Trông chờ 'bàn tay vô hình': Khó có nhà ở vừa túi tiền cho dân
Chuyên gia cho rằng nếu để "bàn tay vô hình" của cơ chế thị trường thì sẽ rất khó có được nhà ở vừa túi tiền cho người dân. Thời gian qua, giá nhà tăng liên tục chính là minh chứng. Vì vậy, nhà nước nên trực tiếp tham gia tạo lập nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội để dẫn dắt, điều tiết thị trường trong một giai đoạn nhất định.
Phát triển nhà ở vừa túi tiền không nên “thả nổi”
Trong phiên thảo luận về chủ đề nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá bình dân tại diễn đàn bất động sản mùa Xuân lần IV, ông Đoàn Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO, cho biết phát triển nhà ở vừa túi tiền càng ngày càng nhận được sự quan tâm mạnh mẽ hơn từ chính phủ các nước. Tư duy “thả nổi” đối với nhà ở vừa túi tiền theo quy luật cung - cầu tự nhiên của thị trường đang được thay đổi bằng những định hướng, chính sách khuyến khích phát triển phân khúc nhà ở này.
Từ nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về nhà ở vừa túi tiền của một số quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Đức, Trung Quốc… ông Bình gợi mở một số giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật của Việt Nam. Trong đó, ông Bình nhấn mạnh đến giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật bao gồm: đưa ra khái niệm và ban hành tiêu chí xác định nhà ở vừa túi tiền; đồng bộ các quy định về nhà ở vừa túi tiền trong hệ thống pháp luật, chú trọng xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nhà ở vừa túi tiền…
Ngoài ra, ông Bình cho rằng cần hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng và ban hành hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, công nghệ mới cho nhà ở vừa túi tiền, ban hành thiết kế mẫu cho nhà ở vừa túi tiền… qua đó góp phần giảm chi phí đầu tư xây dựng nhằm hạ giá nhà.
Đối với công tác quy hoạch, theo ông Bình, cần đổi mới dựa trên sự chú trọng quy hoạch và phát triển quỹ đất cho phát triển nhà ở vừa túi tiền, quy hoạch tăng mật độ xây dựng trong các dự án nhà ở cao tầng, tính toán tỷ trọng cơ cấu nhà ở vừa túi tiền trong tổng thể kế hoạch phát triển nhà ở theo năm/giai đoạn, quy định cụ thể tỷ lệ nhà ở vừa túi tiền trong các khu đô thị.
Cùng với đó, nhà nước cần chú trọng hơn việc quy hoạch nhà ở vừa túi tiền gần các đấu mối giao thông và đầy đủ hạ tầng xã hội cũng như khuyến khích chuyển đổi không gian thương mại thành nhà ở vừa túi tiền.
Ngoài ra, ông Đoàn Văn Bình còn đưa ra kiến nghị về áp dụng giải pháp tài chính và thuế. Cụ thể, ông cho rằng nên sử dụng công cụ thuế để điều tiết các phân khúc nhà ở cao cấp, hạn chế đầu cơ, hướng thị trường đến nhà ở vừa túi tiền có nhu cầu thực; thêm nguồn lực tài chính phát triển nhà ở vừa túi tiền, đi kèm với xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế, phí đối với chủ đầu tư và người mua, thuê nhà ở vừa túi tiền; khuyến khích đầu tư nước ngoài vào nhà ở vừa túi tiền và nghiên cứu triển khai quỹ tiết kiệm nhà ở (Central Provident Fund - CPF), quỹ tín thác bất động sản (Reits); tăng cường hợp tác công tư trong phát triển nhà ở vừa túi tiền.
Một giải pháp khác không kém phần quan trọng, theo ông Bình, là cải cách thủ tục hành chính thông qua đơn giản hóa hệ thống các thủ tục, ứng dụng công nghệ, tăng cường phân cấp, ủy quyền để giảm thiểu gánh nặng về thời gian, chi phí thủ tục cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian cấp phép đối với các dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền, miễn cấp phép trong các trường hợp nhất định trong khu đô thị có công năng hỗn hợp.
