TP.HCM xin nâng tỷ lệ ngân sách được giữ lại lên 23%

TP.HCM kiến nghị được điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố giai đoạn 2022 - 2025 là 23%.

Tại báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2021 gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM đã kiến nghị điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025.

UBND TP.HCM cho biết, tỷ lệ ngân sách thành phố được giữ lại hiện nay đang là khó khăn, thách thức đối với thành phố. Cụ thể, TP.HCM là địa phương có tỷ lệ đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước (khoảng 27%) nhưng tỷ lệ tổng chi ngân sách trên tổng thu ngân sách trên địa bàn thấp nhất cả nước.

Cụ thể, từ năm 2017, tỷ lệ phân chia nguồn thu cho ngân sách của TP.HCM đã giảm từ 23% xuống còn 18%. Trong khi đó, nhu cầu vốn để chi đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và nhu cầu kinh phí để đảm bảo các chính sách, chế độ ngày càng tăng cao, gây áp lực cho ngân sách thành phố.

TP.HCM xin nâng tỷ lệ ngân sách được giữ lại lên 23% - Ảnh 1
TP.HCM đề xuất Thủ tướng nâng tỷ lệ ngân sách được giữ lại lên 23%.

UBND TP.HCM cho biết, năm 2020, tiến hành xây dựng Đề án “Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025”, Thành phố đã tổ chức nhiều cuộc họp và xây dựng trên 12 kịch bản tỷ lệ điều tiết theo phương pháp nghiên cứu khoa học.

Kết quả dựa trên chuỗi số liệu từ các kịch bản cho thấy, phương án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM là 23% trong giai đoạn 2022 - 2025 (bằng với giai đoạn 2011 - 2016) cho kết quả tối ưu, đảm bảo đáp ứng được tất cả các tiêu chí.

Đặc biệt hơn, theo lãnh đạo TP.HCM, TP được giữ nhiều ngân sách thì số tiền nộp về ngân sách Trung ương lại tăng so với trường hợp Trung ương vẫn giữ nguyên tỷ lệ điều tiết 18% ngân sách để lại cho TP.HCM.

Trước đó, tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 42 (tháng 7/2020), ông Nguyễn Thiện Nhân, khi đó là Bí thư Thành ủy TP.HCM, đã phân tích, do TP.HCM là trung tâm có hiệu quả kinh tế cao nhất nước, năng suất gấp 2,8 lần bình quân cả nước; một đồng vốn công bỏ ra ở TP.HCM thu hút 10 - 14 đồng vốn đầu tư và mỗi năm tạo thêm 126.000 việc làm.

Sau đó, Thành ủy TP.HCM đã có Tờ trình kiến nghị Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025 là 23%, thay vì 24% như ban đầu.

Khẳng định “Số thu ngân sách chuyển nộp về ngân sách trung ương tăng so với trường hợp Trung ương vẫn giữ nguyên tỷ lệ điều tiết 18% cho ngân sách TP.HCM”,  UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng “ủng hộ chủ trương và quan tâm chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Thành phố và cơ quan liên quan hoàn chỉnh Đề án Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố, hoàn thiện tờ trình của Chính phủ trình cấp có thẩm quyền thông qua Đề án trong năm 2021 nhằm tăng thu ngân sách chuyển về cho Trung ương và tạo tiền đề để Thành phố phát triển nhanh, bền vững”.

 

Minh Thái

Theo Đất Việt