TP Hồ Chí Minh chuẩn bị lập thêm Bệnh viện dã chiến quy mô 20.000 giường
Dự kiến TP Hồ Chí Minh sẽ lập thêm Bệnh viện dã chiến quy mô 20.000 giường bệnh đặt tại Đại học Quốc gia TP, việc làm này nhằm đảm bảo TP sẽ luôn chủ động trong công tác chống dịch Covid-19.
Mới đây, Thành ủy TPHCM đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy, UBND TPHCM với Thường trực 24 quận huyện ủy trên địa bàn TPHCM.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Phó Bí thư thường trực Trần Lưu Quang, Phó bí thư Võ Thị Dung cùng ông Nguyễn Thành Phong- Chủ tịch UBND TPHCM và Nguyễn Thị Lệ- Chủ tịch HĐND TPHCM chủ trì hội nghị.
Báo cáo về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đánh giá Việt Nam và TPHCM nói riêng đang bước vào giai đoạn mới nguy hiểm hơn. Tất cả các cơ quan, đơn vị đã vào cuộc, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Tính đến thời điểm này, TPHCM đã có 4 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó 3 ca đã khỏi bệnh. Ca nhiễm mới (bệnh nhân số 32) đến từ Anh đang được điều trị tại bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM. Cả 4 trường hợp đều lây lan từ bên ngoài, chưa ghi nhận trường hợp nào lây lan bệnh trong cộng đồng.
Ông Lê Thanh Liêm cho biết hàng ngày, từ 17h, UBND TPHCM họp trực tuyến với một số sở ban ngành quận huyện để triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.
“TPHCM đã thành lập 2 khu cách ly ở huyện Củ Chi và huyện Nhà Bè với quy mô 500 giường bệnh. Dự kiến nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, TPHCM sẽ tiếp tục triển khai 2 khu cách ly tập trung với tổng số 21.000 giường, bao gồm: Bệnh viên Ung bướu 1.000 giường và ký túc xá ĐHQG TPHCM 20.000 giường”, ông Liêm cho hay.
Phó Chủ tịch thường trực Lê Thanh Liêm lưu ý: “Diễn biến dịch bệnh hết sức phức tạp. Nhiều nước có ca bệnh tăng cao như Italy, Hàn Quốc, Iran,… Nhiều người đi qua các nước đó rồi vào TPHCM tham gia hội thảo, du lịch…Tình hình rất căng thẳng. Chỉ trong 1 tuần cả nước đã phát hiện 23 ca nhiễm mới”.
Ông Liêm nói dù dịch bệnh phức tạp, TPHCM phấn đấu, tuyệt đối không để dịch bệnh lây nhiễm cho nhân viên y tế và gia đình.
Tại hội nghị, Thành ủy TPHCM đã công bố Chỉ thị số 26 của Ban thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới.
Chỉ thị yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch bệnh tại từng đơn vị, địa phương. Thành ủy TPHCM yêu cầu không để dịch bệnh lây lan, vượt quá khả năng phòng, chống dịch của các ngành y tế các quận, huyện và thành phố, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Chỉ thị yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc chức trách, nhiệm vụ trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trước đó, tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh TPHCM, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TPHCM cho biết ĐHQG TPHCM sẵn sàng phối hợp nếu thành phố muốn trưng dụng cơ sở vật chất phục vụ phòng chống dịch Covid -19 khi tình hình diễn biến phức tạp.
ĐHQG TPHCM có gần 70.000 sinh viên chính quy theo học tại 7 trường thành viên (Bách khoa, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và nhân văn, Công nghệ thông tin, Kinh tế - Luật, Quốc tế, An Giang) và Khoa Y. Khu ký túc xá ĐHQG TPHCM có hơn 40.000 chỗ nằm giữa quận Thủ Đức (TPHCM) và TP. Dĩ An (tỉnh Bình Dương).
Với tổng diện tích được xây dựng 59 hecta bao gồm khu A hiện hữu, khu A mở rộng và khu B, Ký túc xá ĐHQG có 61 dự án xây dựng, 51 đơn nguyên KTX từ 5 đến 16 tầng, và các dịch vụ như tầng hầm, nhà điều hành, nhà ăn, trung tâm y tế, nhà văn hóa, siêu thị và bến xe buýt.
Khu B KTX ĐHQG TPHCM được khởi công xây dựng từ tháng 10/2009 với diện tích khoảng 40 ha, thuộc phía đông bắc TPHCM- phường Linh Trung, quận Thủ Đức và xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, tính đến ngày 12/3, TPHCM có 108 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, trong đó 107 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính, 1 trường hợp đang chờ kết quả xét nghiệm. Có 44 trường hợp tiếp xúc gần với người mắc bệnh. Tất cả đều đã kết thúc thời gian theo dõi 14 ngày và không có triệu chứng mắc bệnh.
Hiện nay, TPHCM có 322 trường hợp đang được cách ly tại Khu cách ly tập trung của thành phố, gồm: Khu cách ly tập trung tại huyện Củ Chi (166 trường hợp), Khu cách ly tập trung của thành phố tại huyện Nhà Bè (97 trường hợp); Bệnh viện quận 7 (57 trường hợp).
Tổng số người được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung của quận, huyện là 460 trường hợp, trong đó 66 người đã kết thúc thời gian theo dõi 14 ngày. Có 3.720 người đang được cách ly tại nhà.
Theo Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