“Nếu để 'bàn tay vô hình' của cơ chế thị trường thì sẽ rất khó có được nhà ở vừa túi tiền cho người dân. Thời gian qua, giá nhà tăng liên tục chính là minh chứng. Vì vậy, nhà nước cũng nên trực tiếp tham gia tạo lập nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội cho thuê để dẫn dắt, điều tiết thị trường trong một giai đoạn nhất định”, ông Bình nhấn mạnh.
Các diễn giả tham dự tại diễn đàn bất động sản mùa Xuân lần IV.
KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cũng cho rằng nhà ở xã hội phải do nhà nước cầm trịch, doanh nghiệp đồng hành. Việc phát triển phải dựa trên quy hoạch, cần gắn nhà ở xã hội nhà ở công dân với việc phát triển các dự án hạ tầng giao thông công cộng, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp… để tạo sự thuận tiện cho việc di chuyển của người dân.
Chính sách nhà ở xã hội cần tháo gỡ cả phía cầu
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, cho biết thách thức của việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua là những ưu đãi của nhà nước về thuế sử dụng đất, thuế VAT, tín dụng, chi phí quản lý chưa phù hợp với quy luật của thị trường nên chưa thể đi đến thống nhất giữa nhà nước và nhà đầu tư.
Do đó, ông Hải đề xuất, cần có ưu đãi về quyền sử dụng đất, thuế VAT, tín dụng đối với doanh nghiệp đầu tư, bên cạnh đó cũng cần thúc đẩy phía cầu, là người mua.
“Có những dự án nhà ở xã hội quy mô 4.000 - 5.000 căn nhưng không hấp thụ được do nhiều người dân chưa có nhà có nhu cầu mua nhưng lại không đủ điều kiện thụ hưởng mua nhà ở xã hội. Khi không tiêu thụ được sản phẩm thì nhà đầu tư sẽ không dám mạnh dạn đầu tư, khơi thông nguồn cung nhưng nghẽn ở phía cầu thì cũng tắc”, ông Lê Viết Hải nhấn mạnh.
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng chương trình nhà ở xã hội hiện nay đang được thiết kế trên tư duy mua - bán chứ không phải cho thuê. Ông Ánh cho rằng cần xác định rõ đối tượng nhà ở xã hội với các vấn đề về thu nhập thực tế thay vì thu nhập danh nghĩa, bên cạnh đó là phân phối thu nhập và khả năng chi trả của đối tượng.
TS Vũ Đình Ánh đề xuất, với nhà ở xã hội, chính sách nên hướng đến thúc đẩy việc xây dựng để cho thuê nhiều hơn là bán để đáp ứng nhu cầu và phù hợp hơn với khả năng chi trả của người dân. “Nếu không nghiên cứu kỹ, việc đẩy mạnh phát triển nguồn cung nhà ở xã hội có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Doanh nghiệp xây nhà ở xã hội đang phải đối mặt với rủi ro bán sai đối tượng. Còn người chưa có nhà thì không có khả năng mua, nếu mua thì cuộc sống sẽ khó khăn hơn vì phần lớn thu nhập để trả các khoản vay. Như vậy chính sách nhà ở xã hội lại dồn gánh nặng vào vai người dân”, ông Ánh khẳng định.
Dưới góc nhìn tổng thể hơn, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng với việc phát triển nhà ở xã hội, nên tiếp cận ở nhiều góc độ, nhiều giải pháp để hướng đến kết quả cuối cùng là hỗ trợ được cho người dân. Theo đó, nhà ở xã hội nên phát triển cả bán và cho thuê, ai có đủ năng lực mua sẽ mua, ai không đủ thì thuê.
Với vấn đề tiếp cận nguồn vốn, ông Hiếu nhấn mạnh, việc thí điểm tiếp cận các quỹ đất khác để phát triển nhà ở thương mại sẽ tạo ra cơ chế tốt hơn cho các doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai để phát triển nhà ở. Trong Luật Đất đai, nhà nước đứng ra thu hồi đất cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, đây là điểm thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp so với làm nhà ở thương mại.