TP. HCM xin cơ chế đặc thù: Hà Nội không áp dụng, vì sao?
- Trước đề xuất của TPHCM xin cơ chế mở rộng giải phóng mặt bằng sau đó đấu giá đất hai bên đường vừa được giải phóng mặt bằng để tái đầu tư hạ tầng, một lãnh đạo Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Hà Nội cho rằng, sở này từng đề xuất nhưng không áp dụng được.
Mở rộng đất GPMB để tái đầu tư hạ tầng
Cụ thể, theo Sở TN&MT Hà Nội, nếu thực hiện theo phương án đề xuất thì khi mở đường sẽ thu hồi thêm diện tích đất ở hai bên đường (mỗi bên 50m).
Quỹ đất này chia làm hai phần bằng một tuyến đường nội bộ, một phần sát mặt đường lớn thì đấu giá xây dựng các công trình lớn, thiết kế đẹp và hiện đại.
Phần còn lại sẽ dùng vào việc tái định cư cho chính những người trước đây ở mặt đường phải di dời dành đất xây đường.
Như vậy sẽ bớt đi tình trạng bất công giữa người phải di dời và những người có nhà phía sau trong ngõ ngách bỗng dưng ngày đẹp trời lại ra mặt đường.
Đồng tình với quan điểm đấu giá đất chính đường giải phóng, ông Phạm Sỹ Liêm cũng cho rằng, các dự án hạ tầng của Hà Nội từ vành đai 1 đến vành đai 2, 2,5... đều phụ thuộc vào ngân sách, khi thiếu vốn thì dự án đình trệ và sự chậm trễ lại dẫn đến đội vốn lên nhiều lần. “Đây là vòng luẩn quẩn”, ông nói.
Theo ông Liêm, nguyên lý khi mở đường là thu hồi toàn bộ khu vực đô thị mà tuyến đường dự định đi qua với giá đất như nhau. Sau đó, thành phố tiến hành đấu giá đất để lấy tiền làm đường, doanh nghiệp sử dụng đất sẽ xây dựng chung cư để người dân tái định cư tại chỗ. Qua đó, tuyến đường không chỉ giải quyết vấn đề giao thông mà còn làm tăng giá trị đất đai trong cả khu vực.
“Đây là kinh nghiệm từ nhiều thành phố trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam, ngành nào biết ngành đó, anh giao thông chỉ biết làm đường, không quan tâm phát triển giá trị đất đai. Với cách làm hiện nay, chỉ có những người ở mặt đường được hưởng lợi từ dự án hạ tầng, không bình đẳng với những người phải di dời, tái định cư đến nơi khác “, ông Liêm nói.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, hiện, giải phóng mặt bằng thiếu công cụ hỗ trợ, còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng dự án “da beo” (chỗ đã đền bù, chỗ đang tranh chấp).
“Để giải quyết thực trạng này, cơ quan chức năng xem xét thực hiện cơ chế Nhà nước thu hồi đất để sớm triển khai thực hiện dự án và giao cho “Tổ chức phát triển quỹ đất” của các tỉnh, thành phố thực hiện. Sau đó địa phương tiến hành đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án để lựa chọn nhà đầu tư, vừa đảm bảo minh bạch, công bằng, hạn chế tình trạng khiếu kiện như hiện nay, vừa tăng nguồn thu ngân sách nhà nước”, ông Châu nói.
>>> Chuyện hy hữu ở Hải Phòng, được cấp sổ đỏ 13 năm mà không biết đất ở đâu
>>> Điều chỉnh quy hoạch đô thị, đất công cộng có bị “xén”?
Theo Ngọc Mai
Báo Tiền phong
Link nguồn: https://www.tienphong.vn/kinh-te/tphcm-xin-co-che-dac-thu-ha-noi-khong-ap-dung-vi-sao-1206195.tpo