu hút vốn mới và hiệu quả cho các giải pháp nhằm thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.