TP HCM đề xuất quy hoạch sông Sài Gòn và sông Đồng Nai
Trong quý 3/2023, UBND TP HCM sẽ tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ chính để thúc đẩy phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.
Văn phòng UBND TP HCM đã có Thông báo kết luận của Lãnh đạo UBND TP với một số tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai… tại Hội nghị trao đổi, hợp tác giữa TP HCM với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.
Sau Hội nghị lần thứ nhất giữa TP HCM với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, tổ chức ngày 3/3/2023 tại tỉnh Bình Dương công tác tổ chức, triển khai đã đạt được nhiều kết quả ý nghĩa: Khởi công Dự án đường Vành đai 3 - TP HCM; nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - TP HCM; chuẩn bị đầu tư Dự án đường cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; có ý kiến góp ý đối với phương án thiết kế nút giao Sóng Thần (tỉnh Bình Dương);…
Đánh giá cao công tác phối hợp giữa các sở, ngành TP HCM với các địa phương trong chuẩn bị chu đáo các nội dung trao đổi, thảo luận tại Hội nghị nhằm kịp thời triển khai hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Duy trì tổ chức Hội nghị các địa phương vùng Đông Nam Bộ hằng quý; tổ chức Hội nghị quý 3/2023 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; tổ chức Hội nghị quý 4/2023 tại tỉnh Bình Phước.
Nội dung cụ thể tập trung thực hiện trong quý 3/2023:
Đề xuất định hướng quy hoạch ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai
Quy hoạch ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai có ý nghĩa quan trọng nhằm khai thác tiềm lực về kinh tế ven sông, cảng, du lịch, giao thông thủy, bảo vệ môi trường, sinh thái, an ninh nguồn nước của các địa phương.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp đơn vị tư vấn và các địa phương trong vùng nghiên cứu quy hoạch phát triển hành lang sông Sài Gòn kết nối đồng bộ, toàn diện hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cầu vượt sông, đường, bến thủy nội địa, cảng hàng hóa,…) với tỉnh Bình Dương và các tỉnh ở thượng nguồn; báo cáo, đề xuất UBND TP xem xét chỉ đạo cập nhật vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060.
Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng của các địa phương, tham mưu triển khai thực hiện nội dung này; gửi các địa phương góp ý định hướng quy hoạch trong tháng 8/2023.
Đề xuất Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số của vùng
Đề nghị Đại học Quốc gia TP HCM tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, tham vấn, phản biện, xây dựng chính sách trên các lĩnh vực; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; hỗ trợ, hình thành mạng lưới chia sẻ nguồn lực giáo dục, đào tạo cho các địa phương vùng Đông Nam Bộ. Hoan nghênh chủ trương khảo sát, thành lập Trường Đại học chăm sóc sức khỏe trên cơ sở nâng cấp Khoa Y của Đại học Quốc gia TP HCM.
Thống nhất với đề xuất của Đại học Quốc gia TP HCM về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số và các hoạt động hỗ trợ của Đại học Quốc gia TP HCM. Đề nghị Đại học Quốc gia TPHCM có Kế hoạch cụ thể, gửi UBND các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ góp ý cụ thể để thống nhất ký kết triển khai thực hiện chung cho vùng. Tiếp tục định hướng mở rộng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong từng lĩnh vực cụ thể.
TP HCM - Bình Dương - Đồng Nai nghiên cứu thống nhất phân bổ phù hợp các cơ sở giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Giao Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM phối hợp Đại học Quốc gia TP HCM, tham mưu UBND TP triển khai thực hiện nội dung này.
Đề xuất cơ chế xây dựng Quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng
Vừa qua tại Hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ tổ chức ngày 18/7/2023 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì đã thống nhất kết luận chỉ đạo giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng, phấn đấu hoàn thành trong quý 3/2023.
TP HCM và các địa phương trong vùng thống nhất, chủ động, phối hợp tích cực với Bộ Tài chính để tham mưu Thủ tướng Chính phủ và chủ động rà soát, bố trí các nguồn lực từ ngân sách, xã hội hóa hợp lý để tham gia xây dựng Quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng.
Lãnh đạo các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng, thống nhất xác định các công trình hạ tầng giao thông nào, quy mô vốn bao nhiêu được đề xuất sử dụng Quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng.
Giao Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM chủ trì, phối hợp Ngân hàng Thế giới và các các cơ quan liên quan của các địa phương tham mưu UBND TP HCM triển khai thực hiện nội dung này; tham mưu Kế hoạch tổ chức Hội thảo tiếp xúc với các nhà tài trợ trong nước, quốc tế, tổ chức tín dụng cho vay.
Về Dự án đường Vành đai 4 – TP HCM
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý với đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, giao UBND TP HCM là cơ quan đầu mối tổng hợp việc triển khai thực hiện các dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - TP HCM (thay thế nhiệm vụ của UBND tỉnh Long An).
Giao Sở Giao thông vận tải TP HCM chủ trì, tham mưu UBND TP HCM triển khai thực hiện nội dung này.
Về kết nối lĩnh vực y tế giữa TP HCM với các địa phương trong vùng
Thống nhất nghiên cứu, trình Bộ Y tế phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật vùng và xây dựng bệnh viện tuyến cuối của vùng.
Hợp tác lĩnh vực y tế theo 2 cấp:
Hợp tác cấp độ 1: Hợp tác song phương giữa các cơ sở y tế với nhau, bao gồm: Hợp tác chuyển giao kỹ thuật giữa bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện địa phương; Hợp tác chuyên môn giữa CDC các tỉnh, thành; Hợp tác chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước và giữa các Sở Y tế với nhau,… nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của từng đơn vị, địa phương.
Hợp tác cấp độ 2: Hợp tác xây dựng và phát triển mạng lưới y tế chuyên sâu từ bệnh viện tuyến cuối đến tuyến y tế cơ sở để hình thành mạng lưới các chuyên khoa theo quy mô vùng Đông Nam Bộ đối với các bệnh lý nguy hiểm có nguy cơ tử vong cao như Ung thư, Đột quỵ, Tim mạch, Ngoại chấn thương, Sản khoa, Nhi khoa.’
Giao Sở Y tế TP HCM chủ trì, phối hợp cùng Sở Y tế, các bệnh viện, các viện, mở rộng ra các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ y tế của TP HCM và các tỉnh trong vùng thường xuyên, duy trì công tác liên kết y tế để chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trong vùng, phát triển hệ thống hội chẩn từ xa, từ y tế dự phòng đến y tế chuyên sâu, nâng cao năng lực y tế cho các địa phương và giảm áp lực cho y tế, hạ tầng của TP HCM.
Thông báo kết luận cũng nêu các nội dung hợp tác giữa TP HCM với từng tỉnh vùng Đông Nam Bộ.